Khám sức khỏe sinh sản hay khám tiền hỗ nhân vẫn còn là một khái niệm mới với nhiều người. Do đó, trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu khám sức khỏe sinh sản là khám những gì và ghi nhớ những lưu ý khi tham gia khám tiền hôn nhân.
Menu xem nhanh:
1. Bản chất của khám sức khỏe sinh sản
Khám tiền hôn nhân là một nội dung kiểm tra sức khỏe thường được thực hiện trước khi kết hôn, mục đích chính là đánh giá sức khỏe sinh sản của các cặp đôi. Đây là lý do khám tiền hôn nhân còn được gọi là khám sức khỏe sinh sản. Thông qua kết quả khám tiền hôn nhân, bạn và người bạn đời sẽ nhận biết được những bất thường (nếu có) về sức khỏe sinh sản để có hướng điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ có thể tư vấn thêm nhằm đảm bảo bạn có đời sống sinh hoạt vợ chồng lành mạnh, thuận lợi chào đón em bé trong tương lai.
Lưu ý rằng nhiều người nghĩ chỉ khi có ý định kết hôn mới cần thực hiện dịch vụ khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản. Nhưng thực tế bạn hoàn toàn có thể tiến hành khám sức khỏe sinh sản ngay từ khi cơ thể phát triển các cơ quan sinh dục và có khả năng sinh sản.
Ngoài ra, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được thực hiện ở cả hai giới. Bởi ảnh hưởng của cả người chồng và người vợ tới khả năng có con của các cặp đôi là như nhau. Do đó, các bác sĩ luôn khuyến khích các cặp đôi nên cùng nhau thực hiện nội dung khám sức khỏe sinh sản để sớm phát hiện sớm và có hướng giải quyết triệt để.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, chúng ta nên đi khám ít nhất 1 lần mỗi năm đối với những người trong độ tuổi sinh sản. Đặc biệt, những người 40 tuổi trở lên nên khám với tần suất 6 tháng/lần. Bởi ở giai đoạn 40 tuổi trở lên, cơ thể chúng ta có nhiều thay đổi về cơ quan sinh sản, đặc biệt là đối với phụ nữ. Với những người có ý định mang thai thì nên đi khám trước đó tối thiểu 3 – 6 tháng.
2. Đi khám sức khỏe sinh sản là khám những gì?
Khi khám sức khỏe sinh sản, bạn sẽ được trải nghiệm nội dung khám và đánh giá chuyên sâu về chức năng sinh sản. Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát bộ phận sinh dục và yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để phát hiện các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
2.1. Khám sức khỏe sinh sản là khám những gì đối với nam giới?
Để đánh giá sức khỏe sinh sản ở nam giới, bạn sẽ cần thực hiện những nội dung khám sau:
– Khám bộ phận sinh dục: Khám cơ quan sinh dục nam và kiểm tra những biểu hiện của sự phát triển tính dục như cương cứng, xuất tinh… để đánh giá chức năng và khả năng sinh sản ở nam giới.
– Phân tích tinh trùng và tinh dịch thông qua xét nghiệm tinh dịch đồ. Mục đích của việc này là để đánh giá số lượng và chất lượng của tinh trùng. Trong trường hợp không khả quan, người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
– Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu, xác định nhóm máu, hệ Rh… Thông qua xét nghiệm này, bạn sẽ biết được tình trạng sức khỏe gan, tình trạng mỡ máu và có thể phát hiện ra một số bệnh lý về máu.
– Xét nghiệm nước tiểu: Cũng tương tự như khi khám sức khỏe xin việc, xét nghiệm nước tiểu sẽ chỉ ra các bệnh về thận-tiết niệu.
– Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm: Tầm soát virus viêm gan B-C, HIV, xét nghiệm Chlamydia.
2.2. Khám sức khỏe sinh sản là khám những gì đối với nữ giới?
Đối với khách hàng nữ, nội dung khám sức khỏe sinh sản sẽ bao gồm:
– Khám phụ khoa lâm sàng: Với việc kiểm tra tiền sử mắc bệnh kết hợp các phương pháp thăm khám cơ quan sinh dục nữ, bác sĩ sẽ đưa ra được kết luận về tình trạng của cơ quan sinh dục của bạn.
– Khám cận lâm sàng: Thông thường các khách hàng nữ sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu và nước tiểu, xét nghiệm dịch âm đạo… Mục đích của việc này là để chẩn đoán chính xác các bệnh lý phụ khoa, bệnh truyền nhiễm nhằm đưa ra tư vấn cho khách hàng.
– Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm siêu âm ổ bụng tổng quát, trong đó có tử cung, cổ tử cung và buồng trứng để chẩn đoán những bất thường nếu có.
Thông qua kết quả kiểm tra nói trên, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn thực hiện thêm một số danh mục khám chuyên sâu hơn, đặc biệt là các khách hàng nữ. Vì nữ giới là đối tượng trực tiếp mang thai và đặc điểm cơ quan sinh dục nữ cũng có nhiều đặc điểm khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Nên nếu bạn ở trong trường hợp này, đừng quá lo lắng, hãy giữ bình tĩnh và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
3. Các lưu ý trong quá trình khám sức khỏe sinh sản
Để khám sức khỏe sinh sản đạt kết quả chính xác và không tốn nhiều thời gian các bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
– Cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh của gia đình, tiền sử bệnh lý cá nhân (nếu có), chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng xuất tinh…
– Các khách hàng nữ không nên đi khám trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi đang đặt thuốc âm đạo.
– Trước khi khám sức khỏe, người khám phải kiêng quan hệ tình dục ít nhất 3 ngày.
– Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để việc thăm khám dễ dàng, thuận tiện hơn.
– Nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi thực hiện các xét nghiệm. Với một số xét nghiệm đặc biệt, bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn lâu hơn
– Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn nước ngọt, nước có gas.
– Để chuẩn bị siêu âm ổ bụng, bạn cần nhịn ăn ít nhất là 4 tiếng, uống nước lọc và nhịn đi vệ sinh khoảng 1 tiếng.
– Nếu trong danh mục khám có chụp X-quang ngực, bạn không nên sử dụng các sản phẩm khử mùi vùng dưới cánh tay. Nguyên nhân là do các hợp chất trong sản phẩm khử mùi có thể hiển thị dưới dạng những đốm trắng trên phim chụp, dễ gây hiểu nhầm là những nốt vôi hóa do bệnh ung thư gây ra.
Việc thực hiện khám sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng và nên được thực hiện sớm để giúp việc điều trị hiệu quả, kịp thời. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về dịch vụ khám sức khỏe sinh sản và sớm đưa ra quyết định thăm khám phù hợp.