Bệnh trĩ từ lâu đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều người bởi sự phiền toái, khó chịu mà nó đem lại. Chính vì vậy, việc tìm ra cách chữa bệnh trĩ hiệu quả được rất nhiều người quan tâm. Bài viết này sẽ phần nào giúp bạn có thêm thông tin về bệnh trĩ, cũng như những cách điều trị căn bệnh thầm kín này.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trĩ: Định nghĩa bệnh và cách phân loại
1.1. Cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ
Bệnh trĩ được hình thành do sự giãn nở quá mức của các tĩnh mạch hậu môn – trực tràng. Lý giải về cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ, hiện nay chưa có lời giải thích nào thuyết phục hoàn toàn. Tuy nhiên, có hai giả thuyết được đưa ra xoay quanh cơ chế hình thành bệnh trĩ như sau:
– Thuyết cơ học: Các đám rối tĩnh mạch trĩ nội nằm ở dưới niêm mạc trên đệm hậu môn, được cố định vào mặt trong cơ tròn trong bởi các dây chằng. Khi các dây chằng suy yếu, đệm hậu môn bị ứ máu và trượt ra ngoài, tạo thành bệnh trĩ. Một số yếu tố gây tổn thương cho dây chằng như: độ tuổi cơ treitz bắt đầu thoái hóa từ sau tuổi 20), tình trạng tăng áp lực trong ổ bụng (táo bón, ngồi lâu, làm các công việc nặng, phì đại tuyến tiền liệt…).
– Thuyết mạch máu: Tình trạng rối loạn thần kinh vận mạch ở bệnh nhân. Đáp ứng bất thường đó đã mở thông các cầu nối thông động tĩnh mạch ở các đệm hậu môn. Từ đó lưu lượng máu động mạch ồ ạt đổ về đệm hậu môn. Áp lực máu tăng lên ở đám rối mạch trĩ gây chảy máu và sa búi trĩ.
1.2. Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường được phân chia thành 2 dạng chính là trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids)
Trĩ nội: búi trĩ nằm bên trên đường lược của hậu môn và trực tràng.
Trĩ ngoại: búi trĩ nằm bên ngoài ống hậu môn, nằm dưới đường lược.
Bệnh trĩ hỗn hợp là kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại. Ngoài ra, khi búi trĩ nội đã sa ra ngoài và mang đặc tính của trĩ ngoại cũng có thể coi như trĩ hỗn hợp.
Bệnh trĩ còn được chia theo các cấp độ. Có 4 cấp độ của bệnh trĩ.
Ở bệnh trĩ nội
Các cấp độ được xác định dựa theo mức độ sa ra ngoài của búi trĩ. Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn được coi như giai đoạn 1 của bệnh. Giai đoạn này là nhẹ nhất và khá khó nhận biết. Ở cấp độ 2, búi trĩ bắt đầu sa ra ngoài nhưng có thể tự co vào mà không cần tấc động. Ở cấp độ 3, người bệnh phải dùng tay đẩy thì các búi trĩ mới có khả năng co vào được. Trong mức độ nặng nhất của bệnh, búi trĩ hoàn toàn nằm bên ngoài hậu môn. Người bệnh không thể dùng tay đẩy vào nữa. Lúc này, người bệnh cần phải được xử lý y tế gấp để tránh những tổn thương và đau đớn, hạn chế tối đa biến chứng.
Ở bệnh trĩ ngoại
Bệnh cũng được chia thành 4 mức độ tuy nhiên tính chất các mức độ là khác nhau. Ở giai đoạn 1, bệnh từ hình thành và triệu chứng dễ nhận biết hơn trĩ nội. Hậu môn người bệnh xuất hiện những chấm thịt nhỏ và gây ngứa. Giai đoạn 2, các búi trĩ phát triển lớn hơn và gây ra cảm giác đau rát, gây cộm ở hậu môn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh chuyển sang giai đoạn 3 là tắc nghẹt búi trĩ và cuối cùng là mức độ 4: nhiễm trùng nặng búi trĩ.
1.3. Biểu hiện của bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ có các biểu hiện chung và phổ biến như sau:
– Đau rát hậu môn là biểu hiện thường thấy đối với bệnh nhân trĩ, mức độ từ đau nhẹ đến đau dữ dội. Thông thường, bệnh trĩ ngoại gây đau đớn hơn trĩ nội.
– Đi đại tiện kèm máu. Đối với bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ, có thể nhìn được trong phân hoặc giấy vệ sinh sẽ có lẫn máu tươi. Bệnh trĩ nội gây chảy máu nhiều hơn trĩ ngoại.
– Cảm giác cộm thường trực ở hậu môn, cảm thấy có các khối thịt vướng víu. Các khối có thể tự co vào hoặc không. Đây là biểu hiện đặc trưng của người bệnh trĩ khi búi trĩ đã bắt đầu sa ra ngoài.
– Dịch nhầy tiết ra nhiều hơn. Người bệnh luôn cảm thấy nhớp nháp và ẩm ướt kéo dài cực phiền toái.
– Một số trường hợp người bệnh bị rò rỉ phân.
2. Những cách điều trị bệnh trĩ được áp dụng phổ biến hiện nay
Dù lành tính nhưng bệnh trĩ rất phiền phức tác động tiêu cực đến các chức năng sống. Bệnh cũng không thể tự khỏi mà không được can thiệp y tế. Thông thường, có hai cách điều trị căn bệnh này như sau:
2.1. Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả bằng phương pháp nội khoa (thuốc)
Cách này thường dùng cho người bệnh đang ở mức độ nhẹ như 1, 2. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống. Các loại thuốc sẽ có tác dụng làm teo nhỏ búi trĩ, giúp búi trĩ còn nhỏ có thể được triệt tiêu. Thông thường, thuốc được chia thành ba loại là thuốc hỗ trợ nhuận tràng, thuốc giảm đau, giảm triệu chứng có tác dụng trực tiếp lên búi trĩ và thuốc tăng độ bền tĩnh mạch hậu môn.
Cần đặc biệt tuân theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc truyền miệng chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, các loại thuốc từ lá, thuốc nam không thể điều trị dứt điểm bệnh trĩ mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng.
2.2. Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả bằng phương pháp ngoại khoa
Các bác sĩ sẽ áp dụng thủ thuật hoặc phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ là phương pháp tối ưu nhất khi bệnh chuyển sang giai đoạn 3,4 và không thể điều trị bằng thuốc.
Hiện nay, có nhiều phương pháp hiện đại như phương pháp cắt đôn lẻ từng búi trĩ – Milligan Morgan và Ferguson hay phương pháp cắt trĩ sử dụng súng Longo ít xâm lấn. Trong đó, mổ trĩ Longo được ưa chuộng hơn cả vì gần như không đau, không xâm lấn quá nhiều vào hậu môn mà chỉ dựa trên nguyên tắc kéo búi trĩ trở lại vị trí ban đầu. Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nằm ở vùng vô cảm của ống hậu môn. Người bệnh sẽ nhanh phục hồi, có thể về sau 48 giờ mà không cần lưu viện quá lâu như các phương pháp khác.
Ngoài ra có thể kể đến các thủ thuật như thắt mạch, tiêm xơ búi trĩ với những trường hợp không quá nặng. Phương pháp này khiến búi trĩ khô đi và teo dần trong khoảng 10 ngày.
Trên đây là những cách chữa trị bệnh trĩ hiệu quả được áp dụng phổ biến hiện nay. Điều quan trọng trong điều trị bệnh trĩ đó là bệnh nhân cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh dứt điểm, triệt để hơn.