Đột quỵ ở tuổi 35: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Đình Lương

Phó phụ trách khoa Nội

Theo quan niệm của nhiều người, đột quỵ chỉ xảy đến ở người cao tuổi còn đột quỵ ở tuổi 35 và ở người trẻ sẽ không xảy ra. Điều này liệu có thực sự đúng? Trên thực tế, đột quỵ đang ngày một gia tăng và trẻ hóa, trở thành mối lo ngại của tất cả mọi người.

1. Tình trạng đột quỵ và mối lo ngại đột quỵ trẻ hóa

1.1. Tình trạng đột quỵ ở Việt Nam

Tại Việt Nam, theo thống kê trong 20 năm qua, tỷ lệ đột quỵ có xu hướng tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (năm 1990) lên đến 254,78/100.000 người/năm (năm 2010). Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ. Tính trung bình cứ 6 người thì sẽ có một người có nguy cơ bị đột quỵ. Điều đáng lo ngại hơn trong những năm gần đây là tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang ngày càng gia tăng, chiếm tới 10-15%.

Tình trạng đột quỵ

Ở Viêt Nam, đột quỵ có số ca mắc ngày một tăng và dần trẻ hóa.

1.2. Đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày một cao

Thep ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, trong vòng 1 tháng (từ ngày 9/11/2020 – 15/12/2020) trung tâm đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ. Trong số đó có hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ độ tuổi trung bình từ 18 – 44 tuổi. Trường hợp đột quỵ nhỏ tuổi nhất được tiếp nhận là bệnh nhân mới 14 tuổi.

Tương tự, ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ não Bệnh viện trung ương Quân đội 108, trong năm 2020 trung tâm đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong số đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%. Ca bệnh nhỏ tuổi nhất được tiếp nhận điều trị là 12 tuổi. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp khác nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên.

2. Nguyên nhân đột quỵ ở tuổi 35

2.1. Người trẻ có thói quen ăn uống không khoa học

Ăn uống không lành mạnh thường xảy ra ở người trẻ và trở thành nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở đối tượng này. Người trẻ ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên, nội tạng động vật, thực phẩm nhiều muối, ăn đồ ngọt nhiều đường,… Nhóm đồ ăn này sẽ làm tăng nguy cơ mỡ máu. Đây cũng là tác nhân chính bám vào thành mạch máu và gây nên tình trạng tắc nghẽn động mạch, cản trở tới quá trình lưu thông máu lên não. Từ đó dẫn tới nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

2.2. Đột quỵ ở tuổi 35 do uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá

Chất cồn trong rượu bia là nguyên nhân làm tăng khả năng nguy cơ đột quỵ. Có tới 90% các cơn đột quỵ xảy ra do người bệnh đã sử dụng quá nhiều rượu bia.

Hút thuốc lá cũng có ảnh hưởng tương tự làm tăng nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, việc hút thuốc lá quá mức kéo dài sẽ dẫn đến bệnh cao huyết áp, đồng thời còn làm tăng nguy cơ gây ra những biến chứng tim mạch nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Quá trình đột quỵ tiến triển nhanh do chất nicotine và carbon monoxide xâm nhập vào cơ thể làm thu hẹp động mạch trong não và động mạch cảnh ở cổ. Theo một số thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ ở người hút thuốc lớn hơn gấp 3 lần so với người không hút thuốc.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ

Hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ hiện nay.

2.3. Do tình trạng thừa cân

Khi có chế độ dinh dưỡng không hợp lý cân đối, tiêu thụ lượng lớn đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo khiến nhiều người trẻ bị tăng cân, béo phì. Ở người béo phì để bị các bệnh lý như mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường. Đây đều là những tác nhân chính làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Vì vậy, hãy kiểm soát cân nặng ở mức ổn định, chủ động giảm cân ở người thừa cân, ăn uống khoa học hợp lý để cải thiện cả ngoại hình và sức khỏe thật tốt.

2.4. Đột quỵ ở tuổi 35 và ở người trẻ do lười vận động

Một bộ phận lớn người trẻ hiện nay còn coi nhẹ việc tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Thực tế là nếu bạn có thói quen lười vận động sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt tới cơ thể. Khi đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng cao hơn.

Một số đối tượng ít vận động cần điều chỉnh lối sống trú trọng tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn như dân văn phòng, học sinh sinh viên, người làm nghề tự do, nội trợ,…

2.5. Đột quỵ do quá trình làm việc quá sức

Khi làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ gây ra những áp lực lớn lên não. Làm việc quá sức ở đây bao gồm cả quá sức về thể lực và quá sức về tinh thần.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, giới trẻ phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Theo đó, các bệnh lý như huyết áp cao, bệnh tim mạch dần trẻ hóa, gặp nhiều hơn ở đối tượng người trẻ và trung niên. Khi dòng máu chảy về não tăng lên đột ngột sẽ gây nên nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông là nguyên nhân làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc gây xuất huyết não và dẫn tới đột quỵ.

Đột quỵ ở tuổi 35 do làm việc quá sức

Người trẻ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống và công việc là nguyên nhân tăng nguy cơ đột quỵ.

3. Phòng tránh đột quỵ trẻ hóa

Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ tốt thông qua những hành động thiết thực. Hãy thay đổi lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, giữ một tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định bằng những gợi ý cụ thể dưới đây:

– Tập thể dục thường xuyên (tập ít nhất 30 phút/ngày và tập 5 ngày/tuần). Hoạt động thể chất đều đặn giúp đánh tan mỡ thừa, giảm mỡ máu, ổn định cân nặng, giải độc cơ thể. Từ đó sẽ giảm nguy cơ đột quỵ gặp phải ở người trẻ tuổi.

– Giảm chất béo, giảm muối, giảm đường trong khẩu phần ăn hằng ngày đồng thời ăn tăng cường rau, trái cây tươi và các loại hạt.

– Hạn chế tối đa bia rượu và không dùng các chất kích thích. Những người hút thuốc lá nên chủ động cai thuốc sớm.

– Thực hiện thăm khám sức khỏe theo định kỳ. Đặc biệt, đối với người có bệnh lý nền như rung nhĩ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường,… thì cần tuân thủ điều trị bệnh theo đúng các chỉ định của bác sĩ.

Đột quỵ ở tuổi 35 không hiếm và đột quỵ gặp ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin về đột quỵ cũng như thực hiện phòng chống đột quỵ đúng cách là yêu cầu cần thiết đối với tất cả mọi người.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital