Chào bạn Hoàn,
Tôi xin phép trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Bệnh gout là một loại bệnh do rối loạn chuyển hóa axit uric gây ra. Khi tăng axit uric trong máu (> 420mmol/l đối với nam và >360mmol/l đối với nữ. Axit uric tăng sẽ lắng đọng ở các cơ quan, tổ chức của cơ thể dưới dạng tinh thể urat (ở màng hoạt dịch gây viêm khớp, ở thận gây viêm thận kẽ, sỏi tiết niệu dần dẫn đến suy thận; sụn xương: sụn khớp, sụn vành tai; ở các mô dưới da: khuỷu tay, mắt cá, gối hình thành hạt tophy…)
Nguyên nhân gây bệnh gout chủ yếu là do chế độ ăn uống. Ngày nay càng nhiều người trẻ mắc bệnh gout do:
– Chế độ ăn nhiều thịt (giàu chất đạm)
– Uống nhiều bia rượu
– Sử dụng các chất kích thích
– Lười vận động
– Thức khuya
Đối tượng dễ mắc bệnh gout:
– Nam giới (tỉ lệ nam/nữ: 9/1) nam bị béo phì, những người mắc hội chứng chuyển hóa như tiểu đường, người sử dụng nhiều bia rượu, ăn các thức ăn chưa nhiều đạm, chất béo, lười vận động,… dễ mắc bệnh gout.
– Ngoài ra còn hay gặp ở những người suy thận, trong khi điều trị một số thuốc chống lao, bệnh máu, bệnh ung thư hoặc dùng thuốc lợi tiểu kéo dài…
Khi bị gout, ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để giảm các cơn gout cấp, bạn nên thực hiện một số điều sau:
– Hạn chế ăn các đồ ăn nhiều chất đạm, nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); thịt xông khói; hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)
– Hạn chế tối đa bia, rượu
– Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, cocticoid
– Không nên sử dụng các chất kích thích
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây
– Uống nhiều nước
– Vận động tập thể dục, thể thao hàng ngày
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để duy trì các chỉ số sức khỏe, đặc biệt là chỉ số axit uric ở mức ổn định.