Khó thở là hiện tượng phổ biến khi tập thể dục, đặc biệt là khi bạn bắt đầu tập luyện hoặc tăng cường độ tập đột ngột. Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra hoặc đi kèm với các triệu chứng khác, bạn cần lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu chi tiết nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở khi tập thể dục và giải đáp thắc mắc khó thở khi tập thể dục cần làm gì.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây khó thở khi tập thể dục
– Thiếu hụt oxy: Khi tập thể dục cơ bắp cần nhiều oxy hơn để hoạt động. Nhịp tim và nhịp thở tăng lên để đáp ứng nhu cầu này. Nếu cơ thể không thích nghi kịp, bạn có thể cảm thấy khó thở.
– Môi trường tập luyện: Tập thể dục trong môi trường nóng, ẩm hoặc ô nhiễm có thể khiến bạn khó thở hơn.
– Quá sức: Tập luyện quá sức hoặc tập luyện sai cách có thể dẫn đến khó thở, đau nhức cơ bắp và các chấn thương khác. Một số môn thể dục có thể khiến bạn dễ cảm thấy khó thở khi bạn mới bắt đầu, hoặc không quen tập thể dục hoặc tập sai tư thế như: Chạy bộ, Squat, đẩy tạ, kéo xà đơn…
– Thuốc men: Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là khó thở, chẳng hạn như: Thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ lipid máu, thuốc chống dị ứng, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ…
– Vấn đề sức khỏe tiềm ẩn: Một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), các tình trạng béo phì, rối loạn âu lo… có thể khiến bạn dễ bị khó thở khi tập thể dục hơn.
2. Cách xử lý khi gặp tình trạng khó thở khi tập thể dục
2.1 Cách xử lý tại chỗ nếu cảm thấy khó thở trong khi tập thể dục
– Ngưng tập luyện và nghỉ ngơi: Điều quan trọng nhất là bạn cần ngừng tập luyện ngay khi cảm thấy khó thở. Hãy ngồi xuống hoặc nằm ở nơi thoáng mát và hít thở sâu bằng bụng cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
– Uống nước: Khó thở có thể khiến bạn mất nước. Hãy uống nước lọc hoặc nước điện giải – để bù nước cho cơ thể.
– Nới lỏng quần áo: Nếu quần áo quá chật, hãy nới lỏng hoặc cởi bớt để cơ thể thoải mái hơn.
– Tìm nơi thoáng mát: Nếu bạn đang tập luyện trong môi trường nóng bức, hãy di chuyển đến nơi thoáng mát hơn.
– Theo dõi các triệu chứng: Nếu tình trạng khó thở không cải thiện sau vài phút hoặc bạn có các triệu chứng khác như đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
2.2 Đi thăm khám nếu tình trạng khó thở có bất thường
Nếu gặp các dấu hiệu sau đây, bạn không nên chủ quan và chần chừ, hãy nhanh chóng đi thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây khó thở khi tập luyện.
– Khó thở dữ dội, đột ngột xuất hiện hoặc ngày càng nặng hơn.
– Khó thở kèm theo đau tức ngực, ho ra máu, hoặc chóng mặt
– Bị sưng tấy ở mắt, cổ họng hoặc bàn chân.
– Khó thở khi ăn uống.
– Mệt mỏi dữ đội hoặc không thể tập luyện bình thường.
Một số bệnh lý có thể khiến bạn khó thở và khi tập thể dục sẽ càng làm bạn gia tăng triệu chứng hơn nữa. Do đó nếu duy trì tình trạng này lâu dài sẽ khiến bạn có thể gặp nguy hiểm.
3. Phòng ngừa khó thở khi tập thể dục
3.1 Khởi động kỹ trước khi tập luyện
Khởi động đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị cơ thể cho hoạt động thể chất, giúp tăng cường lưu thông máu, làm nóng cơ bắp và bôi trơn khớp. Hãy dành 5-10 phút để thực hiện các bài tập khởi động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ chậm, xoay khớp,…
3.2 Tập luyện vừa sức tránh khó thở trong khi tập thể dục
Nên lựa chọn cường độ tập luyện phù hợp với thể trạng và sức bền của bản thân. Bắt đầu với cường độ tập luyện nhẹ và tăng dần theo thời gian. Tránh tập luyện quá sức, đặc biệt khi mới bắt đầu hoặc sau thời gian dài nghỉ ngơi. Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, khó thở hoặc có dấu hiệu bất thường.
3.3 Chọn môi trường tập luyện phù hợp
Tránh tập luyện trong môi trường nóng, bí không khí, ô nhiễm hoặc độ cao lớn vì những yếu tố này có thể khiến bạn khó thở hơn. Nên tập luyện ở nơi thoáng mát, có bóng râm hoặc thoáng khí, trong phòng có điều hòa nhiệt độ.
3.4 Uống đủ nước
Mất nước có thể khiến cơ thể mệt mỏi, yếu ớt và dẫn đến khó thở khi tập luyện. Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện để bù nước cho cơ thể và duy trì hiệu quả hoạt động.
3.5 Sử dụng thuốc đúng cách
Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về tác dụng phụ và cách sử dụng thuốc an toàn. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là khó thở hoặc những triệu chứng gây cản trở quá trình tập luyện, thậm chí có thể khiến bạn gặp chấn thương.
3.6 Sử dụng trang phục tập luyện thoải mái:
Trang phục tập luyện quá chật hoặc bó sát có thể cản trở lưu thông máu và khiến bạn khó thở. Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt để đảm bảo sự thoải mái khi tập luyện.
3.7 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây khó thở hoặc ảnh hưởng đến khả năng tập luyện của bạn. Thông qua thăm khám nếu phát hiện bệnh lý bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị kịp thời, và các bài tập luyện phù hợp cho sức khỏe của từng người bệnh.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng khó thở khi tập thể dục hoặc có các triệu chứng bất thường khác, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.