Gan nhiễm mỡ nhẹ là hiện tượng lượng mỡ có trong gan chiếm 5 – 10% tổng trọng lượng lá gan. Bệnh không nguy hiểm nhưng có thể tiến triển nặng hơn nếu như không điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Menu xem nhanh:
1. Gan nhiễm mỡ là gì? Thế nào là gan nhiễm mỡ nhẹ?
1.1. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mô gan bị tích tụ quá nhiều chất béo và bị viêm. Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ cơ bản không có hại. Tuy nhiên viêm gan kéo dài có thể làm giảm chức năng gan, thậm chí dẫn tới xơ gan. Bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác cũng như không di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
1.2. Thế nào là gan nhiễm mỡ nhẹ?
Giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất, ít gây nguy hiểm và không có biểu hiện gì nên rất khó nhận biết. Lượng mỡ có trong gan chiếm 5 – 10% tổng trọng lượng lá gan. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở giai đoạn này thì có thể chữa khỏi.
2. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
2.1. Đồ uống có cồn có thể gây gan nhiễm mỡ nhẹ
Uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn là nguyên nhân phổ biến nhất của gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, chúng còn làm giảm hiệu quả của các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để điều trị bệnh.
2.2. Béo phì
Nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ ở người béo phì thường cao gấp nhiều lần người có trọng lượng bình thường. Bởi lẽ, cơ thể của người béo phì thường cung cấp chất béo vượt ngưỡng cơ thể hấp thu do đó dẫn đến hiện tượng tích tụ mỡ trong gan.
2.3. Mỡ máu cao
Nếu Lipid trong máu đi qua gan quá nhiều đồng nghĩa với việc hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Trường hợp vượt quá khả năng chuyển hoá của gan mỡ trong máu sẽ tồn đọng trong gan. Từ đó sinh ra gan nhiễm mỡ.
2.4. Tiểu đường
Thực chất bệnh tiểu đường là do rối loạn chuyển hoá glucose. Đường huyết cao sẽ tạo thành lớp bao phủ khiến gan mất chức năng chuyển hoá cholesterol. Từ đó dẫn tới tình trạng tích tụ cholesterol dẫn đến gan nhiễm mỡ.
2.5. Sút cân quá nhanh là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ nhẹ
Sút cân nhanh quá mức sẽ khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein làm cho triglyceride tích tụ trong gan. Sau một thời gian sẽ gây thừa mỡ trong gan.
2.6. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị lao phổi, mỡ máu có thể có tác dụng phụ làm tổn thương gan dẫn đến gan nhiễm mỡ.
3. Các biện pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ nhẹ
Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ các bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau:
– Siêu âm ổ bụng: Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, không xâm lấn có thể chẩn đoán gan nhiễm mỡ nhẹ. Trường hợp nghi ngờ xơ gan có thể thực hiện siêu âm đo độ đàn hồi gan.
– Xét nghiệm máu: Kiểm tra chỉ số Triglycerid, Cholesterol, định lượng men gan AST, ALT, GGT. Trường hợp nghi ngờ gan nhiễm mỡ có tiến triển sang xơ gan không, cần xét nghiệm thêm các chỉ số Bilirubin, Albumin, protein máu, đông máu cơ bản,
– Xét nghiệm Virus viêm gan: Kiểm tra Virus viêm gan A, B, C nhằm ngăn ngừa bệnh viêm gan virus kết hợp.
4. Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ
– Giảm cân: Đây là việc làm bắt buộc với những người béo phì mắc gan nhiễm mỡ. Giảm cân khoa học, an toàn sẽ giúp giảm tổn thương gan và cải thiện đề kháng Insulin. Tuy nhiên người bệnh cần tránh cách giảm cân cấp tốc vì nó sẽ khiến gan nhiễm mỡ trầm trọng hơn.
– Xem xét sử dụng vitamin E: Nếu mắc gan nhiễm mỡ nhưng không bị đái tháo đường người bệnh có thể sử dụng Vitamin E. Tuy nhiên vitamin E không được sử dụng trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ với những nam bệnh nhân có tiền sử hoặc gia đình mắc ung thư tiền liệt tuyến.
– Kiểm soát rối loạn lipid máu
– Tiêm phòng virus: Tiêm phòng viêm gan virus A, B, C sẽ giúp phòng tránh được virus gây tổn thương gan.
5. Phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ người bệnh cần lưu ý những điều sau:
Hằng ngày trong chế độ dinh dưỡng của mình, bạn nên áp dụng chế độ ăn khoa học như giảm đường, mỡ, thực phẩm giàu triglyceride và cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, thịt đỏ, da gà, vịt, ngan…
Thay vào đó, bạn nên chuyển sang dùng các loại dầu thực vật chẳng hạn: dầu mè, dầu lạc, đậu nành…. tăng cường ăn cá và các loại quả có nhiều vitamin như cam, quýt, thanh long, xoài, đu đủ,…
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, để phòng ngừa gan nhiễm mỡ bạn nên tăng cường vận động cơ thể với các hình thức khác nhau như chơi các môn thể thao tennis, cầu lông, bóng bàn, bơi, tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ,…
Người bệnh cũng nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra đường huyết, lipid máu 6 tháng/lần để phát hiện hỗ trợ cải thiện kịp thời khi gan có dấu hiệu bất thường.