Răng khôn có cần nhổ không là vấn đề được nhiều người quan tâm khi mọc răng khôn. Khi nào cần nhổ và khi nào không cần nhổ? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Menu xem nhanh:
1. Răng khôn và những ảnh hưởng của việc mọc răng khôn
Răng khôn bản chất là một răng hàm cuối cùng mọc trong tuổi trưởng thành, khôn lớn, hay còn được biết đến là răng số 8. Chính vì thời điểm mọc muộn, khi các răng khác gần như đã phát triển tối đa nên răng khôn thường không có đủ chỗ để mọc dẫn đến tình trạng mọc ngầm, mọc ngang, mọc lệch,…. Tuy vậy vẫn không ít người có răng khôn mọc thẳng và có răng khôn đối xứng cũng mọc thẳng. Trong các trường hợp này thì răng khôn được phát huy vai trò như một răng hàm thực thụ, tham gia vào thực hiện chức năng nhai nghiền. Song số lượng trường hợp răng khôn mọc thẳng rất ít. Chính vì thế chúng ta thường nghe đề cập đến các cụm từ như đau răng do mọc răng khôn, nhổ răng khôn nhiều hơn, bởi lẽ phần lớn răng khôn mọc lệch đều đem đến những cơn đau giữ dội không chỉ trong quá trình mọc mà còn kéo dài đến khi chúng được nhổ bỏ và tổn thương do nhổ răng được lành hẳn.
Răng khôn mọc lệch tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường trước hết tới sức khỏe răng miệng và sau đó là sức khỏe tổng thể:
– Cảm giác đau nhức, khó chịu khi ăn uống, nghỉ ngơi. Các cơn đau bọng răng khôn có thể kéo lên tới thần kinh đầu gây nhức đầu, đau cổ, đầu,…
– Nguy cơ nhiễm trùng và sưng viêm do vi khuẩn tấn công. Không ít trường hợp tại vị trí mọc răng bị áp xe, mưng mủ nghiêm trọng.
– Răng khôn mọc ngang chèn ép răng hàm số 7, về lâu dài, ngoài những cơn đau thì tình trạng chèn ép răng sẽ gây xô lệch và lệch khớp cắn toàn hàm.
– Răng khôn nếu bị sâu có thể nhanh chóng lây lan ra các răng xung quanh.
2. Mọc răng khôn có cần nhổ không?
Răng khôn có cần nhổ không còn phục thuộc trực tiếp vào tình trạng mọc của răng và những ảnh hưởng của việc mọc răng khôn tới sức khỏe răng miệng. Theo thống kê, khoảng 65% trường hợp mọc răng khôn cần thực hiện nhổ bỏ.
2.1. Các trường hợp cần nhổ răng khôn
Khi răng khôn mọc kèm theo những tác động xấu đến sức khỏe răng miệng thì việc nhổ bỏ là hoàn toàn cần thiết. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp mọc răng khôn cần phải nhổ bỏ, bao gồm cả răng khôn mọc thẳng và mọc lệch, cụ thể:
– Răng khôn mọc lệch khỏi hàm gây nên các biến chứng như viêm, áp xe chân răng, xuất hiện các nang răng, u nang,…. Răng khôn mọc lệch gây viêm đã điều trị khỏi song thường xuyên tái phát nhiều lần.
– Mọc răng khôn không có các biến chứng nêu trên nhưng cấu trúc răng thường xuyên gây nhồi nhét thức ăn trong các khe và có xu hướng gây sâu răng và viêm nhiễm thì nên nhổ bỏ để tránh các biến chứng sau này.
– Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, không chen chúc nhưng lại không có răng đối khớp ở hàm đối diện cũng cần nhổ bỏ bởi quá trình ăn nhai hàng ngày sẽ gây tác động lực trực tiếp vào vùng nướu hàm đối diện và gây tổn thương cho nướu lợi.
– Răng khôn mọc thẳng nhưng có hình dạng bất thường có nguy cơ gây sâu, viêm lợi, viêm nha chu cũng cần nhổ bỏ.
Ngoài ra, nếu bạn thực hiện chỉnh nha, niềng răng cần thực hiện nhổ bỏ răng, có thể bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định nhổ răng khôn.
