Hiểu rõ về vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Hiện nay, trong chương trình mở rộng, có hai loại vắc xin 5 trong 1 được áp dụng là Quinvaxem và ComBE Five để tiêm cho trẻ. So với Quinvaxem, vắc xin ComBE Five là loại vắc xin thế hệ mới được áp dụng để tiêm phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Vậy với loại vắc xin thế hệ mới này, cha mẹ cần lưu ý gì trước khi tiêm cho trẻ? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five.

1. Những thông tin cơ bản về vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five

1.1. Vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five là gì?

Vắc xin ComBE Five là một trong những loại vắc xin được áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. ComBe Five giúp phòng 5 bệnh truyền nhiễm như ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib gây ra. Đây đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ dễ mắc phải, gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển và sức khỏe.

Vắc xin ComBE Five là vắc xin phối hợp có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bao gồm giải độc tố vi khuẩn uốn ván, giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, kháng nguyên bề mặt vi rút viêm gan B, vi khuẩn ho gà bất hoạt toàn tế bào và kháng nguyên vỏ vi khuẩn Hib. Loại vắc xin này có thành phần ho gà toàn tế bào vì vậy tính an toàn và hiệu quả tương tự như các vắc xin DPT-VGB-Hib có thành phần ho gà toàn tế bào và tương tự như vắc xin Quinvaxem.

ComBE Five được sản xuất tại Ấn Độ và được triển khai áp dụng đồng loạt trên toàn quốc từ tháng 12/2018 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc. Vắc xin này đã được kiểm định tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu. Đồng thời, ComBE Five đã thực hiện các thủ tục đăng ký để được lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp, an toàn và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và WHO.

Vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five là gì?

Hình ảnh vắc xin 5 trong 1 ComBE Five

1.2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 ComBE Five

1.2.1 Đối tượng chỉ định tiêm vắc xin ComBE Five

Theo Thông tư số 38/2017/TT của Bộ Y tế quy định tiêm vắc xin phối hợp 5 trong 1 giúp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván này khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.

3 mũi vắc xin ComBE Five sẽ được tiêm vào giai đoạn 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu mũi vắc xin ComBE Five nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm ngay sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Tuy nhiên lưu ý khoảng cách giữa các mũi tiêm cần tối thiểu là 1 tháng.

1.2.2 Đối tượng chống chỉ định/ không nên tiêm vắc xin ComBE Five

Với hai trường hợp sau, cha mẹ không nên tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ:

Đầu tiên, nếu trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib hoặc vắc xin có thành phần DPT, viêm gan B, Hib không nên tiêm vắc xin ComBE Five. Cụ thể xuất hiện các phản ứng như:

– Sốt cao trên 39 độ C trong sau 1 đến 2 ngày sau khi tiêm vắc xin.

– Xuất hiện dấu hiệu tím tái, khó thở trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin.

– Co giật đi kèm theo triệu chứng sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.

– Khóc dai dẳng.

Tiếp theo, nếu trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan… cũng không nên tiêm phòng vắc xin ComBE Five.

Đối tượng chống chỉ định/ không nên tiêm vắc xin ComBE Five

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cha mẹ không nên cho trẻ tiêm phòng vắc xin ComBE Five

1.2.3 Đối tượng nên hoãn tiêm vắc xin ComBE Five

– Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

– Trẻ sốt cao trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt xuống dưới 35,5 độ C.

– Trẻ mới truyền máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp trẻ đang dùng globulin miễn dịch điều trị viêm gan siêu vi B).

– Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị thuốc có chứa thành phần Corticoid trong vòng 14 ngày.

– Cân nặng dưới 2kg.

2. Đặc tính an toàn của vắc xin 5 trong 1 ComBE Five như thế nào?

Như đã nói ở trên, vắc xin ComBE Five đã được kiểm định đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu, quy định lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn khi tiêm chủng diện rộng.

Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng phụ nhẹ và khỏi trong thời gian ngắn. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Sau khi tiêm chủng vắc xin ComBE Five, trẻ có thể có một số các phản ứng phụ thông thường như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm, trẻ quấy khóc,… Tuy nhiên, các phản ứng phụ này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

3. Một số lưu ý cho cha mẹ khi cho con tiêm vắc xin ComBe Five

3.1. Trước khi đi tiêm

– Chủ động thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con trong thời gian 7 ngày gần nhất trước tiêm như đã uống thuốc gì, có biểu hiện ho sốt không,… Đồng thời đề cập tới tiền sử sức khỏe của trẻ ví dụ như tiền sử dị ứng thuốc gì, sinh non, có mẫn cảm với vắc xin ở lần tiêm phòng trước hay không.

– Lưu giữ đầy đủ và cẩn thận sổ tiêm chủng và sổ theo dõi sức khỏe của trẻ.

Một số lưu ý cho cha mẹ khi cho con tiêm vắc xin ComBE Five

Cha mẹ nên lưu giữ đầy đủ và cẩn thận sổ tiêm chủng và sổ theo dõi sức khỏe của trẻ cho các lần tiêm chủng

3.2. Sau khi đi tiêm

Sau khi tiêm vắc xin ComBe Five, trẻ có thể xuất hiện một vài triệu chứng phụ, cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ sau tiêm. Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà:

– Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ sau khi tiêm về. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nóng sốt, cha mẹ có thể hạ sốt bằng cách chườm khăn ấm, để trẻ nằm phòng thoáng khí, mặc quần áo rộng rãi,…

– Khi trẻ sốt cao sẽ bị mất nước, cha mẹ có thể bù nước bằng cách cho ăn cháo loãng thêm muối và uống Oresol.

– Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự điều trị.

– Cho trẻ nhỏ bú đầy đủ để bổ sung dinh dưỡng. Với trẻ lớn cho ăn các thức ăn mềm, dạng lỏng để dễ nuốt và tiêu hóa.

– Trong trường hợp trẻ có biểu hiện co giật, sốt cao sau 24 giờ tiêm, cha mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề được điều trị kịp thời, tránh tự ý điều trị tại nhà.

Trên đây là những thông tin mà cha mẹ cần biết khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five cho trẻ nhỏ. Để có được hiệu quả như mong muốn, cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ trước khi tiêm vắc xin ComBe Five cho trẻ. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, cha mẹ có thể liên hệ ngay Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital