Rối loạn tiền đình là hội chứng rất phổ biến với những biểu hiện thường gặp là mất hoặc giảm thăng bằng, buồn nôn, chóng mặt, … Nếu bệnh đi kèm với một số bệnh lý như thiếu máu não, huyết áp cao hay tiểu đường sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Cùng TCI tìm hiểu về bệnh rối loạn tiền đình qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa và phân loại bệnh rối loạn tiền đình
1.1. Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh, có vị trí phía sau hai bên ốc tai. Nó có nhiệm vụ là phối hợp cử động đầu, mắt và thân mình để cân bằng cơ thể và duy trì trạng thái cân bằng ở tất cả tư thế. Khi cơ thể chuyển động thì hệ thống tiền đình cũng sẽ nghiêng, lắc để giữ thăng bằng.
Rối loạn tiền đình (trong tiếng Anh là Vestibular Disorders) là những rối loạn xuất phát từ tổn thương dây thần kinh số 8, tổn thương mạch máu não và tổn thương tai trong, gây ra sự tắc nghẽn trong quá trình tiếp nhận thông tin, biểu hiện một số triệu chứng như cơ thể mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ù tai …
1.2. Phân loại các nhóm rối loạn tiền đình
Dựa trên biểu hiện và nguồn gốc gây bệnh, bệnh rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại chính như sau:
– Loại 1: Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên
Đây là dạng phổ biến nhất mà 90 – 95% người bệnh mắc phải. Biểu hiện thường gặp ở nhóm này là chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng. Các triệu chứng này kéo dài dai dẳng gây khó chịu và ảnh hưởng nhất định tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Một số người bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng sẽ gặp các triệu chứng khác như nôn ói, giảm thính lực, vã mồ hôi, giảm sự tập trung, …
– Loại 2: Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương
Đây là dạng rối loạn nghiêm trọng với nguyên nhân là sự tổn thương hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như đi đứng khó khăn, choáng váng khi cơ thể thay đổi tư thế, chóng mặt, thỉnh thoảng buồn nôn. Triệu chứng ở nhóm này không bộc phát mạnh mẽ nhưng đây lại là nhóm bệnh nguy hiểm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và khó chữa hơn rối loạn tiền đình ngoại biên.
2. Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến rối loạn tiền đình
2.1. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên
Các nghiên cứu cho thấy rối loạn tiền đình ngoại biên xuất phát từ các nguyên nhân:
– Viêm dây thần kinh tiền đình do các loại virus Zona, thủy đậu, quai bị
– Rối loạn chuyển hóa gồm các bệnh lý tiểu đường, suy giáp, tăng ure huyết, …
– Hội chứng Meniere còn được biết đến là phù nề tai trong
– U dây thần kinh số 8
– Viêm tai giữa cấp
– Chấn thương vùng tai trong
– Dị dạng tai trong
– Sỏi nhĩ
– Say tàu xe
2.2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương
Nguyên nhân gây ra chứng tiền đình có nguồn gốc trung ương là:
– Nhiễm trùng não
– Xuất huyết não
– Nhồi máu não
– Chấn thương, u não
– Thiểu năng tuần hoàn sống nền
– Hạ huyết áp tư thế
– Xơ cứng rải rác
– Hội chứng Wallenberg
– Nhức đầu Migraine
– Giang mai thần kinh
Ngoài ra có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình như sau:
– Môi trường sống: công việc áp lực, đặc thù công việc ít vận động, sử dụng máy tính và điện thoại liên tục, ngồi nhiều, ô nhiễm tiếng ồn…
– Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài: một số loại thuốc giảm đau nếu sử dụng trong thời gian dài có thể khiến hệ thống tiền đình gặp rối loạn.
– Tuổi tác: những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thực tế cứ 100 người trên 40 tuổi thì có khoảng 35 người mắc bệnh này.
– Tiền sử bị chóng mặt: những người có triệu chứng chóng mặt trong thời gian dài trong tương lai sẽ tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình phổ biến
– Phương pháp xét nghiệm điện: sử dụng các điện cực nhỏ đặt lên vùng da quanh mắt để đo chuyển động của mắt nhằm đánh giá các dấu hiệu rối loạn chức năng tiền đình và các vấn đề thần kinh.
– Phương pháp xét nghiệm xoay vòng: sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt nhằm đánh giá sự hoạt động của mắt và tai.
– Phương pháp đo âm ốc tai: phương pháp này đo sự đáp ứng các tế bào tóc với các cú nhấp được tạo ra bởi loa nhỏ chèn vào trong ống tai nhằm cung cấp thông tin về các tế bào lông phía trong ốc tai.
– Phương pháp chụp cộng hưởng MRI: sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. Phương pháp này sẽ giúp chẩn đoán chứng rối loạn tiền đình có liên quan đến khối u bất thường nào hay không để có phương pháp điều trị chính xác.
4. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình được đánh giá cao hiện nay
Rối loạn tiền đình kéo dài gây ra nhiều hạn chế trong cuộc sống hàng ngày và lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Vì vậy nên điều trị càng sớm càng tốt, một số phương pháp phổ biến có thể kể đến như:
– Điều trị bằng thuốc: giúp giảm nhẹ triệu chứng, tùy vào tình trạng sẽ có loại thuốc và liều lượng phù hợp.
– Các bài tập phục hồi chức năng tiền đình: phương pháp này giúp các bộ phận trong cơ thể phối hợp nhịp nhàng đồng thời giúp não tiếp nhận và xử lý thông tin từ tiền đình nhanh hơn.
– Tập luyện, vận động đều đặn: tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp máu lên não ổn định, giảm triệu chứng chóng mặt. Đi bộ hoặc tập yoga, thiền đều là các môn tập giúp người bệnh thoải mái và cải thiện tâm trạng.
– Thực hiện phẫu thuật: sau một thời gian sử dụng các biện pháp điều trị còn lại mà không đạt hiệu quả, tình trạng bệnh không cải thiện bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.
5. Các phương pháp phòng tránh rối loạn tiền đình hiệu quả
5.1 Chế độ ăn uống hợp lý
Uống đủ nước mỗi ngày, ăn đầy đủ dinh dưỡng và các nhóm chất, tăng cường rau củ và hoa quả, hạn chế các thức ăn được chiên rán, xào nấu nhiều dầu mỡ… Bên cạnh đó cũng hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
5.2. Phân chia thời gian làm việc, nghỉ ngơi khoa học
Cần phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi sao cho phù hợp để cơ thể có sự nghỉ ngơi, tránh thức khuya và ngủ đủ 8 tiếng/ngày.
5.3. Đi khám sức khỏe định kỳ
Giai đoạn đầu người bệnh thường gặp những triệu chứng nhẹ nên thường chủ quan và xem đó là biểu hiện mệt mỏi thông thường. Tuy nhiên, nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả như ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập, làm việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng hơn gây ra các biến chứng như đột quỵ, bại liệt, gặp tai nạn, trầm cảm và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, hãy giữ thói quen đi khám sức khỏe 6 tháng 1 lần và đến ngay bệnh viện khi có các triệu chứng nêu trên.