Bệnh lý Parkinson là một rối loạn thần kinh – vận động đặc trưng bởi tình trạng mất khả năng giữ thăng bằng và không kiểm soát được các cử động của cơ thể. Bệnh đang có xu hướng tăng cao do tuổi thọ trung bình tăng. Cùng tìm hiểu về bệnh Parkinson qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh Parkinson là gì và có nguy hiểm không?
Bệnh Parkinson là một rối loạn thần kinh tiến triển chậm, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như run rẩy, cứng cơ bắp, khó điều khiển chuyển động và suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân chính gây Parkinson chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, yếu tố di truyền và môi trường có thể là các yếu tố gây bệnh.
Parkinson không được coi là một bệnh nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng Parkinson có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Họ thường gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi lại, ăn uống, làm việc và giao tiếp.
Ngoài ra, bệnh lý Parkinson cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, vấn đề về hệ tiêu hóa và suy giảm chức năng thần kinh. Người bệnh cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để tránh nguy cơ mắc các bệnh não – thần kinh nghiêm trọng.
2. Bệnh lý Parkinson và các triệu chứng thường gặp
Parkinson gây ra các triệu chứng khác nhau ở từng người bệnh. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân Parkinson:
– Run rẩy: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Parkinson. Tình trạng run thường bắt đầu ở một bên cơ thể như tay, ngón tay, cẳng chân hoặc hàm và sau đó lan rộng sang các bộ phận khác.
– Hạn chế việc điều khiển chuyển động: Parkinson làm chậm quá trình điều khiển các chuyển động, khiến người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các thao tác như quay người, bước đi, viết…
– Giảm khả năng giữ thăng bằng: Bệnh nhân thường cảm thấy mất thăng bằng, dễ ngã hoặc khó thay đổi hướng di chuyển.
– Sự thay đổi trong tính cách: Parkinson có thể gây ra sự thay đổi trong suy nghĩ, giao tiếp như nói không rõ ràng hoặc không có biểu cảm, phản ứng chậm với mọi tình huống.
Ngoài ra, một số người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng khác như mất ngủ, trầm cảm, rối loạn hành vi giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, khó tập trung và suy giảm trí nhớ.
3. Phòng ngừa và chẩn đoán bệnh Parkinson
3.1. Các biện pháp phòng ngừa bệnh lý Parkinson
Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Các biện pháp phòng ngừa được chia sẻ bởi chuyên gia Nội thần kinh gồm:
– Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Bảo vệ sức khỏe bằng cách điều chỉnh chế độ ăn cân bằng, giàu chất chống oxy hóa (như trái cây và rau). Hạn chế tiếp xúc với chất có hại như thuốc lá, rượu bia.
– Vận động thể chất: Tập thể dục đều đặn giúp bảo vệ hệ thần kinh và giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Nên lựa chọn các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia các lớp yoga, nhảy.
– Đảm bảo chất lượng và thời gian ngủ: Ngủ đủ và sâu giấc đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ. Nên tạo một môi trường ngủ thoải mái, thực hiện các thói quen tốt và duy trì lịch ngủ – thức đều đặn.
– Điều chỉnh môi trường làm việc: Tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chất gây ô nhiễm trong môi trường làm việc.
– Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan: Trầm cảm và căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh. Nếu bạn gặp vấn đề bất ổn về tinh thần, nên tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý.
3.2. Cách chẩn đoán bệnh lý Parkinson
Việc chẩn đoán bệnh Parkinson thường dựa trên việc quan sát triệu chứng kết hợp với các biện pháp xét nghiệm, chụp chiếu khác.
Thông thường, bác sĩ sẽ nắm bắt thông tin triệu chứng qua quá trình trò chuyện, kết hợp với kiểm tra cơ bắp và các chuyển động của bệnh nhân (gồm tình trạng run ở các chi, cứng cơ, tốc độ di chuyển).
Bên cạnh đó, chuyên gia có thể chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp khác như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc xét nghiệm. Việc này nhằm loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự Parkinson.
Chẩn đoán bệnh lý Parkinson thường khó khăn ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng chưa rõ ràng hoặc xảy ra không thường xuyên. Vì vậy, để phát hiện bệnh sớm, việc đánh giá và chẩn đoán cần được tiến hành bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.
4. Phương pháp điều trị, cải thiện triệu chứng bệnh
Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị Parkinson phổ biến gồm:
– Dùng thuốc: Các nhóm thuốc như thuốc ức chế cholin, thuốc thay thế dopamin,…thường được sử dụng để điều trị Parkinson. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể đem lại tác dụng phụ không mong muốn. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc.
– Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu bao gồm các bài tập, động tác và kỹ thuật nhằm cải thiện cường độ và sự linh hoạt của các cơ, tăng khả năng giữ cân bằng. Bệnh nhân nên luyện tập đi lại, bước dài chân, tập thở sâu, tắm nắng… Bên cạnh đó, việc bổ sung dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D. Hạn chế nhiễm trùng hô hấp bằng các biện pháp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng để phòng ngừa biến chứng viêm phổi.
– Ngoại khoa: Trong một số trường hợp nặng, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị bệnh Parkinson.
Tóm lại việc điều trị bệnh lý Parkinson là cần thiết và phải được cá nhân hóa, theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Lưu ý, các thông tin trong bài viết trên chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế các chẩn đoán y khoa.