Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị hóc dị vật

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Phạm Vũ Hồng Hạnh

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Cách sơ cứu khi bị hóc dị vật đúng là điều quan trọng và cần thiết trong các trường hợp hóc gây tình huống nguy kịch, bởi, nếu không thực hiện đúng, bệnh nhân sẽ đối mặt với những nguy cơ liên quan trực tiếp đến tính mạng của mình. Chính vì vậy, cần trang bị ngay phương pháp sơ cứu này để ứng biến kịp thời khi cần thiết.

1. Khi nào cần sơ cứu khẩn cấp với các ca hóc dị vật?

Hóc dị vật là một trong những tai nạn rất dễ xảy ra trong đời sống, ở mọi lứa tuổi và đối tượng. Các trường hợp hóc dị vật hiện nay được phân chia làm nhiều cấp độ. Trong đó, có những trường hợp hóc khá đơn giản, nhưng cũng có những tình huống nguy hiểm cần đến bệnh viện gấp, hoặc cần được sơ cứu ngay tại chỗ nhằm bảo vệ tính mạng bệnh nhân trong khi chờ cấp cứu hỗ trợ.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể thực hiện cách sơ cứu này đúng thao tác và hiệu quả. Bên cạnh đó, có những tình huống không nên thực hiện theo những cách sơ cứu này, bởi việc làm này khi đó có thể là không cần thiết hoặc không mang tính hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân.

Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị hóc dị vật

Hóc dị vật nếu không được sơ cứu kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng liên quan đến tính mạng

1.1. Chỉ định thực hiện sơ cứu với bệnh nhân hóc dị vật

Thực hiện sơ cứu hóc dị vật đối với các trường hợp:
– Người đang bị nghẹn, hóc với tình trạng hô hấp không bình thường: hơi thở yếu, nói ngắt quãng không ra hơi (khó khăn khi nói), thở rít hoặc có triệu chứng ngưng thở.
– Người bị hóc dị vật dần mất ý thức hoặc mất ý thức.
– Người bị đuối nước không còn tỉnh táo

Nhìn chung, các trường hợp hóc gây nguy hiểm đến tính mạng: bất ổn đường hô hấp, bệnh nhân không thở bình thường được hoặc bệnh nhân mất tỉnh táo đều cần thực hiện sơ cứu hóc dị vật. Tùy theo từng đối tượng mà việc sơ cứu hóc dị vật có thể thực hiện theo những cách khác nhau.

1.2. Chống chỉ định trong việc thực hiện sơ cứu hóc dị vật

Hầu như không có chống chỉ định với việc sơ cứu người bị hóc dị vật. Điều cần chú ý duy nhất là thực hiện đúng cách với từng đối tượng. Bởi, việc áp dụng sai cách khi sơ cứu hóc dị vật có thể để lại chấn thương nặng cho bệnh nhân như tình trạng chấn thương xương sườn hoặc tổn thương nội tạng. Chính vì thế, việc đánh giá lâm sàng là điều cần thiết khi thực hiện các hình thức sơ cứu này.

thực hiện đúng cách sơ cứu khi bị hóc dị vật

Việc sơ cứu khi bị hóc dị vật sai cách có thể làm tổn thương nội tạng

2. Phương pháp sơ cứu cho người bị hóc dị vật

Trước khi sơ cứu hóc dị vật, những người xung quanh cần nhanh chóng gọi cấp cứu để được hỗ trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, nếu những người xung quanh không biết về kỹ thuật sơ cứu, các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn những người xung quanh cách thực hiện qua cuộc gọi nhằm giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch

2.1. Với trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 2 tuổi

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi khi bị hóc và trong tình trạng nguy kịch (khóc yếu, thở rít, nguy cơ ngưng thở, mất ý thức) cần được sơ cứu với phương pháp vỗ lưng – ấn ngực. Cách thực hiện:

– Người sơ cứu đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay của mình với tư thế: đầu và cổ trẻ ở khu vực bàn tay của người hỗ trợ, thân và chân trẻ dọc theo cánh tay, đầu trẻ thấp hơn chân trẻ. Cần chú ý giữ chắc để đầu và cổ của trẻ không bị tuột xuống hay trẻ bị ngã.

