Nhiều người trẻ hiện nay chỉ mới hơn 20 tuổi hoặc ngoài 30 tuổi đã xuất hiện triệu chứng nói trước quên sau, nhớ nhớ quên quên, đặc biệt là hay quên các sự việc diễn ra trong thời gian gần – đây là biểu hiện của chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Vậy nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ là gì? Tác hại sẽ được “bật mí” ngay trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ
1.1 Mất ngủ kéo dài
Mất ngủ kéo dài là một trong những nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Nhiều bạn trẻ hiện nay thường có thói quen thức khuya làm việc, giải trí (xem tivi, điện thoại, máy tính, laptop,…), chính điều này đã vô tình làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nhiều người trẻ than phiền rằng mỗi đêm họ chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng, có người giấc ngủ bị ngắt quãng không liền một mạch (ngủ một lúc lại tỉnh sau đó lại ngủ tiếp), người trằn trọc mãi mới vào giấc ngủ,… Đây là biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ (điển hình là mất ngủ).
Bộ não của bạn cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi và hoạt động ngủ là khoảng thời gian để bộ não được thư giãn và sắp xếp lại các kiến thức vào một trật tự nhất định. Mất ngủ kéo dài, khiến não bộ bị kích thích quá mức gây tình trạng rối loạn trí nhớ, đặc biệt là hay quên những sự việc vừa xảy ra ở hiện tại.
Đặc biệt, mất ngủ kéo dài không chỉ là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ mà còn gây chứng thoái hóa não sau này.
Do tính chất công việc, áp lực cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ thay đổi về mặt sinh lý giấc ngủ (thay đổi nhịp sinh học của giấc ngủ) như làm việc vào ban đêm và ngủ vào ban ngày, điều này đapr ngược quá trình thức ngủ, gây ảnh hưởng tới trí nhớ.
Vì vậy, nếu các bạn trẻ đang gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài nên đi khám ngay để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau này.
1.2 Bệnh Alzheimer
Là bệnh lý điển hình nhất của chứng sa sút trí tuệ. Alzheimer thường gặp ở người cao tuổi, xong vẫn có một số ít người trẻ tuổi mắc phải (thường có liên quan đến yếu tố di truyền, đột biến gen).
Sự thoái hóa, teo não do bệnh lý Alzheimer biểu hiện thông qua việc giảm mất trí nhớ nặng dần lên, cùng với sự rối loạn tâm lý, rối loạn sự thích ứng trong đời sống hàng ngày và đời sống xã hội.
Nếu mắc bệnh Alzheimer cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh và tuân thủ phác đồ điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng mà bệnh gây ra và hỗ trợ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, bởi bệnh cho đến hiện nay thì bệnh alzheimer vẫn chưa có thể chữa khỏi.
1.3 Nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ: lo lắng, căng thẳng
Áp lực từ công việc, học tập, cuộc sống,… khiến não bộ của bạn luôn phải chịu sự căng thẳng, điều này khiến bạn khó tập trung và gây suy giảm nhớ. Thường gặp ở phụ nữ sau sinh, người làm việc với áp lực công việc cao, học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng, người phải trải qua cú sốc vì người thân qua đời, mất việc, ly hôn,…
Lo lắng, căng thẳng cũng hay làm xuất hiện các cơn đau đầu (đau đầu do căng thẳng). Khi quá lo lắng, căng thẳng não của bạn sẽ luôn bị kích thích ngay cả khi bạn ngủ, điều này dễ khiến bạn bị giật mình trong khi ngủ. Ngoài ra, khi cơ thể lo âu tuyến nội tiết sẽ tiết hormone cortisol, gây kích thích các cơ quan trong đó có não bộ ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ, khả năng ghi nhớ và tâm trạng của bạn.
1.4 Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi chưa hợp lý
Thiếu chất dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi chưa hợp lý khiến cơ thể mệt mỏi, dễ gây nhiều bệnh như thiếu máu não, mất ngủ, … điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ghi nhớ của giới trẻ.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ dễ hình thành các mảng bám trong thành động mạch gây xơ vữa động mạch. Cùng với việc ít tập luyện thể dục thể thao, các mảng bám sẽ ngày càng tích tụ cản trở máu lưu thông lên não gây suy giảm trí nhớ.
1.5 Thiếu máu não là một nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ
Vùng não giữ chức năng ghi nhớ khi bị thiếu oxy sẽ giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ. Não cần được cung cấp đủ oxy (đủ máu lên não) để đảm bảo chức năng hoạt động như bình thường.
Thiếu máu não do nhiều nguyên nhân nhưng được phân ra chủ yếu là do 3 nguyên nhân chính: xơ vữa động mạch (chiếm hơn 80% các trường hợp thiếu máu não), sự hình thành cục máu đông (huyết khối), suy giảm khả năng bơm máu lên não (giảm lưu lượng tuần hoàn máu não do các bệnh lý về tim mạch khiến tim bơm máu lên não không đủ).
1.6 Trầm cảm
Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam bị trầm cảm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì số lượng người tử vong do bệnh trầm cảm là hơn 700,000 người hàng năm và ở độ tuổi từ 15 – 29 tuổi.
Trầm cảm khiến người bệnh bị suy giảm chức năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, thay đổi về tính cách và hành vi,…
1.7 Chấn thương
Nếu từng bị chấn thương vùng đầu, đặc biệt là vùng não giữ chức năng ghi nhớ thông tin thì khả năng ghi nhớ sẽ bị suy giảm đáng kể.
Người từng bị chấn thương đầu nên cần đi kiểm tra chức năng não (gồm sọ não và mạch máu não) định kỳ mỗi năm bằng cách chụp cộng hưởng từ MRI sọ não – mạch máu não để loại trừ tổn thương còn tồn tại ở sọ não, mạch não. Đồng thời cần cải thiện chế độ ăn tốt cho não bộ và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và đặc biệt là không được va đập vùng đầu từng bị chấn thương.
2. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ có nguy hiểm không?
Suy giảm trí nhớ không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và công việc hiện tại như gây mất tập trung, giảm khả năng tư duy, giảm khả năng xử lý căng thẳng, thay đổi tính cách,…
Mà suy giảm trí nhớ còn khiến giới trẻ làm tăng nguy cơ cao mắc các bệnh lý sa sút trí tuệ như Alzheimer, Parkinson khi về già.
Giải pháp cải thiện trí nhớ ở người trẻ tuổi là nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra, loại trừ nguyên nhân do bệnh lý ở não bộ và có những tư vấn về chế độ dùng thuốc, ăn, uống, tập luyện và nghỉ ngơi sao cho hợp lý.