Khó thở là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn). Tình trạng này kéo dài gây ra không ít phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao hen phế quản lại khó thở và nguy cơ bùng phát bệnh vào ban đêm.
Menu xem nhanh:
1. Người bệnh thắc mắc tại sao hen phế quản lại khó thở
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của bệnh hen phế quản mãn tính. Nguyên nhân gây khó thở trong hen phế quản mãn tính là do tình trạng viêm mạn tính đường thở, dẫn đến co thắt phế quản, tăng tiết đờm, tắc nghẽn luồng khí.
Khi đường thở bị tắc nghẽn, không khí sẽ khó lưu thông hơn, khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh gắng sức, hoặc khi đi ngủ. Khó thở nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Dưới đây là một số cơ chế gây khó thở trong hen phế quản mãn tính:
– Co thắt phế quản: Khi đường thở bị kích thích, các cơ trơn phế quản sẽ co thắt lại, khiến đường thở bị thu hẹp. Điều này làm giảm lưu lượng không khí đi vào và đi ra khỏi phổi, khiến người bệnh cảm thấy khó thở.
– Tăng tiết đờm: Trong quá trình viêm, các tuyến phế quản sẽ tăng tiết đờm. Đờm là chất nhầy được sản xuất bởi đường thở để bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, khi quá nhiều đờm được sản xuất, nó có thể gây tắc nghẽn đường thở, khiến người bệnh khó thở.
– Hình thành mô sẹo: Viêm mạn tính đường thở có thể dẫn đến hình thành mô sẹo. Mô sẹo cứng và dày hơn các mô bình thường, làm giảm độ đàn hồi của đường thở, khiến đường thở dễ bị tắc nghẽn hơn.
Để kiểm soát khó thở trong hen phế quản mãn tính, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đầy đủ và đúng cách, đồng thời tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng.
2. Lý giải nguyên nhân làm tăng tình trạng hen phế quản
Đến hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa thể xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố được xác định là nguyên nhân làm gia tăng các cơn hen suyễn, bao gồm thời tiết và thời gian.
2.1. Tại sao hen phế quản lại khó thở vào ban đêm?
Khó thở vào ban đêm là một triệu chứng phổ biến của bệnh hen phế quản mãn tính. Khoảng 50% người bị hen phế quản mãn tính sẽ trải qua các cơn hen cấp tính vào ban đêm. Thông thường, các cơn hen cấp tính sẽ xảy ra vào khoảng thời gian từ 18 giờ đến 4 giờ sáng. Có một số lý do khiến hen phế quản khởi phát vào ban đêm là:
– Mức độ cortisol thấp có thể làm tăng nguy cơ bùng phát cơn hen cấp tính. Đây là một loại hormone được sản xuất bởi vỏ thượng thận, có tác dụng kháng viêm và giãn phế quản. Lượng cortisol trong ngày được tiết ra nhiều nhất vào khoảng 8 – 9 giờ sáng và giảm dần về ban đêm.
– Tăng tiết đờm xảy ra vào ban đêm, gây tắc nghẽn đường thở.
– Tư thế nằm ngủ có thể có thể khiến người bệnh khó thở do tác động của trọng lực.
– Một số tác nhân gây kích ứng như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, lông động vật, phấn hoa,… có thể tồn tại trong nhà, kể cả khi trời tối và là nguyên nhân làm bùng phát cơn hen cấp tính.
– Ban đêm cũng là thời điểm nhiệt độ môi trường giảm khiến thân nhiệt giảm theo, cơ trơn phế quản dễ co thắt hơn và rơi vào tình trạng hen phế quản.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác được chỉ ra là: Chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh bị rối loạn lo âu, hít phải không khí lạnh khi ngủ trong phòng điều hòa, người bị bệnh trào ngược dạ dày,…
2.2. Tại sao hen phế quản lại khó thở khi trời lạnh?
Thời tiết lạnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen phế quản, khiến người bệnh khó thở hơn. Nguyên nhân là do không khí lạnh làm co thắt phế quản, thu hẹp đường thở. Điều này làm giảm lưu lượng không khí đi vào và đi ra khỏi phổi, khiến người bệnh cảm thấy khó thở.
Không khí lạnh cũng là nguyên nhân gây tăng tiết đờm và làm khô niêm mạc đường thở. Thời tiết lạnh khiến niêm mạc đường thở trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây kích ứng, làm tăng nguy cơ bùng phát cơn hen cấp tính.
Thời tiết lạnh cũng làm gia tăng nguy cơ mắc cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Những bệnh này được xác định là một phần nguyên nhân khiến triệu chứng hen phế quản trở nên nặng thêm.
3. Cách giảm thiểu tình trạng khó thở ở người bệnh
Để giảm thiểu tình trạng khó thở do các cơn hen suyễn gây ra, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Ngoài ra, dự phòng và chăm sóc sức khỏe tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các cơn hen. Có một số cách giúp người bệnh giảm thiểu tình trạng khó thở là:
– Sử dụng thuốc theo đơn và không nên tự ý áp dụng các mẹo chữa bệnh chưa được kiểm chứng. Các loại thuốc điều trị hen phế quản đều có tác dụng giảm viêm, giãn phế quản, giúp thông thoáng đường thở và giảm khó thở tức thì.
– Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, giữ gìn môi trường sống thoáng khí và thường xuyên lau dọn các bề mặt tiếp xúc trong nhà.
– Tăng cường sức khỏe thể chất bằng các hoạt động vừa sức. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra bài tập với mức độ phù hợp, tuyệt đối tránh việc tập luyện quá sức.
– Lựa chọn tư thế ngủ thoải mái, có thể kê cao gối để giảm tắc nghẽn đường thở.
– Uống nhiều nước và duy trì chế độ ăn uống khoa học, giàu vitamin.
– Tắm bằng nước ấm và giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài trời lạnh.
– Nếu có điều kiện, người bệnh có thể sử dụng máy tạo ẩm để làm ẩm không khí, giảm tình trạng khô niêm mạc đường thở.
Với những cách trên, người bị hen phế quản có thể phần nào giảm thiểu tình trạng khó thở khi bùng phát bệnh. Ngoài ra, hãy duy trì thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh và đưa ra hướng xử trí kịp thời.