Không có gì là quá khi nói mí mắt là tường thành bảo vệ thị giác của chúng ta. Thế nên, như một lẽ hiển nhiên, khi mí mắt bị sụp, thị giác không thể hoạt động bình thường. Chưa hết, việc sụp mí còn ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến diện mạo của bệnh nhân, khiến bệnh nhân tự ti, trốn tránh giao tiếp xã hội. Vậy, có thể chữa sụp mí mắt không phẫu thuật được không? Trong bài viết này, chuyên gia nhãn khoa sẽ giải đáp thắc mắc đó cho bạn.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về sụp mí
1.1. Khái niệm
Một người nhìn thẳng, nếu một trong hai hoặc cả hai mí trên sa xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó thì người đó được xác định là bị sụp mí (bình thường mí trên chỉ che khoảng 2mm vùng rìa giác mạc). Xem xét khái niệm sụp mí, chúng ta biết tình trạng này có thể xuất hiện ở một mắt hoặc cả hai mắt. Nếu xuất hiện ở cả hai mắt, mức độ sụp ở mỗi mắt có thể cân xứng hoặc không.
Dựa trên mức độ ảnh hưởng đến thị lực, sụp mí được phân loại thành 3 nhóm như sau:
– Sụp mí độ 1: Sụp nhẹ, không ảnh hưởng đến thị lực.
– Sụp mí độ 2: Sụp trung bình, một phần nào đó đã ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân sụp mí độ 2 phải thường xuyên nâng cằm bất thường để quan sát xung quanh. Ở độ này, sụp mí cần được điều trị.
– Sụp mí độ 3: Sụp nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Sụp mí độ 3 cần xử lý càng sớm càng tốt.
1.2. Nguyên nhân
Đến thời điểm hiện tại, đã kết luận được 4 tác nhân có khả năng làm phát sinh bệnh lý sụp mí. 4 tác nhân đó là:
– Bẩm sinh: Sụp mí bẩm sinh xuất hiện ngay khi bệnh nhân chào đời, là dạng sụp mí phổ biến nhất, chiếm khoảng 55% – 75% tổng số ca sụp mí trên toàn thế giới. Sụp mí bẩm sinh có thể đi kèm với những bất thường về khúc xạ, vận nhãn và dị dạng sọ mặt. Trong quá trình tìm hiểu cơ chế phát sinh sụp mí bẩm sinh, các chuyên gia nhãn khoa đã quan sát thấy: Ở một số trường hợp, dưới kính hiển vi điện tử, một phần sợi cơ nâng mi trên bị thay thế bằng tổ chức sợi và tổ chức mỡ. Một số trường hợp khác, xuất hiện tình trạng thoái hóa cơ nâng mi trên.
– Tuổi tác: Xảy ra do cân cơ nâng mí, đảm nhận trách nhiệm giúp mí cử động, bị giãn hoặc rách đột ngột.
– Các tổn thương vật lý đến từ thói quen dụi mắt liên tục, dùng kính áp tròng chất lượng kém, phẫu thuật mắt,…
– Các nguyên nhân khác: Bệnh lý thần kinh, vấn đề về cơ, khối u, nang,… ở mắt.
1.3. Biến chứng
Bệnh lý sụp mí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể làm bệnh nhân nhược thị, lác,… Đôi khi, sụp mí không phải là một bệnh lý riêng biệt mà là biểu hiện của các bệnh lý nhược cơ, bệnh lý liệt dây thần kinh sọ não số III do u não,…. Những trường hợp đó nếu giải quyết chậm trễ, không chỉ thị giác mà ngay cả tính mạng của bệnh nhân cũng khó đảm bảo.
2. Có thể chữa sụp mí mắt không phẫu thuật được không?
Rất tiếc, hiện nay, chúng ta không có phương pháp không phẫu thuật nào có thể điều trị hiệu quả bệnh lý sụp mí. Tất cả những thảo dược, mát xa,… đều hoặc chỉ là tin đồn thất thiệt hoặc chỉ có tác dụng hỗ trợ xử lý. Theo đó, khi nghi ngờ bản thân bị sụp mí, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất để được chuyên gia nhãn khoa thăm khám và điều trị sụp mí bằng phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất.
2.1. Chẩn đoán
Sụp mí chỉ có thể được điều trị hiệu quả khi mức độ sụp mí cũng như nguyên nhân khởi phát sụp mí được xác định rõ ràng. Để xác định rõ ràng 2 vấn đề đó, chuyên gia nhãn khoa sẽ tiến hành khai thác một số thông tin như sau trong quá trình thăm khám lâm sàng: Tiền sử bệnh lý gia đình; thời điểm tình trạng sụp mí xuất hiện; diễn biến quá trình sụp mí; các bất thường đi kèm (đau nhức mắt, song thị, suy giảm thị lực, đau nhức đầu, yếu bại cơ, nói ngọng, khó nuốt, ù tai,…); các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều trị đã áp dụng và tình hình đáp ứng; các diễn biến trong và sau điều trị,…
Ngoài ra, chuyên gia nhãn khoa có thể chỉ định bệnh nhân khám cận lâm sàng: Tai mũi họng, hàm mặt, nội tiết, lồng ngực, thần kinh,… để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân khởi phát sụp mí.
2.2. Điều trị
Phương pháp điều trị sụp mí sẽ được chuyên gia nhãn khoa chỉ định dựa trên mức độ và nguyên nhân bệnh. Tất cả các phương pháp đó đều phải đáp ứng đủ các nội dung điều trị như sau: Điều trị nguyên nhân, phẫu thuật nâng mí sụp, điều trị biến chứng, điều trị các tổn thương đi kèm, như tổn thương nhãn cầu, rối loạn vận nhãn,…
Về nâng mí sụp bằng phẫu thuật, có 2 nhóm phương pháp chính, bệnh nhân có thể tham khảo là:
– Phẫu thuật làm ngắn mí sụp: Được chỉ định khi chức năng cơ vận mí vẫn còn ở mức khá hoặc tốt. Nhóm phương pháp này có 2 ưu điểm là: Bảo tồn được chức năng cơ vận mí và có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, chúng cũng có nhược điểm, là thường điều chỉnh thiếu, dễ tái phát tình trạng sụp mí. 2 phương pháp được chỉ định nhiều nhất của nhóm này là cắt ngắn cân nâng mí qua da (Berke) và cắt sụn – cơ Muller qua kết mạc (Fassanella – Servat).
– Phẫu thuật sử dụng sự hỗ trợ của các cơ lân cận: Được chỉ định khi chức năng cơ vận mí yếu hoặc mất hoàn toàn. Nhược điểm của nhóm phương pháp này là: Không thể vãn hồi sự đồng bộ vận động của mí mắt và nhãn cầu, sau phẫu thuật mí khó khép kín. Lựa chọn được ưu tiên hơn cả thuộc nhóm phương pháp này là treo mí vào cơ trán, sử dụng vật liệu tự thân (cân đùi, bó cơ vòng mí, cân cơ thái dương nông, dải cơ trán, vạt cơ trán,… ) hoặc nhân tạo (silicon, chỉ không tiêu,…).
Như vậy, không thể chữa sụp mí mắt không phẫu thuật. Để cải thiện tình trạng sụp mí, bệnh nhân chỉ có thể phẫu thuật làm ngắn mí sụp hoặc phẫu thuật sử dụng sự hỗ trợ của các cơ lân cận. Chính vì vậy, khi bản thân có dấu hiệu sụp mí, bệnh nhân cần tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia nhãn khoa tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất ngay.