Khi túi phình động mạch não vỡ ra, người bệnh dễ đối mặt với nguy cơ đột quỵ (nhồi máu não, chảy máu não), động kinh, não úng thủy,… Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về túi phình động mạch não và cách dự phòng đột quỵ ở người có túi phình động mạch não trong sọ.
Menu xem nhanh:
1. Cấu trúc túi phình động mạch não và nguyên nhân hình thành
1.1 Giải phẫu
Túi phình động mạch não được hình thành do sự thay đổi về cấu trúc thành mạch của động mạch não (thành mỏng, không có lớp chun giãn ngoài của lớp giữa, thiếu hụt lớp giữa tại chỗ phân nhánh, thoát vị lớp nội mạc qua vùng không có lớp áo giữa).
Túi phình gồm nhiều dạng hình thái như hình túi, hình thoi, hình lóc. Thường nằm ở vị trí đa giác Willis hoặc các thân động mạch chính.
Tỷ lệ vỡ túi phình ở các vị trí cũng khác nhau: đáy túi phình (chiếm 64%), cổ túi phình (chiếm 12%), khoảng 24% là không biết vỡ ở vị trí nào. Nguy cơ vỡ tỷ lệ thuận với kích thước túi phình và tốc độ phát triển của túi phình (túi phình có kích thước càng lớn hay tốc độ phát triển càng nhanh thì nguy cơ vỡ càng cao).
1.2 Nguyên nhân hình thành túi phình
Có đến 97% túi phình động mạch não hình thành là do thoái hóa thành mạch hay dị dạng mạch máu não.
Khoảng 3% còn lại do một số nguyên nhân khác như sau:
– Nhiễm khuẩn (u, giang mai, nấm)
– Rối loạn huyết động
– Bệnh Collagen toàn thân
– Bệnh thành mạch, u thần kinh
– Chấn thương
– Hội chứng Marfan (bệnh của tổ chức hệ thống liên kết)
– Do di căn từ các cơ quan khác vào thành mạch
2. Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng phình mạch não
2.1 Biểu hiện trên lâm sàng
Người bệnh đau đầu dữ dội, nôn, hôn mê hoặc mất ý thức một lúc rồi tỉnh, rối loạn điện tim, liệt, tăng huyết áp, giảm tri giác.
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Chụp cắt lớp vi tính (CT scaner) dựng hình mạch não phát hiện chảy máu khoang dưới nhện chiếm khoảng 95%. Qua đây cũng xác định được vị trí phình mạch và hình thái túi phình.
Chụp mạch não (DSA) hay còn gọi là chụp mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật kết hợp giữa chụp X-quang và xử lý hình ảnh số và dùng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu can thiệp điều trị từ trong lòng mạch máu.
Chụp cộng hưởng từ mạch não (MRI mạch não).
3. Biến chứng túi phình động mạch não khi vỡ
Khi túi phình động mạch não vỡ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
– Giảm khối lượng tuần hoàn máu (thiếu máu não)
– Hạ Natri máu
– Tăng huyết áp
– Động kinh
– Não úng thủy
Phình mạch não chưa vỡ thường không có biểu hiện lâm sàng. Chỉ khoảng 3-5% trong số đó có một số biểu hiện lâm sàng nhưng cũng không quá đặc trưng và dễ bị nhầm lẫn như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, run tay chân, rối loạn ngôn ngữ,…
Hiện nay, tỷ lệ người có túi phình động mạch não trong đầu không hiếm gặp (chiếm từ 3-15% dân số) nhưng tỷ lệ vỡ rất thấp thường dưới 1%. Do đó, không phải ai có túi phình mạch não đều có nguy cơ bị đột quỵ.
Chỉ những trường hợp túi phình mạch não có đặc điểm dưới đây, người bệnh dễ đối mặt với biến chứng đột quỵ não:
– Túi phình có kích thước lớn hơn 10mm (>10mm)
– Túi phình có hình dạng không đồng nhất và cấu trúc phức tạp gồm nhiều thùy.
– Người bệnh mang túi phình mạch não và có sẵn tiền sử cao huyết áp (huyết áp cao).
4. Điều trị
4.1 Đối với trường hợp phình mạch chưa vỡ
– Nếu người bệnh không có biểu hiện lâm sàng và kích thước túi phình < 7mm thì theo dõi.
– Nếu người bệnh có biểu hiện trên lâm sàng và kích thước túi phình >= 7mm thì can thiệp mạch hoặc phẫu thuật.
Chỉ định phẫu thuật trong trường hợp: Tái thông túi phình sau nút mạch. Phình mạch Sylvienne cấu trúc phức tạp. Cổ túi phình rộng. Có nhánh mạch tại cổ túi phình.
4.2 Đối với trường hợp túi phình mạch máu vỡ
– Điều trị bằng cách can thiệp nội mạch
– Can thiệp nội mạch và mổ lấy máu tụ
– Mổ kẹp cổ túi phình và lấy máu tụ trong trường hợp can thiệp nội mạch thất bại và cấu trúc túi phình phức tạp.
Phình mạch não thường phát hiện muộn khi túi phình mạch não đã vỡ. Tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Can thiệp nội mạch và phẫu thuật là những phương pháp điều trị chính. Lựa chọn phương pháp điều trị cần có sự phối hợp đa chuyên khoa: phẫu thuật thần kinh, nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp mạch.
5. Dự phòng đột quỵ ở người có túi phình mạch não
Người có túi phình mạch não cần dự phòng đột quỵ xảy ra bằng cách thực hiện một số biện pháp sau:
5.1 Hạn chế căng thẳng, tức giận
Khi bạn căng thẳng hay tức giận sẽ khiến nhịp tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có vỡ túi phình mạch não.
5.2 Điều trị và kiểm soát tốt chỉ số huyết áp để dự phòng đột quỵ chảy máu não
Những người có tiền sử huyết áp cao cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc, đổi thuốc, tăng hay giảm liều.
5.3 Làm việc và vận động phù hợp
Người có túi phình mạch não nên tránh vận động hoặc lao động với cường độ mạnh như bê vác đồ vật nặng, chống đẩy, tập thể dục ở cường độ cao,… vì điều này có thể vô tình làm cho huyết áp tăng cao đột ngột, khiến túi phình mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ.
5.4 Thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ với bác sĩ chuyên khoa
Túi phình động mạch não trong sọ là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng dẫn đến đột quỵ. Do đó thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ là điều rất quan trọng đối với những đối tượng này. Qua đó, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe, tùy thuộc vào mức độ túi phình mạch não của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn phù hợp. Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não, mạch não định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp đánh giá tình trạng hiện tại của túi phình, dự đoán sự tiến triển, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả, ngăn biến chứng nguy hiểm xảy ra.