Chào bác,
Thuốc chống đông là tên gọi chung dùng để chỉ các loại thuốc dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh do cục máu đông gây ra, gồm 3 nhóm là Heparin, thuốc kháng vitamin K và thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.
Thuốc được dùng chủ yếu cho những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, sau phẫu thuật van tim, phẫu thuật mạch vành, bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp, đau thắt ngực…
Đối với những trường hợp đã bị nhồi máu cơ tim như bác như việc sử dụng thuốc chống đông là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa tái phát bệnh cũng như những biến cố nguy hiểm khác.
Tùy từng thể trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc và liều lượng phù hợp. Nếu tuân thủ nghiêm chỉnh theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không cần quá lo lắng khi dùng thuốc chống đông. Tuy nhiên cần lưu ý:
– Cần uống thuốc đúng liều và liên tục theo chỉ định.
– Không được tự ý ngưng uống thuốc
– Nếu quên uống thuốc thì có thể uống liều đã quên trong vòng 8 giờ. Nếu quá 8 giờ thì bỏ qua, không uống liều gấp đôi.
– Không tự ý mua và uống thuốc vì các loại thuốc này có thể tương tác với thuốc chống đông bác đang dùng.
Các loại thuốc này có thể có một số tác dụng phụ, bác cần thông báo cho bác sĩ ngay nếu gặp phải tình trạng:
– Nước tiểu sậm màu, đặc biệt là có màu đỏ
– Xuất hiện các vết thâm trên da màu đỏ, nâu sẫm, hoặc đen không rõ nguyên nhân
– Chảy máu kinh nguyệt nhiều hay kéo dài bất thường ở nữ
– Đau đầu dữ dội hoặc kéo dài
– Đau bụng
– Chảy máu chân răng, chảy máu cam
– Sưng đau các khớp đầu gối, cổ chân
– Có khối rắn, đau xuất hiện ở bắp chân, đùi, mông..
Đặc biệt, cần báo với bác sĩ nếu bạn có bác bị tai nạn, hoặc gặp những thương tích khác, thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật.
Những người thân trong gia đình cần được biết về tình trạng bệnh của bác và biết bác sĩ điều trị để có thể liên hệ khi cần thiết. Ngoài ra không quên tái khám và làm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ.