Mắc xương cá lâu ngày trong nhiều trường hợp đã gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của nhiều người. Chính vì thế, không thể không đề phòng tình huống rất dễ xảy ra trong đời sống này. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề hóc xương cá và nâng cao cảnh giác phòng, chữa đúng cách trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mắc xương cá và những vấn đề không ngờ
1.1. Mắc xương cá là gì?
Mắc/hóc xương cá là một trong những tai nạn dị vật tai mũi họng khá phổ biến, do tình trạng xương cá trong quá trình ăn uống không được nghiền nát phù hợp, bị mắc lại tại cổ họng, thực quản. Trong nhiều trường hợp, xương cá cũng có thể bị mắc ở đường thở hoặc các bộ phận đường tiêu hóa. Đây cũng là những tình huống nguy hiểm mà các bác sĩ luôn cảnh báo.
Mắc xương cá do nhiều nguyên nhân gây nên. Điều này có thể do chủ quan người bị hóc cố tình ăn xương cá vì nghĩ xương cá đã được làm mềm và không nhai nuốt cẩn thận. Nhưng hầu hết, mắc xương cá thường do những tai nạn bất ngờ như:
– Mải mê nói chuyện hoặc sặc thức ăn và nuốt không chủ đích;
– Trẻ em, người già không đủ răng và trong thức ăn có xương cá;
– Người mới gây mê hoặc phẫu thuật trong đồ ăn có xương cá;…
Ngoài ra, mắc hóc cũng có thể từ nhiều tình huống khác trong đời sống. Vì vậy, việc cảnh giác là điều cần thiết để chúng ta có thể tránh những tai nạn này.
1.2. Những nguy hiểm cần chú ý khi mắc xương cá
Bên cạnh những triệu chứng bất tiện như đau khu vực họng (hoặc đau vùng bụng khi biến chứng), nuốt khó, nghẹn, cảm giác buồn nôn, ho,… thì mắc xương cá có thể để lại những biến chứng nặng mà chúng ta không ngờ tới.
– Xương cá đâm thủng thực quản và có thể đâm vào động mạch chủ ở ngực gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người bị hóc.
– Xương cá trở thành dị vật đường thở, làm nhiễm trùng, áp xe các cơ quan và gây tắc nghẽn, cản trở đường thở, có thể làm ngưng thở.
– Xương cá rơi xuống và trở thành dị vật đường tiêu hóa với nguy cơ thủng ruột, viêm phúc mạc cùng loạt bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.
Dù không phải mọi tình huống mắc xương đều gây nên sự nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những biến chứng trên vẫn xảy ra và được các bác sĩ tai mũi họng khuyến cáo thường xuyên, cho thấy mức độ nguy hiểm của vấn đề mà nhiều người không lường trước. Các bác sĩ cũng cho biết: nhiều tình trạng mắc hóc xương cá lâu ngày nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể khiến người bị hóc mất mạng hoặc để lại các biến chứng dai dẳng, nặng nề. Ngay từ ban đầu, cần sớm nghi ngờ tình trạng hóc xương cá, nhờ các bác sĩ tai mũi họng loại bỏ dị vật, tránh việc để xương cá rơi xuống khu vực đường thở hay thành dị vật đường tiêu hóa.
2. Lưu ý những nguyên tắc xử lý khi mắc xương cá
2.1. Việc cần tránh
Hóc xương cá từ ảnh hưởng nhẹ có thể trở thành cực kỳ nguy hiểm chỉ với một vài hành động sai lầm. Do đó, cần chú ý:
– Tránh việc để mắc xương cá lâu ngày bởi điều này có thể gây những nguy hiểm không ngờ.
– Không tự dùng tay móc xương cá khi nghi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu hóc bởi điều này có thể vô tình đẩy xương cá xuống các vị trí khó xử lý hơn, hoặc gây trầy xước, tổn thương niêm mạc.
– Không cố nuốt xương cá, nhất là bằng các mẹo như nuốt cục cơm, ăn chuối, khoai hay các thức khác để tránh việc dị vật di động đến các cơ quan khác. Các mẹo dân gian không có căn cứ khoa học cũng không nên thử để tránh lãng phí thời gian điều trị cũng như các ảnh hưởng không hữu ích cho người bệnh.
– Không thực hiện nghiệm pháp Heimlich tùy tiện với người bị hóc xương bởi: phương pháp này chỉ thực hiện khi dị gây tắc nghẽn đường thở, khó thở hoặc ngưng thở.
2.2. Việc nên làm
Khi bị hóc xương cá, cần thực hiện những điều sau:
– Ngưng việc ăn uống hay cố gắng nuốt. Nên bỏ cơm hoặc đồ ăn trong miệng ra khi có tình trạng hóc.
– Đến các cơ sở y tế nhờ thăm khám khi có hiện tượng nuốt hóc xương cá. Trên thực tế, nhiều người từng nghĩ bản thân không bị hóc xương, hoặc tình trạng hóc đã được giải quyết nên thường không kiểm tra lại. Điều này khiến xương cá bị mắc lâu ngày và âm thầm gây biến chứng nặng.
3. Gắp xương cá cho bệnh nhân bị hóc
Trước hết, cần chú ý rằng, việc gắp xương cá bị hóc cần thực hiện bởi những người có chuyên môn và với dụng cụ phù hợp. Chính vì thế, nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra cẩn trọng.
Các bác sĩ tai mũi họng sẽ sử dụng đèn Clar quan sát khu vực miệng họng để tìm xương và gắp xương cá bằng kẹp chuyên dụng. Trong tình huống không phát hiện ra xương ở khu vực này, các bác sĩ sẽ dùng ống nội soi để có thể quan sát khu vực họng dưới hoặc các vùng mô khuất lấp mà đèn Clar không chiếu đến. Hầu hết các trường hợp hóc xương cá có thể được xử lý sớm bằng việc nội soi gắp xương mà không cần can thiệp gây mê.
Trong trường hợp nội soi không phát hiện xương cá, cần tiến hành chụp X-quang hoặc CT Scan để tìm vị trí xương, sau đó tiến hành cấp cứu phẫu thuật. Việc này nên thực hiện sớm để tránh mất thời gian và chi phí nặng nề từ việc xử lý biến chứng do hóc xương cá cho người bệnh, nhất là với các tình trạng xương cá gây chảy máu, tích tụ, viêm nhiễm, áp xe,…
Như vậy, mắc xương cá lâu ngày có thể gây nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Chính vì thế, cần tránh việc cố nuốt xương hoặc không điều trị gắp xương cá gây hóc. Việc phớt lờ điều trị có thể gây những biến chứng như : mưng mủ, áp xe khu vực cổ, ngực, bụng, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vọng. Việc đến các cơ ở y tế để gắp xương cá nhanh chóng, kịp thời, chủ động là điều cần thiết với người bị hóc.