Sau khi tiêm chủng, trẻ nhỏ có thể xuất hiện một số phản ứng sau tiêm khiến cha mẹ lo lắng. Có rất nhiều phụ huynh thắc mắc rằng nên chăm sóc trẻ sau tiêm chủng như thế nào và cần lưu ý những điều gì? Để giải đáp những điều này, cha mẹ hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cha mẹ cần phải lưu ý khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng?
Sau khi tiêm chủng phòng bệnh, cơ thể trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu phản ứng cũng như triệu chứng sau tiêm. Tuỳ vào cơ địa mà mỗi trẻ có những phản ứng khác nhau, thậm chí có bé chẳng có phản ứng đáng kể nào sau khi tiêm.
Tuy nhiên, cha mẹ cần phải có hiểu biết nhất định để phán đoán những dấu hiệu này có liên quan đến việc tiêm chủng phòng bệnh hay có liên quan đến nguyên nhân khác hay không. Từ đó có những biện pháp xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra ở trẻ. Biết được lời giải cho một số biến chứng phổ biến sau tiêm, cha mẹ cũng sẽ cảm thấy bớt lo hơn.
Ngoài ra, sau tiêm trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc. Vì vậy khi biết chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn sau khi tiêm.
2. Giải đáp một số thắc mắc của cha mẹ khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
2.1. Sau khi tiêm xong, trẻ có thể xuất hiện những phản ứng gì?
– Sốt: bị sốt là biểu hiện thường gặp sau khi tiêm phòng vắc xin, thân nhiệt của trẻ sẽ cao hơn bình thường một chút. Phần lớn, trẻ chỉ sốt nhẹ, kéo dài trong vòng 2 đến 3 ngày sau tiêm và tự khỏi. Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng và chú ý theo dõi tình trạng thân nhiệt của trẻ.
– Sưng đau tại chỗ tiêm: tại vị trí tiêm của trẻ có thể bị sưng, đỏ, đau hoặc cứng. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
– Rối loạn tiêu hóa: đây là triệu chứng xảy ra sau khi uống vắc xin Rotavirus. Trẻ sẽ đi ngoài nhiều lần và phân loãng hơn bình thường, tuy nhiên tình trạng này sẽ tự hết.
– Nổi phát ban: Nổi phát ban toàn thân có thể xuất hiện sau khi trẻ tiêm vắc xin sởi, quai bị và Rubella. Đồng thời, tại vị trí tiêm sau khi tiêm ngừa thủy đậu cũng có thể hình thành nên các mụn nước gây sưng, đau. Các triệu chứng này sẽ tự biến mất sau khoảng 1 đến 2 ngày.
2.2. Nếu bé có dấu hiệu sốt nhẹ, nên chăm sóc trẻ sau tiêm chủng như thế nào?
Trong những trường hợp trẻ sốt nhẹ (từ 38 đến 38,5 độ C) thì cha mẹ cần thực hiện các thao tác như sau:
– Nên mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tránh đắp chăn dày cho trẻ.
– Dùng khăn mềm và nước ấm lau người cho trẻ để giảm nhiệt từ từ.
Khi trẻ bị sốt cao (trên 38,5 độ C), cha mẹ cần lưu ý:
– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, thường dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ với liều dùng 15mg/kg, cách 4 đến 6 giờ 1 lần (tối đa là 4 liều trong 24 giờ).
– Tuyệt đối tránh sử dụng thuốc hạ sốt có chứa aspirin hoặc có chứa thành phần là axit salicylic bởi tác dụng phụ của các loại thuốc này kết hợp với thành phần của vắc xin có thể dẫn tới những triệu chứng nghiêm trọng khác.
– Khi trẻ có biểu hiện sốt cao (trên 39 độ C), đi kèm với biểu hiện quấy khóc nhiều, bỏ bú liên tục từ 1 đến 2 ngày, da tím tái, co giật thì cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
2.3. Cần chú ý đến những yếu tố nào khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng?
Về việc chăm trẻ tại nhà sau tiêm chủng, cha mẹ cần theo dõi ít nhất từ 24 đến 72 giờ với các dấu hiệu quan trọng như:
– Thân nhiệt: Sốt cao hay sốt nhẹ, có dấu hiệu tăng/ hạ nhiệt hay không.
– Nhịp thở.
– Tình trạng ăn uống, đi ngoài có dấu hiệu bất thường hay không.
– Tình trạng sưng đau tại chỗ tiêm.
– Tình trạng da toàn thân, có nổi phát ban đỏ hay không.
Ngoài ra, có một số cách chăm sóc trẻ nhỏ sau tiêm chủng, cha mẹ có thể áp dụng là:
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ, nên ăn lỏng để trẻ dễ tiêu hóa.
– Uống nước và bú nhiều hơn so với thường ngày.
– Không để trẻ chạm vào chỗ tiêm, không tì đè khi bế hoặc bôi bất cứ thứ gì vào vết tiêm để tránh gây nhiễm trùng.
– Quan sát biểu hiện của trẻ thường xuyên vào ban đêm.
– Nên ôm ấp, vỗ về trẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy an tâm.
2.4. Sau khi tiêm phòng vắc xin có nên tắm cho trẻ không?
Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh và bình thường sau 1 đến 2 tiếng tiêm, cha mẹ có thể cho trẻ tắm, nhưng cần tránh làm ướt tại vết tiêm.
Trong trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm, cha mẹ có thể lau người bằng nước ấm để làm giảm sốt. Sau khi tình trạng sốt giảm bớt, trẻ có thể tắm bình thường.
Khi tắm cho trẻ sau tiêm, cha mẹ nên lưu ý:
– Tránh tắm vào thời điểm sáng sớm và tối khuya để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Thời điểm phù hợp là buổi sáng khoảng 9 giờ và chiều khoảng 4 giờ.
– Nên sử dụng nước ấm và chọn nơi tắm kín gió, đặc biệt chú ý điều này vào mùa đông.
– Tránh cho trẻ ngâm mình quá lâu trong nước vì dễ dẫn đến bị cảm lạnh. Sau tắm nên sử dụng khăn khô, mềm để lau người và hạn chế đưa trẻ ra nơi có nhiều gió ngay sau khi tắm.
3. Trường hợp nào sau khi tiêm cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị?
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu bất thường sau:
– Sốt cao từ 38,5 độ trở lên, xuất hiện tình trạng uống thuốc hạ sốt mà vẫn không giảm.
– Nổi ban toàn thân.
– Co giật toàn thân.
– Da tím tái.
– Trẻ bị mất ý thức, gọi không thấy phản hồi.
Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, hoặc các biểu hiện kéo dài, trở nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Hy vọng với những thông tin trên đây, cha mẹ đã hiểu hơn về cách chăm sóc trẻ sau tiêm và có những mẹo chăm sóc trẻ hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, cha mẹ có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất!