Bệnh áp xe phổi là tình trạng hoại tử nhu mô phổi do nhiễm trùng, gây hình thành các thành hang chứa tổ chức hoại tử. Đây là bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị hiệu quả sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là thông tin về tiên lượng của áp xe phổi và những yếu tố ảnh hưởng tới tiên lượng bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu khái quát về tình trạng áp xe phổi
1.1 Áp xe phổi và những biểu hiện lâm sàng cần lưu ý
Áp xe phổi là ổ mủ nằm trong một khu vực phổi hoại tử thành hang tình trạng cấp tính hoặc mạn tính, nguyên phát hay thứ phát không do vi khuẩn lao. Áp xe phổi có thể có một ổ hoặc nhiều ổ. Viêm phổi hoại tử là tình trạng có nhiều ổ áp xe nhỏ với đường kính dưới 2cm mà nhiều thuỳ phổi khác nhau.
Bệnh gây ra bởi vi khuẩn yếm khí (tìm thấy trong răng/lợi bị viêm, vi khuẩn ái khí (thường gặp ở những người nghiện rượu, thiếu hụt hệ miễn dịch), vi khuẩn dịch hạch, nấm, amip…
Người bệnh có thể gặp phải tình trạng sút cân, thiếu máu, mệt mỏi, sốt… Trong đó, những triệu chứng để nhận diện bệnh bao gồm: ho lâu ngày, khạc đờm ra mủ, hơi thở và đờm có mùi, ho ra máu, đôi khi đau ngực, rét run…
Để đánh giá tình trạng của người bệnh, bác sĩ cần thăm khám phổi thông qua tiếng cọ màng phổi, tiếng thổi ống, thổi hang nếu ổ áp xe phổi lớn. Nếu xuất hiện biến chứng tràn dịch màng phổi hay tràn khí màng phổi thì cần xử lý kịp thời.
1.2 Những phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán áp xe phổi
– X-quang phổi để xác định các ổ áp xe về kích thước và số lượng, đồng thời phân biệt túi mủ màng phổi với ổ áp xe ngoại vi
– Chụp cắt lớp vi tính: xác định vị trí, số lượng ổ áp xe phổi và chẩn đoán xác định ổ áp xe phổi nhỏ không thấy trên phim chụp phổi thẳng, nghiêng và xác định tình trạng nhu mô phổi và màng phổi quanh ổ áp xe
– Lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán vi khuẩn thông qua đờm và mủ, chọc hút dịch ổ áp xe hoặc dịch màng phổi để tìm tổn thương
– Xét nghiệm khác bao gồm: công thức máu, tốc độ máu lắng, phản ứng miễn dịch huỳnh quang, siêu âm gan để tìm ổ áp xe bởi amip.
Từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh và xây dựng hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, qua đây bác sĩ cũng có thể phân biệt được áp xe phổi với ung thư phổi áp xe hóa, kén hơi phổi bội nhiễm, giãn phế quản hình túi cục bộ… Đặc biệt là tình trạng hang lao.
2. Tiên lượng bệnh áp xe ở phổi và các yếu tố tác động đến điều này
2.1 Đánh giá về tiên lượng của áp xe phổi
Nếu điều trị hiệu quả, bệnh có thể giảm từ từ các triệu chứng. Khoảng 50% trường hợp áp xe phổi sẽ hồi phục sau 4 tuần, còn lại sẽ mất khoảng 6 đến 8 tuần để hồi phục. Sau 3 tháng không khỏi, bệnh sẽ trở thành áp xe phổi mạn tính.
Áp xe phổi không được điều trị tốt có nguy cơ biến chứng: ho máu nguy kịch, tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết, xơ phổi, giãn phế quản…
Tỷ lệ tử vong của áp xe phổi từ 2 – 38,2%, tùy thuộc vào tuổi, thể trạng bệnh nhân (mức độ suy dinh dưỡng), bệnh lý nền, tình trạng miễn dịch, thời điểm bắt đầu điều trị kháng sinh thích hợp, các điều trị can thiệp trong trường hợp nặng.
Có một số trường hợp tiên lượng xấu bao gồm:
– Kích thước của ổ áp xe lớn trên 6cm hoặc có nhiều ổ áp xe
– Phát hiện tình trạng bệnh muộn sau 8 tuần
– Người bị suy giảm hệ miễn dịch, suy kiệt hoặc người cao tuổi
– Áp xe phổi bởi tụ cầu vàng hay do vi khuẩn Gr âm
– Áp xe phổi bởi vi khuẩn kháng thuốc
– Áp xe phổi mà không có đường dẫn lưu tự nhiên
– Áp xe phổi bị vỡ vào trung thất hoặc khoang màng phổi.
Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tính mạng của người bệnh như: mủ màng phổi, ho ra máu, áp xe nguyên phát kết hợp với phế quản nhỏ có thể phá huy thành phế quản tạo phế quản hình túi, vi khuẩn theo đường tĩnh mạch lên não gây áp xe não (trường hợp hiếm gặp), thoái hóa bột… tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân khác nhau.
Để ngăn chặn những nguy cơ của bệnh, mỗi người cần lưu ý bảo vệ sức khỏe của bản thân, giữ về sinh răng, mũi, họng; điều trị tốt những bệnh nhiễm khuẩn (răng, hàm, mặt, họng), hạn chế những thủ thuật ở khu vực này để tránh mảnh tổ chức rơi vào phế quản, theo dõi bệnh nhân chặt chẽ tránh để bệnh nhân sặc thức ăn, phòng ngừa dị vật rơi vào đường thở…
3. Điều trị bệnh áp xe phổi như thế nào?
Điều trị áp xe phổi có các phương pháp chính bao gồm:
3.1 Điều trị nội khoa
+ Sử dụng kháng sinh: Nhằm kiểm soát căn nguyên nghi ngờ gây bệnh, hoặc căn nguyên được xác định dựa trên kết quả nuôi cấy bệnh phẩm. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh sớm theo đường tĩnh mạch liều cao để điều trị bệnh, có thể thay đổi loại kháng sinh cho phù hợp. Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài 3 – 6 tuần hoặc lâu hơn.
+ Những cách hỗ trợ điều trị: thực hiện chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đảm bảo cân bằng điện giải, hạ sốt và giảm đau cho người bệnh.
3.2 Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật/thủ thuật
Giải pháp này được áp dụng trong trường hợp ổ áp xe kém đáp ứng với điều trị kháng sinh. Tùy theo vị trí, tính chất ổ áp xe, các bác sĩ có thể can thiệp dẫn lưu ổ áp xe, chọc hút ổ áp xe, dẫn lưu màng phổi. Bên cạnh đó có trường hợp cần phẫu thuật cắt bỏ …Người bệnh có thể được chỉ định mổ cắt thùy phổi áp dụng với các trường hợp bệnh nhân có:
+ Ổ áp xe > 10cm
+ Ho ra máu nặng hoặc tái phát
+ Áp xe kèm giãn phế quản khu trú nặng
+ Ung thư phổi áp xe hóa
+ Biến chứng dò phế quản và khoang màng phổi.
Trên đây là những thông tin về tiên lượng của áp xe phổi và các yếu tố liên quan. Qua đó, người bệnh có thể chủ động hơn trong thăm khám và điều trị căn bệnh này từ thời điểm ban đầu, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.