Mọc răng khôn là tình trạng khiến nhiều người lo lắng bởi chúng thường xảy ra cùng với những cơn đau kéo dài. Theo thống kê, có đến 65% trường hợp mọc răng khôn cần nhổ bỏ. Vậy cụ thể khi nào cần nhổ răng khôn, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Mọc răng khôn và những cơn đau đi kèm
Răng khôn hay răng cối lớn thứ ba trong hàm răng là răng số 8 và cũng là răng mọc muộn nhất. Gọi là răng “khôn” vì răng này thường mọc ở độ tuổi trưởng thành, từ 17 tuổi đến 25 tuổi, song cá biệt một số trường hợp răng khôn mọc rất muộn, sau 30 tuổi. Một người sẽ mọc tối đa 4 chiếc răng khôn ở 4 vị trí trong cùng của hàm răng. Thời điểm mọc của những răng này rất khác nhau, có người mọc từng chiếc, có người mọc 2, 3 chiếc một lúc và có không ít trường hợp mọc cùng lúc cả 4 chiếc răng khôn.
Tương tự như mọc các răng khác, khi mọc răng khôn cũng sẽ gây ra những khó chịu cho cơ thể. Phần lớn triệu chứng thường gặp khi mọc răng khôn chính là những cơn đau dữ đội, sưng bọng răng và sốt nhẹ gây không ít phiền toái đến ăn uống, sinh hoạt và công việc hằng ngày. Nguyên nhân của những cơn đau là do trong khi mọc, răng khôn bắt buộc phải xuyên qua lớp nướu vốn đã phát triển rất hoàn thiện để trồi ra ngoài. Điều này khiến cho vùng lợi bị nứt, tạo nên phải ứng sưng tấy, thậm chí dẫn đến viêm do vi khuẩn tấn công.
Bên cạnh đó, do phát triển khi các răng còn lại và xương hàm trưởng thành, nên không gian mọc của răng khôn có thể sẽ không đủ chỗ, gây ra tình trạng mọc ngang, mọc lệch, … tác động đến các răng xung quanh khiến tình trạng sưng đau trở nên trầm trọng hơn.
Vậy, có thể dự đoán được răng khôn sẽ mọc thẳng hay mọc lệch không? Câu trả lời là hoàn toàn có nhờ ảnh chụp X Quang răng miệng. Thông qua hình ảnh này, các bác sĩ sẽ biết được vị trí hiện tại của răng khôn và chẩn đoán chính xác răng khôn sẽ mọc thẳng hay mọc lệch. Từ đó giúp cho quá trình xử lý được chủ động và dễ dàng hơn. Đây cũng chính là một phần lý do tại sao các nha sĩ luôn khuyên bạn cần chủ động thăm khám sức khỏe răng miệng 6 tháng một lần.
2. Khi nào cần nhổ răng khôn?
Khi nào cần nhổ răng khôn còn phụ thuộc vào thời điểm răng mọc và tình trạng mọc của răng khôn. Theo thống kê, không phải ai cũng sẽ mọc răng khôn. Có rất nhiều người răng khôn “ngủ im” dưới lớp lợi và không mọc trong suốt cuộc đời. Một số không nhỏ trong những người mọc răng khôn thì răng mọc thẳng như một chiếc răng bình thường và phát huy hiệu quả vai trò ăn nhai, hoàn toàn không cần nhổ bỏ. Chính vì thế, nếu mọc răng khôn, bạn hãy chủ động tới các địa chỉ thăm khám nha khoa uy tín để biết chính xác tình trạng mọc răng khôn của mình.
Răng khôn phải được nhổ bỏ khi có một trong những đặc điểm dưới đây:
– Hình ảnh chụp X Quang răng cho thấy có những nang răng hoặc u răng hiện diện dưới chân răng khôn.
– Răng khôn mọc gây ra tình trạng sưng đau và nhiễm trùng lặp lại hoặc tái phát nhiều lần.
– Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ nhưng có cấu trúc tạo khe, rãnh khiến thức ăn bị nhồi nhét hoặc không có răng khôn đối khớp ở hàm còn lại khiến vùng nướu lợi hàm đối diện bị tổn thương, viêm nha chu.
– Răng khôn bị sâu, bị viêm nha chu hoặc có các bệnh lý về răng ngay từ khi mới mọc và có nguy cơ lan sang các răng còn lại.
– Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, răng khôn mọc ngang gây ảnh hưởng tới các răng còn lại và ảnh hưởng trực tiếp tới các răng còn lại.
– Răng khôn cần phải nhổ bỏ trong trường hợp thực hiện chỉnh nha.
Khi mọc răng khôn kèm theo dấu hiệu sưng đau, bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám. Việc nhổ răng khôn phải được thực hiện bởi các bác sĩ nha khoa có chuyên môn, tuyệt đối không được tự ý nhổ răng khôn bởi khu vực các răng cối là khu vực nhạy cảm, có nhiều dây thần kinh,… Nhổ răng không đúng cách có thể biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng: không cầm máu, lệch mặt, nhiễm trùng,….
3. Chăm sóc sau nhổ răng khôn để tránh biến chứng
Ngoài việc nhổ răng khôn thì quá trình chăm sóc sau nhổ răng cũng là vấn đề mà bất kỳ ai sau khi nhổ răng cũng cần đặc biệt chú ý. Sau nhổ răng, việc chăm sóc không đúng cách có thể gây ra một loạt biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số vấn đề có thể gặp sau nhổ răng khôn:
– Sưng đau: Đây là tình trạng không thể tránh khỏi sau nhổ răng. Tình trạng sưng đau ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa và ngưỡng chịu đau của từng người. Sau nhổ răng, bác sĩ thường sẽ kê thêm thuốc giảm đau và hướng dẫn người bệnh sử dụng để tránh những cơn đau sau nhổ răng.
– Chảy máu: Sau khi nhổ răng sẽ để lại một huyệt ổ khá lớn. Tại vị trí này thường có cục máu đông nhỏ đông lại để ngăn chặn chảy máu và bắt đầu quá trình lành thương. Tuy nhiên vì một lý do nào đó như chăm sóc không đúng cách, tình trạng chảy máu có thể xảy ra gây mất máu nghiêm trọng.
– Nhiễm trùng: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu không được khắc phục kịp thời. Tình trạng nhiễm trùng sẽ đi kèm các biểu hiện sưng nề toàn bộ vùng răng, thậm chí sưng phồng bọng má. Cảm giác đau đớn đến từng cơn và có thể kéo lên vùng đầu, mặt. Vị trí nhổ răng xuất hiện mủ trắng hoặc vàng. Cơ thể có dấu hiệu sốt cao. Khi đó cần đến ngay các địa chỉ nha khoa để được xử lý kịp thời. Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.
Để quá trình phục hồi và lành thương an toàn, cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn chăm sóc của bác sĩ:
– Trong 24h đầu, cần ăn các đồ ăn lỏng, mềm và nguội, có thể sử dụng sữa lạnh.
– Trong một tuần tiếp theo, tiếp tục duy trì ăn thức ăn lỏng, mềm nguội. Hạn chế tác động lực vào chân răng vừa nhổ: không đùn lưỡi, súc miệng hoặc nhai thức ăn vào vị trí nhổ răng.
– Uống thuốc đầy đủ theo đơn thuốc của bác sĩ để chống viêm.
– Có thể sử dụng chườm đá lạnh bên ngoài để giảm đau
Trên đây là một số thông tin về việc khi nào cần nhổ răng khôn cũng như một số vấn đề về chăm sóc sau nhổ răng. Nếu bạn đang mọc răng khôn hoặc có dấu hiệu mọc răng khôn, hãy lưu ý những thông tin cần thiết để có những biện pháp xử lý đúng cách và kịp thời nhé!