Đặt stent mạch vành là phương pháp nong rộng mạch vành bị hẹp do các mảng xơ vữa gây ra. Vậy khi nào cần đặt stent mạch vành?
Menu xem nhanh:
Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là bệnh lý động mạch nuôi tế bào cơ tim bị hẹp đi. Tình trạng này xảy ra là do sự tích tụ cholesterol hoặc các mảng xơ vữa lên thành động mạch lâu ngày. Quá trình tích tụ này còn được gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Theo thời gian, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể khiến cơ tim suy yếu, dẫn đến những biến chứng như suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Khi nào cần đặt stent mạch vành?
Khi các mảng xơ vữa tiến triển làm hẹp lòng mạch trên mức 50 – 70%, động mạch vành sẽ không còn khả năng để cung cấp đủ oxy cho cơ tim, nhất là khi người bệnh vận động, tập thể dục hoặc làm việc nặng, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim với biểu hiện là cơn đau thắt ngực, khó thở. Và nếu tỷ lệ chít hẹp tới 90 – 99%, cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện dữ dội hơn, mảng xơ vữa nứt vỡ và cục máu đông hình thành trên các mảng bám, động mạch vành đứng trước nguy cơ bị tắc hoàn toàn, nguy cơ tử vong ở người bệnh là khó tránh khỏi. Để ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim cấp lấy đi tính mạng bệnh nhân, biện pháp can thiệp đặt stent sẽ được cân nhắc thực hiện.
Can thiệp đặt stent mạch vành qua da là phương pháp hiệu quả để tái lưu thông động mạch vành. Một ống thông nhỏ (catheter) có gắn bóng và giá đỡ kim loại được đưa qua động mạch đùi hoặc cổ tay. Khi đến vị trí bị tắc, bóng được thổi phồng lên trong khoảng 1 phút, nén mảng bám để mở rộng lòng mạch và giá đỡ được giữ lại nhằm duy trì sự lưu thông của mạch máu. Thời gian thực hiện thủ thuật thường trong vòng 1 giờ, sau khi thực hiện, người bệnh cần ở lại nội trú để được theo dõi ít nhất 1-2 ngày.
Mạch vành vẫn có nguy cơ tái hẹp sau đặt stent
Dưới lực tác động của bóng/stent ép chặt các mảng xơ vữa vào thành mạch, các tế bào mạch máu rất dễ bị tổn thương. Điều này đã làm kích hoạt một chuỗi các phản ứng viêm, tạo hạt, tu sửa tế bào và tăng sinh tế bào cơ trơn, cuối cùng dẫn đến tái hẹp.
Lúc này, các tế bào nội mô khỏe mạnh liên tục sản sinh và thay thế tế bào yếu hoặc đã chết ở vùng tổn thương. Nếu tế bào nội mô phát triển mạnh mẽ, chúng có thể đẩy lệch các stent ra khỏi vị trí được cố định ban đầu. Đây có thể xem như kết quả của việc “tự chữa bệnh” của mạch máu sau những chấn thương và gây tắc hẹp mạch vành trở lại.
Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt mỡ máu, cục máu đông,… tình trạng xơ vữa động mạch có thể xuất hiện trở lại ở ngay tại vị trí stent đã đặt và gây ra cơn đau thắt ngực, nhồi máu cấp tính, đe dọa tính mạng người bệnh.
Chính vì vậy, sau khi đặt stent mạch vành, người bệnh cần tái khám định kỳ thường xuyên để được bác sĩ kiểm tra theo dõi tình trạng sức khỏe mạch vành và định hướng phương pháp chữa trị đối phó hiệu quả với các bệnh lý tim mạch tránh biến chứng nghiêm trọng cấp cứu không kịp thời.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành
Để hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành, người bệnh nên duy trì những thói quen sinh hoạt như:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, hạn chế bổ sung thực phẩm ít chất béo bão hòa hoặc chất béo tổng hợp;
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày;
- Tập thể dục thường xuyên, như đi bộ nhanh 30 phút/ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia thể dục để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe;
- Luôn duy trì cân nặng hợp lí.
Trên đây là một số thông tin tham khảo, bạn đọc có thể theo dõi, hiện tại bệnh viện Thu Cúc chưa thực hiện đặt stent mạch vành. Để được thăm khám với giáo sư tim mạch, bạn có thể liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ đặt hẹn nhanh chóng.