Mặc dù các trường hợp răng khôn nêu trên đều được khuyến khích nhổ bỏ, song với người bị tiểu đường, rối loạn đông máu cần cẩn trọng khi có quyết định nhổ răng. Ngoài ra, với mẹ bầu, không nên nhổ răng khôn khi mang thai bởi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng, lây nhiễm các vi khuẩn răng miệng thông qua huyệt ổ vào thai nhi,… Chính vì vậy, nếu không may mọc răng khôn trong thai kỳ, hãy tìm đến bác sĩ nha khoa để được hướng dẫn chăm sóc, giảm đau răng và đợi sau sinh tiến hành nhổ răng. Cách tốt nhất là trước khi có kế hoạch mang thai, hãy chủ động thăm khám và nếu phát hiện răng khôn chuẩn bị mọc hãy nhổ bỏ trước thai kỳ.
2.2. Các trường hợp không cần nhổ bỏ
Phần lớn răng khôn đều cần nhổ bỏ, tuy nhiên, nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây thì răng khôn sẽ được giữ lại để phát triển bình thường như một răng hàm tham gia vào chức năng nhai nghiền:
– Răng khôn mọc thẳng, không chen chúc và có răng đối xứng hàm đối diện.
– Răng khôn có cấu trúc bình thường, không gây nhồi nhét và tồn thức ăn.
– Răng khôn mọc khỏe mạnh bình thường và không có bất kỳ dấu hiệu sâu viêm nào.
3. Các công nghệ nhổ răng khôn hiện nay
Nhổ răng khôn có thể gọi là “cơn ác mộng” đối với rất nhiều người bởi những cơn đau kéo dài trước và sau khi nhổ răng. Tuy nhiên, ngày nay, khi công nghệ y học phát triển, các phương pháp nhổ răng cũng được cải tiến giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn. Hiện nay, có 2 phương pháp nhổ răng được sử dụng ưa chuộng là nhổ răng dùng khoan cắt thủ công (phương pháp truyền thống) và nhổ răng siêu âm Piezotome.
3.1. Nhổ răng truyền thống
Các bác sĩ sẽ thăm khám, vệ sinh răng miệng và sau khi đảm bảo không có sưng viêm, áp xe sẽ tiến hành nhổ răng. Dưới tác dụng của thuốc tê, bạn sẽ mất đi cảm giác đau đớn tạm thời. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ sử dụng khoan, cắt tay để tách nướu, cắt xương và làm lỏng chân răng, sau đó dùng kìm nha khoa để gắp răng khôn ra ngoài. Quá trình nhổ răng diễn ra rất nhanh chóng. Sau khi cầm máu, vệ sinh và được kê đơn, bạn có thể trở về nhà để chăm sóc và theo dõi.
Sau nhổ răng chắc chắn sẽ có những cơn đau. Tuy nhiên, thông thường bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và chống viêm, hãy sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để giảm đau và giúp phục hồi nhanh hơn.
3.2. Phương pháp nhổ răng siêu âm Piezotome
Đây là phương pháp nhổ răng khôn mới nhất hiện nay. Tương tự các bước thực hiện như phương pháp truyền thống song với phương pháp này, bước khoan cắt và nhổ răng sẽ được thay thế bằng thiết bị dao cắt siêu âm Piezotome.
Mặc dù gọi là dao, song thực tế lại là lưỡi dao vô hình bởi chúng sử dụng sóng siêu âm để tách nướu, lợi cũng như làm lỏng chân răng. Song song với lưỡi dao, một hệ thống làm mát bằng nước liên tục, chính vì thế mà các nướu, mô lành không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nhiệt lượng.
Nhổ răng khôn siêu âm Piezotome về cơ bản giúp quá trình nhổ răng được diễn ra dễ dàng, quá trình nhổ răng thao tác nhẹ nhàng, âm thanh êm dịu của sóng siêu âm giúp bệnh nhân giảm căng thẳng hơn rất nhiều. Song song với đó, do không ảnh hưởng tới nhiều mô nướu nên quá trình phục hồi sau nhổ răng cũng như các cơn đau sau nhổ răng cũng giảm rõ rệt. Chính bởi vậy mà phương pháp này được rất nhiều người lựa chọn.
Tóm lại khi mọc răng khôn, lời khuyên dành cho các bạn là hãy đến cơ sở nha khoa để thăm khám để biết răng khôn có cần nhổ không và điều trị sớm. Trong trường hợp cần nhổ bỏ, việc nhổ sớm sẽ giúp tránh các biến chứng do mọc răng khôn. Hãy nói với bác sĩ về lo lắng của mình trong quá trình nhổ răng, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp của mình cũng như giúp bạn giảm thiểu sự căng thẳng khi nhổ răng khôn.