Ba đến sáu giờ đầu kể từ khi tai biến mạch máu não khởi phát được coi là giờ vàng trong tai biến mạch máu não để cứu sống người bệnh, giảm tối đa biến chứng và giúp người bệnh phục hồi nhanh. Sau thời điểm đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch máu lớn bị tắc trong não có thể sẽ bị tàn tật nặng nề và đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Menu xem nhanh:
1. Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não xảy ra do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não khiến máu đổ lên một khu vực não bị gián đoạn. Từ đó dẫn đến các tế bào não bị chết đi do không được nuôi dưỡng. Thời gian không được cấp máu càng lâu càng nhiều tế bào não bị tác động dẫn đến càng nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình là cướp đi tính mạng người bệnh nhanh chóng.
2. Giờ vàng trong tai biến mạch máu não là gì?
2.1 Lý giải “giờ vàng” trong tai biến mạch máu não
Giờ vàng trong tai biến mạch máu não được biết đến là thời gian vàng để cấp cứu, cứu sống người bệnh khi cơn đột quỵ xảy ra. Giờ vàng cấp cứu tai biến mạch máu não thường được khuyến cáo là trong khoảng từ 3 đến 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ não.
Trong một số trường hợp, giờ vàng cấp cứu đột quỵ não có thể kéo dài đến 6 giờ kể từ sau khi có dấu hiệu đột quỵ hoặc 24 giờ kể từ sau khi có dấu hiệu đột quỵ.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi đã phát hiện bị đột quỵ, bạn cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt bởi đội ngũ y bác sĩ.
Với người bị tai biến mạch máu não nếu được đưa đến bệnh viện trong 4,5 giờ đầu thì có thể được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết làm tan máu đông. Trường hợp người bệnh được đưa đến cấp cứu trong 4,5 – 6 giờ thì sẽ được can thiệp nội mạch lấy huyết khối hoặc nít mạch máu bị vỡ.
Người bệnh càng được cấp cứu sớm thì càng gia tăng cơ hội điều trị thành công, giảm tối đa gặp các di chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống trong tương lai.
2.2 Tại sao cần cấp cứu ở giờ vàng trong tai biến mạch máu não?
Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi được cấp cứu đột quỵ não muộn. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ có khoảng 33% trường hợp đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – thời gian vàng để cứu sống người bị đột quỵ não.
Giờ vàng trong tai biến mạch máu não càng kéo dài sẽ càng làm giảm tỷ lệ điều trị hiệu quả, và phục hồi thành công của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nặng nề, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong tương lai. Có thể kể đến là liệt nửa người, liệt một bên cơ thể, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm thị lực, suy giảm nhận thức và trí nhớ…
Lý do dẫn đến hàng loạt những biến chứng nặng nề này và nguy hiểm này là bởi khi đột quỵ xảy ra, chỉ sau một giây có thể khiến 32.000 tế bào não chết đi, sau 59 giây đột quỵ có thể giết chết 1,9 triệu tế bào não. Vậy nên mỗi giây trong đột quỵ não đều có giá trị, càng giảm được thời gian khiến các tế bào não chết càng ngắn đi sẽ giúp người bệnh càng đối mặt với những hệ lụy.
2.3 Nguyên nhân vì sao đột quỵ não thường được cấp cứu muộn?
Nguyên nhân điển hình khiến người bệnh đột quỵ não không được cấp cứu sớm trong giờ vàng mà người dân cần lưu ý để chủ động hơn đó là: Không phát hiện kịp thời, người bệnh và người xung quanh không nhận ra những dấu hiệu của tai biến mạch máu não. Thậm chí nhầm lẫn sang mệt mỏi, trúng gió nên không đưa đến bệnh viện mà can thiệp bằng các biện pháp dân gian.
Qua các thông tin phía trên có thể thấy cấp cứu tai biến mạch máu não trong giờ vàng là cuộc chạy đua với thời gian của gia đình và nhân viên y tế. Kết quả của quá trình này là người bệnh được cứu sống, khả năng hồi phục hoàn toàn cao, giảm di chứng để lại.
3. Nhận biết đột quỵ thông qua dấu hiệu bệnh
Để gia tăng kiến thức về nhận biết cơn đột quỵ, chủ động nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời, người dân có thể tham khảo và nắm bắt quy tắc F.A.S.T dưới đây.
F – Face (Mặt): Méo miệng được biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A – Arm (Tay): Yếu liệt tay chân với biểu hiện bệnh nhân bị yếu hoặc liệt một bên khi không thể đưa cả hai tay lên cao.
S – Speech (Ngôn ngữ): Bệnh nhân đột ngột bị khó nói, nói ngọng, không phát âm rõ chữ, khác so với thông thường.
T – Time (Thời gian): Khi nhận thấy bất kỳ các triệu chứng kể trên một cách đột ngột, hãy mau chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.
4. Chủ động tầm soát ngăn ngừa đột quỵ não xảy ra
Đột quỵ là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào. Tuy nhiên, khoảng 80% các ca đột quỵ có thể được phòng ngừa thông qua việc chủ động thực hiện tầm soát nguy cơ từ sớm và xây dựng lối sống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh.
Thông qua những phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bằng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại như chụp MRI, chụp CT, đo điện não, siêu âm Doppler, điện tim, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi… sẽ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não. Chẳng hạn như: mỡ máu, bệnh tiểu đường, đánh giá tổn thương gan do rượu bia, thuốc lá, chức năng đông máu, cầm máu, phát hiện các tình trạng thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, phình/ hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu não… Theo đó, người bệnh sẽ được tư vấn cách điều trị phù hợp để ngăn chặn đột quỵ não xảy ra.