– Xác định vùng lưng giữa hai xương bả vai của trẻ và dùng gót tay vỗ mạnh 5 lần vào khu vực này.

– Quan sát xem dị vật có được đẩy ra ngoài hoặc đẩy lên miệng trẻ không. Hoặc nếu trẻ hồng hào và có thể điều tiết hơi thở bình thường, thì có thể ngưng thực hiện sơ cứu. Khi này, các bác sĩ cấp cứu khoa tai mũi họng sẽ kiểm tra và lấy dị vật hóc cho trẻ.

– Nếu dị vật chưa ra ngoài, hoặc trẻ vẫn chưa thở bình thường, hãy tiếp tục làm phương pháp ấn ngực. Khi đó, Hãy lật trẻ nằm ngửa trên tay còn lại (Đầu trẻ ở lòng bàn tay, thân trẻ nằm dọc cánh tay), để đầu trẻ thấp hơn so với chân.

– Xác định vùng thượng vị của trẻ (cùng trên rốn, dưới xương ức) và ấn mạnh 5 lần theo chiều hướng lên trên.

– Kiểm tra xem trẻ đã có thể thở lại bình thường chưa. Trong trường hợp trẻ chưa hô hấp bình thường, cần thực hiện kết hợp vỗ lưng – ấn ngực cho trẻ cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.

Lưu ý:

Người hỗ trợ cũng có thể ngồi và đặt trẻ lên đùi để thực hiện các thao tác này thay vì đặt trẻ lên tay, bởi người người lực tay yếu, có thể làm tuột hoặc ngã trẻ trong quá trình sơ cứu.

2.2. Với trường hợp hóc là trẻ trên 2 tuổi và người lớn

2.2.1. Khi bệnh nhân có thể đứng

– Người hỗ trợ đứng sau lưng người bị hóc hoặc nếu trẻ thấp quá, người hỗ trợ có thể ở tư thế quỳ.
– Choàng hai tay ra phía trước ngang thắt lưng ôm người bị hóc.
– Một tay người hỗ trợ nắm thành nắm đấm, một tay ôm lấy nắm đấm và đặt ở vị trí thượng vị của bệnh nhân.
– Dùng lực kéo, kéo tay theo hướng vào trong và lên trên, tác động lực vào vùng thượng vị người bị hóc.
– Thực hiện động tác cho đến khi bệnh nhân hồng hào tỉnh táo trở lại hoặc đến khi nhân viên y tế cấp cứu đến.

2.2.2. Khi bệnh nhân hôn mê bất tỉnh

– Đặt bệnh nhân nằm thẳng trên một mặt phẳng cố định.
– Quỳ gối trên bệnh nhân với tư thế hai đầu gối bên cạnh 2 má đùi của bệnh nhân.
– Đặt gót tay vào vùng thượng vị của bệnh nhân, tay còn lại chồng lên tay đó, đặt soa cho thoải mái và chắc chắn.
– Đột ngột ấn mạnh vào vùng thượng vị này 5 lần, sau đó kiểm tra tình trạng của bệnh nhân xem bệnh nhân đã hô hấp bình thường chưa

Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê và không thở được, cần tiến hành hà hơi thổi ngạt kết hợp ấn thượng vị, cho đến khi dị vật ra ngoài hoặc nạn nhân thở một cách bình thường. Nếu dị vật gây hóc cho bệnh nhân là dị vật sống thì cần đưa bệnh nhân đến các bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám và xử lý dị vật an toàn.

tìm cách sơ cứu khi bị hóc dị vật

Cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và lấy dị vật ra sớm, tránh biến chứng

Như vậy, cách sơ cứu khi bị hóc dị vật rất cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân. Cần xem xét thực hiện đúng kỹ thuật để việc sơ cứu hiệu quả. Bên cạnh đó, các tình huống hóc cần được đưa đến bệnh viện nhanh để xử lý, tránh nguy cơ dị vật gây ảnh hưởng đến đường thở hay gây nguy hại do đâm vào niêm mạch thực quản và hệ hô hấp. Đồng thời, cần chú ý hơn trong vấn đề ăn uống để an tâm đề phòng hóc dị vật cho bản thân và những người xung quanh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital