Những nguy hiểm không ngờ khi bị mắc xương cá

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Mắc xương cá có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Thậm chí, trong nhiều tình huống, mắc hóc xương cá chỉ có thể giải quyết bằng các ca cấp cứu tại bệnh viện. Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ về độ nguy hiểm của hiện tượng này, hãy tham khảo bài viết dưới đây để có cái nhìn đúng đắn và đủ cảnh giác cho tình trạng nuốt hóc xương cá.

1. Mắc xương cá dễ gặp và đầy nguy hiểm

1.1. Vấn đề mắc xương cá rất phổ biến trong đời sống

Mắc xương cá hay hóc xương cá là một trong những tình huống hóc dị vật họng phổ biến. Đó là tình trạng xương cá theo đường nuốt, bị mắc lại cổ họng của con người và gây cảm giác khó chịu. Tình huống này thường xảy ra vô tình, do người nuốt và mắc hóc không ý thức được có xương cá trong nhịp nuốt thức ăn.

Mắc xương cá không phải là hiện tượng khó thấy trong đời sống. Thậm chí, một người có thể rơi vào tình huống này nhiều lần. Xương cá cũng là vật được liệt kê trong top đầu các dị vật họng. Do tính chất khá phổ biến như vậy, cùng với việc không phải mọi tình huống hóc xương cá đều nguy hiểm, nên nhiều người vẫn chủ quan, coi đây là hiện tượng không đáng lo ngại.

mắc xương cá

Hóc xương cá rất điển hình và dễ bắt gặp trong đời sống

1.2. Những nguy cơ có thể xảy ra với người bị hóc xương cá

Khó chịu, đau họng, khó nuốt là cảm giác chung với những người bị hóc xương cá. Những vấn đề này thường gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt cũng như tinh thần của người bị hóc. Thông thường, nếu việc xương cá mắc hóc không được giải quyết sớm mà duy trì lâu ngày, người bệnh có thể bị sút cân do tình trạng kém ăn. Người bệnh cũng sa sút tinh thần vì cảm giác khó chịu thường trực ngay cả khi uống nước hay nuốt nước bọt. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế, giải quyết xương cá bị vướng hóc là nhu cầu đầu tiên và cần thiết khi gặp vấn đề này.

Chưa dừng lại ở đó, người bị mắc xương cá còn đối diện với các nguy cơ:

– Xương cá đâm sâu vào thành họng, gây viêm nhiễm, áp xe khu vực họng. Ổ áp xe lớn dẫn đến tắc khí quản, ngạt thở và có nguy cơ tử vong.

– Viêm nhiêm xương cá gây nên có thể dẫn đến các bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm phổi,…

– Xương cá đâm trong thực quản, liên tiếp bị các thức ăn khác đưa xuống, khiến vị trí đâm của xương cá sâu hơn, có thể nguy hiểm đến mạch máu và động mạch chủ.

– Tương tự nguy hiểm khi bị nuốt kim, xương cá có thể làm thủng dạ dày, thủng ruột, viêm phúc mạc hay các viêm nhiễm trong ổ bụng.

2. Chữa hóc xương cá sớm để phòng ngừa nguy hiểm

Điều may mắn là, việc giải quyết các nguy cơ trên rất đơn giản. Đó là cần sớm xử lý xương cá đang mắc hóc.Vì thế, hãy cập nhật ngay và luôn các cách chữa hóc xương cá để đề phòng nguy cơ cho mình và những người xung quanh.

2.1. Tự gắp xương cá đúng cách

Nhiều trường hợp bị hóc xương cá, có thể nhờ người hỗ trợ và gắp xương cá như sau:

– Chuẩn bị dụng cụ cần thiết: đèn pin nhỏ, kẹp y tế

– Người bị hóc ngồi xuống ghế, đầu hơi ngẩng và thấp hơn so với vị trí của người hỗ trợ. Khi này, người hỗ trợ dùng đen pin để kiểm tra trong khoang miệng họng của người bị hóc. Người bị hóc cần phối hợp để mở miệng thật to, lưỡi ở vị trí thấp nhất để người hỗ trợ có thể quan sát dễ dàng nhất.

