Hôi miệng không rõ nguyên nhân khiến chúng ta không chỉ cảm thấy bất tiện, ngượng ngùng mà còn lo lắng vì nhiều vấn đề sức khỏe chưa kiểm soát. Vậy, bạn đã điểm danh đầy đủ những nguyên nhân hôi miệng chưa và đã giải quyết đúng cách với tình trạng này? Cùng TCI điểm qua các vấn đề, bệnh lý có thể xảy ra sau đây và có cho mình phương pháp xử trí đúng đắn trước tình trạng hôi miệng không xác định nguyên nhân này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây hôi miệng
Tình trạng hôi miệng có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm cả vấn đề về răng miệng, bệnh lý toàn thân và lối sống.
1.1. Vấn đề về răng miệng
Bạn nên chú ý đến một số vấn đề răng miệng thường là nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng như:
– Vệ sinh răng miệng kém: Đây được coi là nguyên nhân phổ biến hơn cả gây hôi miệng. Khi bạn không đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, thức ăn và mảng bám sẽ tích tụ trong miệng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây ra mùi hôi.
– Bệnh nha chu: Viêm nướu và viêm nha chu là những bệnh về nướu có thể gây ra hôi miệng. Khi nướu bị viêm, chúng sẽ sưng đỏ, chảy máu và dễ bị vi khuẩn tấn công. Vi khuẩn này sản sinh ra các chất có mùi hôi.
– Lưỡi bẩn: Lớp phủ trắng hoặc vàng trên lưỡi có thể chứa vi khuẩn gây hôi miệng.
– Khô miệng: Nước bọt giúp làm sạch miệng và trung hòa axit, do đó, khi bạn bị khô miệng, vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển và gây hôi miệng. Khô miệng có thể do một số loại thuốc, một số bệnh lý hoặc do thiếu nước.
– Các bệnh lý răng miệng khác: Các vấn đề hoặc bệnh lý vi khuẩn, viêm đều có thể trở thành nguyên nhân gây hôi miệng như: sâu răng, vấn đề mảng bám, loét miệng,…
1.2. Hôi miệng không rõ nguyên nhân từ các bệnh lý/vấn đề toàn thân
Rất ít người biết, hôi miệng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý không phải bệnh răng miệng. Trong nhiều trường hợp, các vấn đề sức khỏe và bệnh lý toàn thân chính là những nguyên nhân gây hôi miệng mà bạn không ngờ tới:
– Thiếu vitamin B: Đây là loại vitamin tan trong nước và cơ thể có thể trao đổi rất nhanh. Thiếu vitamin B thường gây tình trạng loét miệng và gây hôi miệng.
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit dạ dày trào ngược lên cổ họng có thể gây ra hôi miệng.
– Nhiễm trùng xoang: Nhiễm trùng xoang có thể gây ra hôi miệng do mủ và dịch tiết từ xoang chảy xuống cổ họng.
– Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị hôi miệng do lượng đường trong máu cao tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
– Bệnh gan và thận: Bệnh gan và thận có thể ảnh hưởng đến khả năng lọc bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể, dẫn đến hôi miệng.
– Ung thư: Một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư miệng, họng và phổi có thể gây ra hôi miệng.
– Sự thay đổi của hormone của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng được cho rằng dễ dẫn đến việc hơi thở có mùi.
1.3. Lối sống
Những thói quen trong lối sống cũng là một phần quan trọng gây hôi miệng:
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm khô miệng và gây ra hôi miệng.
– Uống rượu bia: Cũng là vấn đề thường gây khô miệng của nhiều người.
– Thực phẩm ăn hằng ngày: Một số loại thực phẩm như tỏi, hành tây, pho mát và cà phê có thể gây ra mùi khoang miệng tạm thời.
2. Cẩn trọng trước hiện tượng hôi miệng không rõ nguyên nhân
Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng mà chúng ta dễ gặp phải, từ vấn đề thói quen lối sống đến các bệnh lý. Trong đó, cần đặc biệt chú ý rằng, hôi miệng có thể là dấu hiệu của những vấn đề bệnh lý toàn thân nghiêm trọng.
2.1. Mùi hôi miệng báo hiệu bệnh lý
Một số mùi hôi miệng đặc trưng có thể là triệu chứng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý nghiêm trọng như:
– Miệng hôi tanh mùi máu ở người lao phổi, khí – phế quản phình to.
– Mùi miệng tanh hôi ở người ung thư phổi.
– Mùi hôi mục nát ở người có bệnh viêm đường hô hấp trên,
– Mùi hôi chua do bệnh dạ dày.
– Mùi hôi táo thối ở những trường hợp ngộ độc axit pyruvic bệnh tiểu đường.
– Mùi khai nước tiểu ở người bệnh thận, viêm thận mạn tính, nhiễm độc niệu
– Mùi của chất đào thải với người suy gan
Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, không thể chỉ dựa vào dấu hiệu hôi miệng để kết luận bệnh lý. Người bị hôi miệng cần được kiểm tra kỹ về răng miệng và chỉ định kiểm tra các vấn đề bệnh lý khác khi có dấu hiệu khác kết hợp khiến bác sĩ nghi ngờ.
2.2. Điều trị vấn đề hôi miệng không rõ nguyên nhân
Khi xảy ra tình trạng hôi miệng kéo dài mà vấn đề vệ sinh răng miệng không khắc phục được, bạn nên đến gặp các bác sĩ nha khoa để được khám và điều trị đúng cách. Khi đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng miệng cũng như xét các nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể hình thành hôi miệng với các triệu chứng của bạn.
Như đã nói trên đây, vấn đề hôi miệng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Do đó, với mỗi trường hợp, việc điều trị cũng sẽ khác nhau phụ thuộc vào bệnh lý hình thành chứng hôi miệng. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào cũng vậy, bạn luôn cần đảm bảo việc vệ sinh răng miệng phù hợp, đúng cách để kết hợp làm giảm tình trạng hôi miệng trong quá trình điều trị.
2.3. Một số cách giảm hôi miệng và ngăn ngừa các bệnh lý gây hôi miệng
Để kiểm soát tình trạng miệng có mùi hôi, bạn cần chú ý:
– Đánh răng đúng cách: vệ sinh bằng bàn chải đánh răng hoặc tăm nước ít nhất hai lần mỗi ngày, kết hợp nước súc miệng có chứa chlorhexidine gluconatevà dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại..
– Làm sạch lưỡi.
– Uống đủ nước.
– Bỏ hút thuốc lá.
– Hạn chế rượu bia.
– Ăn uống lành mạnh.
– Khám nha mỗi 6 tháng định kỳ.
– Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe toàn thân và tầm soát các bệnh lý.
Nhìn chung, hội miệng tạm thời có thể được giải quyết bằng các hình thức vệ sinh răng miệng thông thường. Nếu đã thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng mà không thể giải quyết mùi hơi thở, bạn cần đến các cơ sở y khoa uy tín để khám và làm rõ chứng hôi miệng không rõ nguyên nhân và loại trừ các vấn đề tiềm ẩn khác. Để phòng ngừa trường hợp này, đừng quên luôn thực hiện tự chăm sóc răng miệng hiệu quả, khám nha định kỳ và kiểm soát các bệnh lý hiệu quả với bản thân.