Những điều cần biết khi bị trật khớp vai

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Trật khớp vai là loại trật khớp phổ biến nhất hiện nay, chiếm khoảng 50-60% trong tổng số các loại trật khớp. Thường gặp nhất là trật khớp vai ra trước. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết sau để nhận diện đúng, chẩn đoán và điều trị kịp thời khi gặp phải trường hợp này.

1. Dấu hiệu trật khớp vai

Trật khớp vai là sự di chuyển lệch khỏi vị trí ban đầu của chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương vai. Dấu hiệu nhận biết là cảm giác đau dữ dội, sưng, bầm tím, biến dạng khớp, khó hoặc mất vận động vùng khớp bả vai.

dấu hiệu trật khớp vai

Trật khớp vai sẽ khiến người bệnh đau dữ dội, sờ thấy sưng, có thể bầm tím, biến dạng khớp, khó hoặc mất vận động vùng khớp bả vai.

2. Đối tượng hay mắc phải

Trật khớp vai thường xảy ra sau khi người bệnh bị chấn thương do té ngã dang tay, đưa ra sau, chống bàn tay hay chống khuỷu tay. Cấu trúc giải phẫu khớp vai có chỏm xương cánh tay lớn hơn so với đáy ổ chảo xương vai nông, hơn nữa đây lại là khớp có tần suất vận động rất nhiều nên rất dễ bị trật khớp.

Đây là loại chấn thương thường gặp ở người trẻ. Các đối tượng hay gặp như vận động viên thể thao, người mang vác nặng thường xuyên, tai nạn giao thông, người già bị té ngã, trẻ em bị té ngã,…

3. Chẩn đoán trật khớp vai

Ban đầu người bệnh sẽ được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, dựa trên những dấu hiệu lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần chụp X quang, cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT-scan) để xác định chính xác mức độ và vị trí trật khớp.

3.1 Trật khớp vai ra trước

Trên lâm sàng các dấu hiệu trật khớp vai ra trước được biểu hiện đó là hình dạng vai trồi về phía trước (xoay ngoài, dấu nhát rìu, vai vuông), ấn chẩn ổ khớp rỗng và đau. Khi này cần thăm khám để phát hiện xem có tổn thương thần kinh, mạch máu nữa không.

Cận lâm sàng đầu tiên đó là chụp X quang vai để phát hiện xem chỏm xương cánh tay có bị trật không, mức độ trật như thế nào, loại trừ gãy xương. Chụp X quang thường được thực hiện cả trước khi nắn và sau khi nắn. Thường trước khi nắn cần chụp X quang để xác định trật khớp và phát hiện có gãy xương hay không. Chụp lại X quang sau khi nắn để xác định việc nắn trật đã thành công và loại trừ xương bị gãy do nắn chỉnh.

Với những trường hợp bị chấn thương có gãy xương phức tạp thì chụp cắt lớp vi tính  (CT scan) khớp vai sẽ giúp phát hiện rõ hơn. Đối với tổn thương phần mềm làm mất vững khớp vai và loại trừ có chấn thương ở tủy sống thì chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI).

3.2 Trật khớp vai ra sau

Chấn thương xảy ra do lực tác động từ phía trước vai. Biểu hiện trên lâm sàng đó là vai gồ phía sau với tư thế khép, xoay trong, mõm quạ nhô ra. Để chẩn đoán chủ yếu là chụp X quang. Dấu hiệu gợi ý là khoảng cách từ mặt trong chỏm xương cánh tay đến rìa trước ổ chảo bị đảo ngược, hai thành phần trên chồng lên nhau.

các dạng trật khớp vai

Mô phỏng hình ảnh trật khớp vai ra trước và trật khớp vai ra sau, trong đó thường gặp nhất là trật khớp vai ra trước (chiếm khoảng 95% trường hợp bị trật khớp vai).

3.3 Trật khớp vai xuống dưới

Khi lực chấn thương tác động dọc cánh tay có thể khiến khớp vai bị trật xuống dưới. Trường hợp này hay kèm theo tổn thương thần kinh đa số là thần kinh nách, rách chóp xoay, gãy mấu động lớn và có thể có cả tổn thương mạch máu. Để chẩn đoán chủ yếu là chụp X quang.

4. Điều trị trật khớp vai

Để điều trị trật khớp cần nắn chỉnh càng sớm càng tốt, đôi khi cần phẫu thuật và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chụp chiếu và thực hiện nắn chỉnh. Bởi việc nắn chỉnh khớp cần làm đúng kỹ thuật, không thô bạo, phối hợp nhịp nhàng. Vì vậy không nên lựa chọn những địa chỉ nắn chỉnh chưa được cấp phép để tránh mang hậu quả nặng nề (di chứng) về sau.

Sau khi nắn trật cần cố định phần vai bị tổn thương, bất động bằng băng thun, đai đeo tay với tư thế cố định khoảng 1-3 tuần. Sau thời gian bất động người bệnh cần tập vận động vai tăng dần để lấy lại khả năng vận động khớp vai và sức cơ. Chơi những môn thể thao nhẹ sau 3 tháng, sau đó khoảng 4 tháng có thể tập lại các môn thể thao như bình thường. Nếu bạn vận động sớm, không tuân thủ nguyên tắc điều trị hay bị kết hợp thêm tổn thương phần mềm ở vùng vai bị trật khớp thì khớp vai vẫn có thể lại bị trật (còn gọi là trật tái hồi hoặc trật tái diễn).

Trong quá trình điều trị trật khớp bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, chống sưng nề để hỗ trợ người bệnh sau khi nắn trật.

khám và điều tri trật khớp vai

Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa ngoại/cấp cứu để được chẩn đoán đúng, nắn trật và điều trị hiệu quả.

5. Sơ cứu ban đầu khi bị trật khớp vai

Giống như chấn thương phần mềm bạn cần cố định (bất động vùng khớp vai bị tổn thương). Sau đó băng bịt lại bằng thun hoặc nẹp và đến cơ sở y tế để được xử trí.

Nếu chưa rõ tổn thương có phải trật khớp không, có phải gãy xương thì tuyệt đối không được nắn chỉnh. Việc nắn chỉnh khớp nếu như không loại trừ được nguy cơ gãy xương sẽ càng khiến người bệnh đau hơn, biến chứng nghiêm trọng hơn và có thể gây dị tật sau này.

Bạn cần lưu ý rằng với những trường hợp trật khớp thì không nhất thiết phải chườm, nếu bệnh nhân muốn chườm thì chỉ chườm lạnh chứ tuyệt đối không được chườm nóng.

6. Có nên bó lá khi bị trật khớp hay không?

Khi bị trật khớp người bệnh cần được nắn chỉnh để khớp trở về vị trí ban đầu. Việc bó lá nếu như không nắn chỉnh trước sẽ không có tác dụng gì mà chỉ làm trì hoãn thêm thời gian để người bệnh được xử trí..

Bó lá thường được áp dụng trong trường hợp gãy xương và bạn cần phải lựa chọn những cơ sở uy tín để thực hiện, bởi nếu tùy tiện bó lá rất có thể làm phá hỏng cơ, xương và các mô xung quanh khiến tổn thương nghiêm trọng hơn và lâu phục hồi hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital