Cơn hen suyễn hay cơn hen phế quản là tình trạng các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn một cách đột ngột. Nếu bạn điều trị hen suyễn đúng cách , nguy cơ bị cơn hen suyễn của bạn sẽ giảm đi rất nhiều. Vậy khi lên cơn hen suyễn phải làm sao, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây cơn hen, dấu hiệu của cơn hen và cách xử lý trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về cơn hen suyễn
1.1 Cơn hen suyễn xảy ra như thế nào?
Hen suyễn hay hen phế quản là một tình trạng bệnh mạn tính xảy ra ở đường hô hấp, các cơ xung quanh đường thở bị thắt chặt, đường thở bị kích thích và sưng lên, đồng thời niêm mạc đường thở tiết ra chất nhầy. Theo đó có thể chặn đường thở, gây khó thở.
Cơn hen suyễn còn được gọi là cơn hen bùng phát. Cơn hen suyễn xảy ra khi có điều gì đó kích hoạt, có thể bao gồm những nguyên nhân sau:
– Phản ứng dị ứng với phấn hoa, vật nuôi, lông thú, nấm mốc, mạt bụi…
– Cảm lạnh, cảm cúm hoặc các bệnh lý viêm nhiễm ở đường hô hấp
– Khói thuốc lá
– Không khí lạnh và khô
– Ô nhiễm hoặc hóa chất gây kích ứng trong không khí.
– Thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin và thuốc chống viêm không steroid, và một số loại thuốc khác.
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) dẫn đến axit dạ dày đi vào ống giữa miệng và dạ dày.
– Trầm cảm hoặc lo lắng kéo dài.
Cơn hen suyễn thường xuyên xảy ra cho thấy bệnh hen suyễn của một người không được kiểm soát.
1.2 Các triệu chứng của cơn hen suyễn
Các triệu chứng, dấu hiệu cho thấy bạn đang lên cơn hen suyễn bao gồm:
– Các triệu chứng đặc trưng của bệnh hen suyễn gồm: Ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè trở nên trầm trọng hơn.
– Ống hít thuốc giảm đau thường không giúp ích gì cho người bệnh.
– Quá khó thở để nói, ăn hay ngủ.
– Hơi thở ngày càng nhanh hơn và có cảm giác như không thở được.
– Chỉ số lưu lượng đỉnh (PEF) thấp hơn bình thường. (Lưu lượng đỉnh được thực hiện bằng một lưu lượng đỉnh kế giúp đo lưu lượng tối đa trong quá trình thở ra. Chỉ số đo được này thường được sử dụng để theo dõi tại nhà cho bệnh nhân hen suyễn.
1.3 Biến chứng nguy hiểm của các cơn hen suyễn
Các cơn hen suyễn xảy ra ảnh hưởng đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người. Chẳng hạn như có thể phải nghỉ học, nghỉ làm, thăm khám cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp thường xuyên, giấc ngủ bị gián đoạn, giới hạn về tập thể dục thường xuyên hoặc các hoạt động giải trí.
Các cơn hen nặng thậm chí có thể gây tử vong. Các cơn hen suyễn đe dọa tính mạng có nhiều khả năng xảy ra hơn đối với những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau nhanh, đã phải đến phòng cấp cứu hoặc nằm viện để điều trị bệnh hen suyễn hoặc mắc các bệnh lâu dài khác.
Do đó, nhận biết cơn hen và xử trí ban đầu đúng cách là rất quan trọng đối với người bệnh, giúp người bệnh thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi đưa vào bệnh viện. Tránh tình trạng bệnh kéo dài, cơ thể thiếu oxy để vận hành, dẫn đến thiếu máu não, bị ngất, mất ý thức và có thể đột tử.
2. Những điều cần làm nếu lên cơn hen suyễn?
2.1 Lên cơn hen suyễn phải làm sao – Những điều cần thực hiện kịp thời
Nhận thấy bản thân đang lên cơn hen suyễn, bạn nên thực hiện kịp thời những điều sau đây:
– Rời xa tác nhân gây kích thích cơn hen, đến nơi thoáng khí. Ngồi thẳng, hoặc nằm kê nửa người để có thể thở dễ hơn và cố gắng giữ bình tĩnh
– Hít một hơi ống hít thuốc giảm đau, thường có màu xanh, cứ sau 30 đến 60 giây, tối đa 10 hơi.
– Nếu cảm thấy tệ hơn hoặc không cảm thấy đỡ hơn sau 10 hơi xịt, hoặc không có ống hít hãy gọi cấp cứu.
– Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến và các triệu chứng của bạn không cải thiện, hãy lặp lại bước 2.
– Nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm sau khi lặp lại bước 2 và xe cấp cứu vẫn chưa đến, hãy liên hệ lại cấp cứu ngay lập tức.
Người bệnh nên cố gắng mang theo thông tin chi tiết về thuốc điều trị đến bệnh viện nếu có thể. Nếu các triệu chứng của bạn cải thiện và không cần gọi cấp cứu, hãy nhanh chóng đặt hẹn gặp bác sĩ để thăm khám, kiểm tra và điều trị bệnh.
2.2 Lên cơn hen suyễn phải làm sao – Lưu ý sau cơn hen được kiểm soát
Sau khi đã thoát được cơn hen, việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa trong vòng 48 giờ hoặc lý tưởng nhất là trong cùng ngày để được chăm sóc kiểm soát hen suyễn, và cách để bạn có thể giảm nguy cơ lên cơn hen trong tương lai.
Nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá về bất kỳ thay đổi nào có thể cần thực hiện để kiểm soát tình trạng của bạn một cách an toàn. Ví dụ, liều điều trị có thể cần phải được điều chỉnh hoặc người bệnh có thể cần được hướng dẫn cách sử dụng ống hít đúng cách.
Theo dõi chặt chẽ, ghi lại sự thay đổi của bệnh, đừng bỏ qua các triệu chứng của bạn nếu chúng trở nên tồi tệ hơn hoặc bạn cần sử dụng ống hít thuốc giảm đau thường xuyên hơn bình thường.
2.3 Hướng dẫn ngăn ngừa các cơn hen suyễn xảy ra
Các bước sau đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị cơn hen suyễn:
– Tuân thủ theo kế hoạch phòng chống lên cơn hen suyễn của cá nhân bạn và dùng tất cả các loại thuốc theo quy định
– Thăm khám đúng lịch trình để được đánh giá bệnh hen suyễn thường xuyên với bác sĩ đa khoa hoặc y tá về bệnh hen suyễn.
– Kiểm tra với bác sĩ hoặc y tá điều trị bệnh hen suyễn xem bạn có đang sử dụng ống hít đúng cách không
– Tránh các yếu tố kích hoạt cơn hen càng nhiều càng tốt.
– Nên ở trong nhà khi có cảnh báo chất lượng không khí kém.
– Kiểm tra các dị ứng có thể xảy ra và dùng thuốc dị ứng theo chỉ dẫn.
– Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm.
– Cập nhật các mũi tiêm chủng, bao gồm tiêm phòng cúm hàng năm và các mũi tiêm khác do chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị.
– Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá, đồng thời tránh xa khói thuốc càng xa càng tốt.
– Đeo khẩu trang khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa…
– Che miệng bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vào những ngày lạnh.
Trên đây là các thông tin về cơn hen suyễn, lên cơn hen suyễn phải làm sao, hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích cho người bệnh, và mọi người có người thân, bạn bè đang mắc căn bệnh này.