Uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, thời gian phát triển bệnh nhanh chóng và có nguy cơ tử vong cao. Tìm hiểu ngay nguyên nhân bị uốn ván và cách phòng ngừa để chủ động bảo vệ bạn và người thân kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở hầu hết người bệnh. Bệnh này do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani với độc tố cực mạnh gây ra.
Khi khuẩn Clostridium tetani bắt đầu nhiễm vào vết thương, chúng sẽ tiết ra độc tố protein mạnh là tetanospasmin và gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể người bệnh: tổn thương não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và các triệu chứng co thắt, các vấn để về thở, suy hô hấp, trụy tim mạch,… khiến bệnh nhân tử vong nhanh.
Tỷ lệ tử vong khi mắc uốn ván ước tính khoảng 25 – 90%, nhất là uốn ván ở trẻ sơ sinh, con số này lên tới 95%. Đây đang là nguyên nhân gây thương vong hàng đầu ở các vùng nhiệt đới và vùng nông thôn chưa có các chương trình tiêm chủng mở rộng, ở các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Trong đó, bệnh uốn ván xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi.
2. Nguyên nhân bị uốn ván
Vi khuẩn Clostridium tetani thường tồn tại trong đất và bụi bẩn,các loại kim loại gỉ sét lâu ngày, phân động vật, cống rãnh,… Vi khuẩn nguy hiểm này có thể xâm nhập vào cơ thể người qua vết thương hở hoặc vết cắt sâu.
Vì thế dẫn đến có nhiều nguyên nhân bị uốn ván ở người như:
– Giẫm lên mảnh thủy tinh, đinh, thép, vật sắc nhọn,… đâm xuyên vào da thịt gây nhiễm trùng hay có các vết thương phẫu thuật, vết đứt tay sâu,…
– Sử dụng kim tiêm, dụng cụ y tế, dụng cụ phẫu thuật,… bị nhiễm vi khuẩn
– Vết thương hở, vết chích da, vết rách da, bỏng, các trường hợp phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ,… không được xử lý sạch sẽ và an toàn.
– Vết thương hở tiếp xúc với bùn đất do người bệnh đi làm đồng hoặc đi chân đất, vết thương không được băng bó,…
– Trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh là do trong quá trình bé được sinh ra, dây rốn bị cắt bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn không được vô khuẩn. Dẫn đến tình trạng nhiễm nha bào uốn ván khi vừa sinh ra.
Vi khuẩn Clostridium tetani phát triển mạnh mẽ trong môi trường thiếu oxy nơi các vết thương hẹp và sâu. Chúng xâm nhập vào các vết thương và phát triển thành các ổ nhiễm trùng, gây nên bệnh uốn ván nguy hiểm.
Uốn ván không phải bệnh truyền nhiễm, không có khả năng lây truyền từ người sang người.
3. Những người có khả năng nhiễm uốn ván cao
Từ những nguyên nhân bị uốn ván trên, có thể thấy ai cũng có khả năng bị uốn ván, từ trẻ em tới người lớn. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả do thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa trực khuẩn uốn ván:
– Người làm nông, làm vườn.
– Người làm việc ở các nông trường, các nông trại chăn nuôi gia súc và gia cầm hoặc chăn nuôi tại gia. Phải dọn dẹp chuồng trại, tiếp xúc gần với phân động vật.
– Công nhân vệ sinh môi trường, vệ sinh cống rãnh.
– Công nhân tại các công trình xây dựng, nơi có nhiều vật dụng sắc nhọn nguy hiểm như đinh, thép,…
– Bộ đội, thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong,…
4. Biểu hiện bị bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván không biểu hiện ngay mà chỉ có dấu hiệu sau khi có đủ thời gian ủ bệnh nhất định.
Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn sau: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Theo dõi biểu hiện của từng giai đoạn bệnh để kịp thời phát hiện khi phát sinh bệnh lý:
4.1. Giai đoạn ủ bệnh
Được bắt đầu tính từ lúc có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể kéo dài từ 3 – 21 ngày, với biểu hiện ban đầu là cứng hàm. Có khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh sớm trong 3 ngày sau khi bị thương, 10% trong 14 ngày. Trung bình 1 người bị thương và nhiễm khuẩn uốn ván sẽ có triệu chứng đầu trong 7 ngày. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn, càng nhanh phát hiện dấu hiệu bệnh thì bệnh càng nặng.
4.2. Giai đoạn khởi phát
Thời kỳ này tính từ khi có biểu hiện đầu tiên là cứng hàm đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc có cơn co thắt hầu họng, co thắt thanh quản ở người bệnh. Thời gian xuất hiện những biểu hiện này phổ biến trong khoảng 1 – 7 ngày, nếu giai đoạn khởi phát càng ngắn, dưới 48h thì bệnh càng nặng.
Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: mỏi hàm, khó nuốt, khó nhai, khó há miệng khi ăn uống hay nói chuyện. Sau đó, sự co cứng này lan rộng ra các cơ quan khác và gây co cơ mặt, lộ rõ nếp nhăn trán, cau chân mày, co cứng cơ gáy, cổ bị cứng và ngửa dần, co cứng cơ lưng, cơ bụng, co cứng cơ khiến tay luôn ở tư thế gập…
Những cơn co cứng này tạo cho người bệnh cảm giác đau đớn, khó vận động. Một số biểu hiện khác như: sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…
4.3. Giai đoạn toàn phát
Đây là thời kỳ bệnh phát triển nặng với nhiều triệu chứng rõ ràng, được tính từ khi xuất hiện các cơn co giật, co cứng toàn thân đến khi bắt đầu lui bệnh. Thường thì giai đoạn này kéo dài trung bình 1 – 3 tuần với các dấu hiệu: co cứng toàn thân, khó thở, tím tái, co thắt cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện…
Những trường hợp bệnh nhân nặng có thể gặp rối loạn thần kinh thực vật với những biểu hiện lộ rõ như da xanh tái, sốt cao từ 39 – 40 độ trở lên, đờm dãi tiết nhiều, vã mồ hôi, loạn nhịp tim hoặc có thể ngừng tim, tăng hoặc hạ huyết áp,…
4.4. Giai đoạn lui bệnh
Ở thời điểm này, các cơn co giật cũng như những dấu hiệu bệnh khác sẽ giảm dần, nhẹ hơn, miệng người bệnh có thể há rộng, phản xạ nuốt dần trở lại. Giai đoạn lui bệnh uốn ván thường kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng, việc này tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
5. Cách phòng tránh uốn ván
Có nhiều nguyên nhân bị uốn ván ở người và các nguyên nhân này cũng dễ gặp phải với bất kỳ ai. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh uốn ván là tiêm vắc xin ngừa uốn ván từ sớm, đặc biệt là chú trọng tiêm cho trẻ em. Tiêm phòng uốn ván cho người lớn bao gồm cả mẹ bầu và người mẹ đang cho con bú để bảo vệ cả mẹ và bé.
Việc tiêm vắc xin uốn ván là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Vắc xin uốn ván giúp cung cấp miễn dịch cho cơ thể chống lại vi khuẩn Clostridium tetani. Ngoài ra, cần bảo vệ các vết thương hở khỏi nhiễm trùng và giữ gìn môi trường vệ sinh xung quanh sạch sẽ để tránh nhiễm bệnh uốn ván.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ cho bạn các nguyên nhân bị uốn ván, biểu hiện bệnh và cách phòng tránh. Để được tư vấn thêm thông tin về tiêm vắc xin ngừa uốn ván, liên hệ ngay Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, bạn nhé!