Loạn thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Loạn thị ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện kịp thời rất có thể sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, bố mẹ hãy tập trung quan sát con, trang bị đầy đủ kiến thức để có thể sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở mắt con.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm loạn thị
Ánh sáng đi qua giác mạc và thủy tinh thể hội tụ trên võng mạc mắt người. Tại đây, các tế bào chuyển tín hiệu lên não giúp chúng ta nhận biết được sự vật và thế giới quan. Loạn thị xảy ra khi ánh sáng không hội tụ tại 1 điểm mà hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc. Từ đó, các tín hiệu sẽ bị thay đổi và hình ảnh mà não nhận diện được cũng thay đổi. Hình ảnh đó có thể bị nhòe, 1 vật thành 2 vật,…
Loạn thị có thể được xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh xảy ra do giác mạc bị biến dạng, không còn độ cong bình thường dẫn đến loạn thị. Ngoài ra, một số trường hợp có nguyên nhân bắt nguồn từ thủy tinh thể. Trẻ em mắc loạn thị thường sẽ đi kèm các tật khúc xạ khác như viễn thị và cận thị. Các tật khúc xạ này không thể hồi phục theo thời gian, đặc biệt nếu không có các biện pháp khắc phục, kìm hãm sự phát triển thì các tật khúc xạ này sẽ nặng dần theo thời gian.
2. Biểu hiện trẻ nhỏ mắc loạn thị
– Nhìn mờ, nhòe, hình ảnh có thể bị méo mó, mắt khó điều tiết, khó khăn khi nhìn cả xa và gần
– Có dấu hiệu nhức đầu, mỏi mắt, nhất là vùng trán và thái dương
– Trẻ phải nheo mắt để quan sát
– Mắt bị kích thích, điều tiết quá đà dễ dẫn đến chảy nước mắt nhiều
– Hiện tượng nhìn đôi, nhìn một vật thành hai hoặc có bóng mờ
– Cần nhiều ánh sáng hơn để quan sát khiến mắt nhanh mỏi
Phụ huynh cần luôn quan sát con và kết hợp với các thầy cô khi con đã đi học. Thị lực giảm sút chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả và quá trình học tập của các con.
3. Tại sao xảy ra loạn thị ở trẻ nhỏ?
Loạn thị chủ yếu xảy ra do sự biến dạng của giác mạc khiến hình ảnh bị biến dạng, méo mó. Ngoài ra, tật loạn thị còn xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:
– Di truyền: trẻ em hoàn toàn có thể bị di truyền tật khúc xạ loạn thị từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ
– Thói quen điều tiết mắt của trẻ
– Chế độ dinh dưỡng không đủ chất, đặc biệt là các chất dinh dưỡng tốt cho mắt có thể khiến trẻ em mắc loạn thị
– Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như xem ti vi, điện thoại quá nhiều
– Một số trẻ mắc sẹo giác mạc sẽ dẫn đến tình trạng loạn thị như 1 biến chứng
– Trẻ mắc cận thị hoặc viễn thị quá nặng sẽ có nguy cơ mắc kèm loạn thị
– Tiền sử phẫu thuật mắt có thể trở thành 1 dạng tổn thương khiến mắt dễ mắc loạn thị
Để giảm thiểu nguy cơ mắc loạn thị cho trẻ em, các bậc phụ huynh nên chú ý thực hiện các biện pháp như:
– Cho con khám mắt định kỳ và tái khám trong trường hợp các con đã phẫu thuật mắt. Điều này đặc biệt cần thiết nếu phụ huynh cũng mắc các tật khúc xạ và bản thân các con đã mắc cận thị. Việc khám mắt định kỳ sẽ vừa giúp kìm hãm sự phát triển của các tật khúc xạ đã mắc và sớm phát hiện tật mới.
– Bổ sung thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng tốt cho mắt con ngay từ những năm tháng đầu đời. Nếu trẻ đẻ thiếu tháng thì bố mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ về việc bổ sung các vitamin, thực phẩm chức năng.
– Luôn chú ý hướng nhìn của trẻ khi quan sát sự vật. Với trẻ lớn hơn, khi đã đến tuổi đi học, phụ huynh có thể kết hợp hỏi han con về hình ảnh con nhìn thấy. Nếu thấy có bất thường thì nên đưa con đi gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra.
– Xây dựng cho con lối sống lành mạnh, hạn chế các thiết bị điện tử, chỉ dùng khi thực sự cần thiết và giải trí có giới hạn. Phụ huynh có thể dạy trẻ làm việc nhà, tham gia các hoạt động kích thích nhận biết màu sắc, hình dạng sự vật,…
– Đảm bảo đủ ánh sáng tại nơi con học tập
4. Điều trị loạn thị ở trẻ nhỏ như thế nào?
Trẻ được phát hiện loạn thị sớm sẽ sớm được điều trị và giữ cho thị lực không bị giảm sút quá nặng. Nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời trong giai đoạn vàng dưới 5 tuổi thì có thể sẽ dẫn đến hậu quả bị nhược thị. Phụ huynh cần đưa con tới các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4.1. Chẩn đoán loạn thị
– Kiểm tra thị lực: trẻ được kiểm tra bằng cách cho đọc các chữ cái trên bảng từ khoảng cách nhất định.
– Kiểm tra khúc xạ
– Kiểm tra giác mạc xem có bị mất đi độ cong bình thường hay không
– Kiểm tra độ tập trung ánh sáng
Các bước chẩn đoán cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa và bởi các loại máy móc hiện đại giúp chẩn đoán chính xác tật khúc xạ mà trẻ mắc phải.
4.2. Điều trị tật loạn thị
Trẻ mắc loạn thị được điều trị, khắc phục bởi một số phương pháp dưới đây:
– Đeo kính: sử dụng kính là biện pháp đơn giản được sử dụng rộng rãi. Kính thuốc sẽ giúp tia sáng hội tụ tại 1 điểm làm hình ảnh sắc nét hơn
– Kính Ortho K: ngoài sử dụng với người mắc cận thị thì Ortho K cũng được sử dụng với người mắc loạn thị nặng. Đây là kính áp tròng dạng cứng được đeo vào ban đêm để định hình tạm thời giác mạc. Phương pháp này bố mẹ cần hỗ trợ và kiên trì cùng con trong thời gian dài để đạt được kết quả cao nhất.
Ngoài ra, người mắc loạn thị có thể tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này phù hợp với người trên 18 tuổi, không phải phương pháp điều trị loạn thị ở trẻ nhỏ.
Các bác sĩ nhãn khoa khuyên bố mẹ nên cho trẻ khám mắt định kỳ sớm phát hiện các tật khúc xạ để có hướng điều trị kịp thời ngay từ khi các con còn nhỏ. Việc phát hiện tật khúc xạ từ khi còn nhỏ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe đôi mắt con yêu. Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI có đầy đủ các gói khám mắt, các con được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Chắc chắn đây chính là địa chỉ đáng tin cậy mà bố mẹ có thể lựa chọn.