mắc xương cá

Sử dụng đèn pin kiểm tra vị trí xương cá hóc

– Nếu người hỗ trợ nhìn thấy mảnh xương cá hóc, hãy dùng kẹp y tế gắp xương cá. Khi đó, cố gắng để mảnh xương và kẹp không đâm, chạm vào các khu vực khác. Sau mảnh xương được lấy ra, người bị hóc chờ khoảng 3 phút sau và uống nước. Nếu không còn trạng thái nuốt vướng thì có thể an tâm. Để an toàn, người bị hóc nên đến nhờ bác sĩ kiểm tra để xác định không còn xương cá hóc cũng như có cách điều trị phù hợp nếu xương cá làm trầy xước, viêm nhiễm khoang họng.

– Nếu người hỗ trợ không nhìn thấy mảnh xương hóc. Đồng thời, sau khoảng thời gian để ổn định, người bị hóc vẫn cảm giác nuốt vướng và đau họng thì nên nhờ bác sĩ kiểm tra để gắp xương cá. Mỗi vị trí xương cá hóc có thể có những cách gắp khác nhau: nội soi hay phẫu thuật mở cánh từ cổ họng.

2.2. Phương pháp Heimlich

Thủ thuật Heimlich là phương pháp đẩy dị vật đường thở được các chuyên gia và nhiều người áp dụng. Cách làm rất đơn giản:

– Người hỗ trợ ở phía sau người bị hóc. Cả hai hướng về 1 phía.

– Người hỗ trợ ôm phần bụng của người bị hóc. Người hỗ trợ nắm tay thành đấm. Tay còn lại ôm lấy nắm của tay kia. Sau đó, lựa đặt nắm tay ở thượng vị – phần bụng dưới xương sườn của người bệnh.

– Người hỗ giật mạnh tay về phía mình, theo chiều từ dưới lên trên và từ trước ra sau so với người bị hóc. Khi đó sẽ tạo thành ra lực ép vào bụng người bị hóc để đẩy dị vật ra. Thực hiện động tác này khoảng 10 lần dứt khoát, không liên tục và quan sát người bị hóc.

Người bị hóc xương cá có thể thấy đau nơi hóc khi thực hiện biện pháp này. Khi đó, không nên cố thực hiện tiếp. Bởi, việc bị đau này có thể báo hiệu việc xương cá đâm sâu hơn vào họng. Khi đó, nên nhờ các bác sĩ có chuyên môn để hỗ trợ phù hợp.

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, hãy đặt bé tư thế úp người lên cánh tay người sơ cứu. Sau đó, hãy dùng gót tay để vỗ vào phần lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ 5 lần. Việc này nhằm khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên, từ đó đẩy dị vật ra. Tuy vậy, tương tự như trên, không nên cố làm tiếp khi trẻ có dấu hiệu đau hơn khi thực hiện phương pháp.

2.3. Đi khám và gắp xương cá tại bệnh viện

Trong điều trị hóc xương cá, các bác sĩ sẽ xác định vị trí, kích thước xương cá để đưa ra cách xử lý phù hợp. Với xương cá ở vị trí có thể quan sát trực tiếp, sau khi xịt giảm đau, bác sĩ sẽ gắp xương cá trực tiếp như cách thông thường. Tuy vậy, như đã nói trên, trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nội soi gắp xương cá hoặc phẫu thuật để lấy mảnh xương cá ở vị trí hiểm. Tuy nhiên, nguyên tắc điều trị luôn dựa trên các phương pháp đơn giản, nhanh chóng và khả thi nhất.

mắc xương cá

Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hóc xương cá phù hợp

Những tình huống hóc xương cá nên nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ:

– Không thể tự loại bỏ xương cá

– Có triệu chứng của việc hạn chế đường thở như khó thở, ngực sưng, phù nề vùng cổ họng,…

– Họng chảy máu

– Nước miếng chảy liên tục

– Không thể ăn uống

Có thể nói, mắc xương cá là hiện tượng cần để phòng. Khi xương cá mắc vào cổ họng và gây đau, có thể tạo viêm nhiễm trong 24h. Do đó, nếu đã thử tự chữa hóc xương cá mà không được, bạn nên liên hệ để nhờ bác sĩ hỗ trợ sớm, tránh để tình trạng xương cá gây viêm nhiễm vùng họng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital