Chào bác,
Đái tháo đường type 2 là loại thường gặp nhất, chiếm 90% tổng số bệnh nhân đái tháo đường. Khi bị bệnh này, bệnh nhân thường được kê một số loại thuốc điều trị dùng qua đường uống. Đó là các loại thuốc viên không chứa insulin. Thuốc thường được chỉ định khi bệnh nhân đã thực hiện tốt việc ăn uống và tập thể dục nhưng đường huyết vẫn không được kiểm soát.
Do bác không cung cấp đơn thuốc nên bệnh viện không thể cung cấp thông tin chi tiết. Nhưng các nhóm thuốc thường dùng điều trị đái tháo đường hiện nay và công dụng chủ yếu của chúng như sau:
– Nhóm Sulfonylurea
Gồm các loại thuốc như Acetohexamide, Chlorpropamide, Glimepiride, Gliclazide, Glipizide, Glyburide, Tolazamide, Tolbutamide. Sulfonylurea kích thích tụy tiết insulin, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin, ngoài ra ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu.Thuốc này có thể được sử dụng lâu năm, làm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng trên mạch máu nhỏ, nhờ đó giảm nguy cơ tim mạch và tử vong. Tuy nhiên có thể gây hạ glucose huyết và tăng cân.
– Nhóm Biguanid
Metformin là dạng Biguanid duy nhất của nhóm này được sử dụng tại Hoa Kỳ, giúp ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu, đồng thời giúp cơ thể sử dụng tốt insulin.
Thuốc có nhiều ưu điểm như: có thể sử dụng lâu năm, không gây hạ glucose huyết, không làm thay đổi cân nặng, giảm LDL-cholesterol, triglycerides, nhờ đó giảm nguy cơ tim mạch và tử vong. Tuy nhiên thuốc này chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận. Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nhiễm acid lactic…
– Nhóm thuốc ức chế enzyme loại Alpha Glucosidase
Gồm Acarbose, Glyset, có tác dụng ức chế sự phân hóa carbohydrate thành đường glucose, làm chậm sự hấp thu glucose vào máu, giúp giảm đường huyết sau ăn. Thuốc dùng thuốc đơn độc không gây hạ đường huyết, tuy nhiên có thể gây rối loạn tiêu hóa, sình bụng, đầy hơi, tiêu phân lỏng, chống chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh đường ruột.
– Nhóm Thiazolidinedione
Pioglitazone, Rosiglitazone là những dạng phổ biến, giúp kích thích cơ bắp sử dụng insulin và giảm tích trữ glucose trong gan. Thuốc không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, giúp giảm triglycerides, tăng HDL-cholesterol nhưng có thể gây tăng cân, phù/suy tim, dễ gãy xương, K bàng quang, đau cơ… Hiện nay Rosiglitazone không được sử dụng vì nguy cơ tim mạch, Pioglitazone cần phải cân nhắc. Bên cạnh bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch thì những người bệnh gan, phụ nữ mang thai cũng không nên dùng nhóm thuốc này.
– Meglitinides
Repaglinide là dạng duy nhất của nhóm Meglitinides hiện đang được sử dụng. Meglitinides kích thích tuyến tụy tiết thêm insulin, cho tác dụng nhanh hơn sulfonylureas, thường uống lúc bắt đầu bữa ăn. Thuốc có thể gây tăng cân, hạ đường huyết và phải dùng nhiều lần.
– Nhóm thuốc ức chế DPP4
Gồm Sitagliptin, Vildagliptin, Saxagliptin, Linagliptin, giúp ức chế hoạt động men DPP-4, làm tăng GLP-1, đồng thời kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Thuốc dung nạp tốt, thường được sử dụng 1 lần/ngày. Các tác dụng phụ: dị ứng, ngứa, nổi mề đay, phù, viêm
– Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
Gồm Liraglutide, Exenatide, Semaglutide, có tác dụng tăng tiết insulin khi lượng đường huyết tăng, ức chế tiết glucagon, giảm cảm giác thèm ăn. Nhờ đó, làm giảm glucose huyết sau ăn, HbA1c 0.6-1.5%, giảm cân và tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type. Thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, viêm tụy cấp, chống chỉ định với người có tiền sử gia đình bị bệnh ung thư giáp dạng tủy, bệnh đa u tuyến nội tiết loại 2.
– Nhóm ức chế Natri-glucose SGLT2
Dapagliflozin, Canagliflozin là các dạng phổ biến của nhóm này. Cơ chế tác dụng của nhóm này là ức chế tác dụng của kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2, tăng thải glucose qua đường niệu, giảm cân nặng, giảm huyết áp và các biến chứng bệnh tim mạch khác. Tuy nhiên có thể gây nhiễm nấm đường niệu dục, nhiễm trùng tiết.