Mắc xương cá ở họng là vấn đề thường gặp trong cuộc sống khi chúng ta ăn uống. Khi bị hóc xương, người bệnhgcần được xử trí kịp thời để ngăn ngừa các hệ quả nguy hiểm, khó lường.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết mắc xương cá ở họng
Cá là món ăn hấp dẫn và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng có thể dẫn tới tình trạng hóc xương đối với nhiều người. Hóc xương cá xảy ra khi chúng ta vô tình nuốt phải xương, khiến xương cá mắc vào trong cổ họng. Đây là cấp cứu thường thấy trong lĩnh vực tai mũi họng, xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Chúng ta có thể bị hóc xương khi ăn uống do mất tập trung, không chú ý, hoặc không nhai kỹ thức ăn. Một số trường hợp bị hóc xương có thể do thức ăn không được chế biến kỹ, thường gặp ở trẻ em. Ngoài ra, một số loại cá có nhiều xương cũng khiến chúng ta dễ bị hóc khi ăn uống.
Khi bị hóc xương, người bệnh thường sẽ gặp phải tình trạng:
– Đau rát họng
– Vướng họng
– Nghẹn, khó nuốt
– Ho
– Xuất huyết
– Sưng họng
– Phù nề niêm mạc…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu trẻ quấy khóc, bỏ ăn, lấy tay gãi ở cổ họng, mặt đỏ, ho…
Không chỉ gây đau đớn mà hóc xương cá còn có thể gây áp xe cục bộ, trầy xước niêm mạc, thủng thực quản, tắc khí quản… nếu như không được phát hiện, xử trí sớm. Do đó, mọi người nên nhận biết sớm các dấu hiệu hóc dị vật kể trên và chủ động đi khám để được xử trí.
2. Lưu ý khi bị hóc xương
Khi bị mắc xương cá ở họng, việc sơ cứu kịp thời và đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi có thể giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Theo đó, nếu thấy bản thân đang hóc xương cá hoặc có dấu hiệu hóc xương, người bệnh cần bình tĩnh để xử trí đúng cách:
– Ngừng nuốt ngay lập tức: Nhiều người có thói quen nuốt thức ăn, cơm… để xử trí khi bị hóc xương cá nhưng điều này có thể khiến xương cá bị đẩy vào sâu bên trong họng.
– Cố gắng nôn ra: Kích thích nôn thức ăn ra ngoài để xương cá trôi ra cùng. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng tay móc họng để nôn vì trong tay chứa nhiều vi khuẩn, có thể gây nhiễm trùng họng hoặc trầy xước niêm mạc.
– Há to miệng: Bình tĩnh và há miệng to để người thân, bạn bè kiểm tra xem vị trí hóc xương cá ở đâu. Nếu xương cá hóc ở vị trí dễ thấy và trong nhà có kẹp nha khoa sạch thì người bệnh có thể nhẹ nhàng gắp xương cá ra ngoài. Nếu như xương cá ở sâu bên trong họng thì nên chủ động đi khám để được xử trí.
3. Cách xử trí mắc xương cá
3.1. Chẩn đoán
Nếu bị mắc xương cá ở họng, người bệnh không nên tự ý dùng tay móc họng hoặc ăn cơm mà cần chủ động đi khám để được bác sĩ có chuyên môn xử trí. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định vị trí xương cá bị mắc và đưa ra phương án xử lý phù hợp.
3.2. Xử trí
Hiện nay, xử trí hóc xương cá chủ yếu áp dụng phương pháp dùng kẹp gắp. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng nhíp hoặc kẹo chuyên dụng để lấy nhẹ xương cá ở trong cổ họng ra ngoài cho người bệnh. Trường hợp xương cá ở quá sâu trong cổ họng có thể sẽ cần tới các dụng cụ hỗ trợ để quan sát như máy nội soi…
Đối với trẻ nhỏ bị hóc xương cá, một số trường hợp có thể sẽ phải gây mê để trẻ không cựa quậy, quấy khóc trong quá trình sơ cứu hóc dị vật của bác sĩ.
Sau khi gắp xương cá, bác sĩ sát khuẩn vùng họng để ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm và kê một số đơn thuốc để niêm mạc họng nhanh lành, giảm kích ứng.
Người bệnh cần nghỉ ngơi sau khi lấy xương cá ở họng và theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu bất thường như chảy máu họng, đau sát, sốt cao, sưng họng… thì nên chủ động tái khám để bác sĩ xử trí đúng cách.
4. Phòng tránh hóc xương cá
Bị hóc xương cá khi ăn uống mặc dù là vấn đề thường gặp nhưng lại ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nếu người bệnh không được xử trí ngay và đúng cách. Để bảo vệ sức khỏe bản thân một cách hiệu quả, chúng ta cần chủ động xây dựng lối sống khoa học để phòng ngừa bị hóc xương. Theo đó:
– Thận trọng khi chế biến cá và thực phẩm nói chung, làm sạch hết xương hoặc nấu các loại cá có ít xương dăm.
– Đối với thức ăn cho trẻ nhỏ, nên làm sạch hết xương, chỉ lấy phần thịt của cá để trẻ ăn và cắt nhỏ các loại rau củ cho trẻ.
– Tập trung khi ăn uống, hạn chế cười đùa, nói chuyện và rèn cho trẻ thói quen không nói chuyện khi đang nhai thức ăn.
– Ăn từng miếng vừa phải và nên nhai chậm, kỹ thức ăn trước khi nuốt, giúp tiêu hóa tốt hơn.
– Giám sát kỹ khi trẻ ăn uống hoặc chơi đùa để tránh bị hóc dị vật.
– Đối với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm mềm, được nghiền nhỏ và chế biến kỹ.
– Vệ sinh không gian sống và đồ dùng cá nhân để loại bỏ bụi bẩn hoặc các loại côn trùng vì chúng có thể xâm nhập vào hệ hô hấp, gây ra các bệnh lý nguy hiểm.
– Vệ sinh mũi họng hằng ngày có thể giúp nâng cao sức khỏe, hạn chế mắc bệnh lý và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
– Chủ động thăm khám nếu thấy bản thân có các dấu hiệu hóc xương cá cũng như mắc dị vật để được xử trí.
Để được xử trí đúng cách, an toàn và hiệu quả, chúng ta nên trang bị cho bản thân các kiến thức đúng đắn trong việc sơ cứu mắc xương cá ở họng hoặc tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ hỗ trợ. Đồng thời, bất kỳ ai trong chúng ta cũng nên xây dựng lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tai mũi họng, giúp phòng ngừa mắc bệnh lý hoặc hóc dị vật.