Khám sức khỏe sinh sản được xem là bước khám quan trọng để nâng cao thể chất – sức khỏe mỗi người dân và thúc đẩy hạnh phúc gia đình, được Nhà nước khuyến khích.
Menu xem nhanh:
1. Khám sức khỏe sinh sản có cần thiết không? Tại sao?
Khám sức khỏe sinh sản là bước khám được thiết kế dành cho những đối tượng có khả năng sinh sản, giúp phát hiện và tìm ra các bệnh lý liên quan đến đường sinh sản, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho hạnh phúc lứa đôi và con đường hôn nhân sau này. Thực tế, nhiều người còn khá e ngại khi thực hiện bước khám này do tâm lý sợ sệt nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của các cặp đôi.
Tuy nhiên, khám sức khỏe sinh sản là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, thể hiện sự trách nhiệm của các cặp đôi đối với tương lai của mình. Dưới đây là 5 lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, sinh sản mang lại:
– Giúp các cặp đôi, cặp vợ chồng trước khi bước vào hôn nhân chuẩn bị sẵn tâm lý, kiến thức vững vàng để có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh nhất.
– Phát hiện sớm các bệnh lý mạn tính, bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thế hệ sau.
– Có kế hoạch sinh đẻ hiệu quả nhất, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn và gây ra mất kế hoạch hóa gia đình.
– Phát hiện các bệnh lý rối loạn di truyền để tránh dị tật bẩm sinh cho con cái.
– Đảm bảo cơ thể người phụ nữ có đủ sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn.
Chính vì những tác dụng hữu ích của khám sức khỏe tiền sinh sản mà nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích mỗi người nên có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.
2. Giải đáp thắc mắc liên quan đến khám sức khỏe sinh sản
Trên thực tế, có rất nhiều người vẫn chưa được biết đến bước khám tiền sinh sản này hoặc không hiểu bản chất thật sự của nó để thực hiện, nên vẫn còn tâm lý e ngại. Sau đây chúng tôi xin giải đáp các câu hỏi liên quan đến bước khám quan trọng này.
2.1. Khám sức khỏe sinh sản là gồm khám những gì?
Đa số mọi người đều cho rằng khám sức khỏe sinh sản là khám cơ bản các cơ quan chức năng liên quan đến đường sinh sản. Tuy nhiên, bước khám này yêu cầu thực hiện đầy đủ khám tổng quát và khám sinh sản. Cụ thể như sau:
Khám sức khỏe tổng quát: Sức khỏe, nói chung, cũng ảnh hưởng đến chức năng và khả năng sinh sản của các cặp vợ chồng tương lai. Do đó, khám tổng quát sẽ giúp phát hiện sớm các tổn thương bên trong cơ thể, các dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn để kịp thời chữa trị.
– Xét nghiệm máu và nước tiểu: kiểm tra công thức máu sinh hóa làm tiền đề phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
– Khám cận lâm sàng: bao gồm các bước khám như siêu âm, chụp X – quang,… để phát hiện dấu hiệu các bệnh truyền nhiễm như lao, sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết…
– Xem xét tiền sử bệnh của 2 vợ chồng: trước đây từng mắc bệnh gì, đã từng làm phẫu thuật nào, có tai nạn thương tích gì, điều kiện môi trường làm việc có nguy hiểm hay tiếp xúc với chất hóa học độc hại…
Khám sức khỏe sinh sản: khám bộ phận sinh dục và siêu âm tuyến vú, buồng trứng và cổ tử cung (đối với nữ)
2.2. Nam giới có cần khám sức khỏe sinh sản không?
Thông thường mọi người cho rằng khám sức khỏe sinh sản là dành cho nữ giới để kiểm tra thể trạng của người mẹ có đủ mạnh khỏe, thích hợp mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, nam giới cũng là đối tượng cần phải kiểm tra và thăm khám khả năng sinh sản để phát hiện dấu hiệu bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục và các bệnh lý lây qua đường tình dục.
– Khám cơ quan sinh dục: khám 2 tinh hoàn và sự phát triển tính dục như cương cứng, xuất tinh…
– Xét nghiệm tinh dịch đồ để tiên lượng khả năng thụ thai tự nhiên, khả năng sinh sản của nam, từ đó điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này.
2.3. Thời điểm nào thích hợp để khám sức khỏe sinh sản?
Không phải chúng ta muốn đi khám sức khỏe tiền sinh sản hôn nhân lúc nào cũng được, mà nên lựa chọn thời điểm khám thích hợp để có kết quả đánh giá một cách chính xác nhất. Theo các chuyên gia y tế và Bộ Y tế khuyến cáo, thời gian phù hợp và thích hợp nhất để các cặp đôi đi khám sức khỏe sinh sản là từ 3 – 6 tháng trước khi kết hôn.
Ngoài ra, nếu cặp đôi có kế hoạch có con ngay sau khi thành hôn thì người mẹ nên tiến hành tiêm phòng và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể trước 6 tháng thai kỳ để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh.
2.4. Khi đi khám sức khỏe sinh sản cần lưu ý những gì?
Để đảm bảo quá trình đi khám sức khỏe tiền sinh sản diễn ra thuận lợi và có kết quả chính xác, mọi người nên lưu ý một số điều sau:
– Mang theo đầy đủ giấy tờ thủ tục cần thiết như các giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước, hộ chiếu…). Tại hầu hết ở các phòng khám, bệnh viện thường đông đúc vào buổi sáng, vì vậy, nếu bạn chủ động mang đầy đủ giấy tờ sẽ hoàn thành thủ tục đăng ký sớm và đỡ mất thời gian chờ đợi.
– Ở hầu hết các bước khám đều có xét nghiệm máu. Bạn nên thực hiện lấy máu xét nghiệm vào sáng sớm khi chưa ăn uống và uống nhiều nước lọc.
– Nên uống nhiều nước lọc và nhịn tiểu 1 tiếng rồi mới được thực hiện bước khám siêu âm (siêu âm phụ khoa, tiền liệt tuyến)
– Tránh quan hệ tình dục trước ngày khám
– Không sử dụng các chất kích thích hoặc có gas, có cồn cho cả nam lẫn nữ
– Mặc quần áo thoải mái, không mặc đồ bó sát để thuận tiện khi đi khám
– Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường: không được dùng thuốc hoặc insulin vào buổi sáng khi đi khám
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị lời giải đáp rõ ràng nhất về mức độ quan trọng và cần thiết về thủ tục khám sức khỏe tiền sinh sản hôn nhân. Từ đó, các cặp vợ chồng tương lai có thể an tâm đi khám và chăm sóc sức khỏe mình thật tốt để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân gia đình.