Đột quỵ nhồi máu não: nguyên nhân và cách chẩn đoán

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ thể thiếu máu não cục bộ) là dạng đột quỵ thường gặp, chiếm hơn 70% các ca đột quỵ hiện nay. Cùng tìm hiểu đột quỵ nhồi máu não nguyên nhân và cách chẩn đoán trong bài viết dưới đây. 

1. Hiểu đúng về đột quỵ nhồi máu não

Đột quỵ nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não, điều này gây mất chức năng thần kinh tương ứng (tại vùng não bị thiếu máu).

Nhồi máu não gồm có 3 thể:

– Nhồi máu não động mạch lớn

Chủ yếu do huyết khối hình thành trên động mạch bị xơ vữa (thường gặp nhất là động mạch cảnh, động mạch cột sống thân nền và động mạch não). Nhưng cũng có thể do huyết khối xuất phát từ tim.

– Nhồi máu não động mạch nhỏ (nhồi máu ổ khuyết)

Do tắc mạch nhỏ (thường là những động mạch xuyên nằm sâu trong não). Nguyên nhân do bệnh lý mạch máu não gây ra hoặc do vô căn.

– Nhồi máu não do cục tắc di chuyển từ tim

Các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông tại tim. Cục máu đông này có thể theo dòng máu di chuyển tới động mạch não gây tắc nghẽn mạch não, dẫn tới đột quỵ nhồi máu não.

đột quỵ nhồi máu não là gì

Nhồi máu não là bệnh lý thuộc hệ thần kinh trung ương, xảy ra khi tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não, điều này gây mất chức năng thần kinh tương ứng (tại vùng não bị thiếu máu).

2. Nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não

Các nguyên nhân gây giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu (huyết khối ngoại sọ hoặc nội sọ gây lấp mạch) chính là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ não.

2.1 Tắc động mạch lớn

Xơ vữa động mạch (thân chung động mạch cảnh, động mạch cảnh trong). Hoặc do huyết khối từ tim (hẹp van hai lá, rung nhĩ). Cả hai nguyên nhân này gây tắc động mạch lớn và dẫn tới đột quỵ thiếu máu não cục bộ.

2.2 Đột quỵ ổ khuyết

Phần lớn các trường hợp bị đột quỵ ổ khuyết thường có liên quan đến yếu tố tăng huyết áp. Nguyên nhân thường gặp là: mảnh xơ vữa nhỏ gây tắc nghẽn dòng máu lên não, nhiễm lipohyalin, hoại tử fibrin thứ phát sau tăng huyết áp hoặc viêm mạch, vữa xơ động mạch hyaline, bệnh mạch amyloid, bệnh lý mạch máu khác,…

2.3 Đột quỵ do cục tắc

Cục tắc từ tim là một trong những nguyên nhân thường gặp (chiếm 20%) các ca đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Cục tắc từ tim thường được hình thành do các bệnh lý ở tim mạch như: bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, bệnh cơ tim giãn, suy tim sung huyết nặng, u nhày nhĩ trái,…

2.4 Đột quỵ do huyết khối

Sự nứt vỡ mảng vữa xơ động mạch xảy ra do tổn thương  tổn thương và mất các tế bào nội mô, lộ ra lớp dưới nội mạc làm hoạt hóa tiểu cầu, hoạt hóa các yếu tố đông máu, ức chế tiêu sợi huyết.

Hẹp động mạch làm tăng tốc độ dòng máu chảy, tăng kết dinh tiểu cầu, làm dễ dàng hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch.

Các bệnh lý tăng đông máu, bệnh hồng cầu hình liềm, loạn sản xơ cơ, lóc tách động mạch, co mạch liên quan đến các chất kích thích,… dễ hình thành cục tắc gây chèn ép cản trở dòng máu lưu thông lên não, dẫn tới đột quỵ nhồi máu não.

2.5 Các yếu tố nguy cơ

Nhồi máu não có thể do các yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi. Việc xác định được yếu tố nguy cơ sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán hoặc định hướng được nguyên nhân gây đột quỵ và đưa ra phác đồ điều trị, cũng như phòng ngừa tái phát hợp lý.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gồm: tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử đau nửa đầu migraine, loạn sản xơ cơ, di truyền (yếu tố gia đình).

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, tăng homocystein máu, các vấn đề về lối sống (uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy, ít hoạt động thể lực), béo phì, dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh, bệnh hồng cầu hình liềm,…

Huyết khối gây đột quỵ nhồi máu não

Huyết khối (hay còn gọi là cục máu đông) là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ nhồi máu não.

3. Chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não bằng cách sau

3.1 Khám lâm sàng đột quỵ nhồi máu não

Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử và hỏi bệnh. Đặc biệt là cần khai thác các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc (thuốc lá và thuốc lào), có tiền sử mắc bệnh động mạch vành, bắc cầu chủ vành, rung nhĩ hay không?

Với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn cần khai thác thêm các yếu tố như: có tiền sử chấn thương đầu không, có mắc các bệnh về đông máu không, có dùng chất kích thích không, có dùng thuốc tránh thai không, có bị đau đầu migraine không,…

Tiếp theo là khám toàn thân, khám tim mạch và khám thần kinh. Mục đích là để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý toàn thân khác, phân biệt với xuất huyết não, đột quỵ thoáng qua,  từ đó đưa ra hướng xử trí (chỉ định chụp chiếu) nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Dựa trên những dấu hiệu lâm sàng gợi ý như sau:

– Liệt nửa người hoặc liệt 1 phần cơ thể

– Mất hoặc giảm cảm giác một bên cơ thể

– Mất thị lực một hoặc hai mắt

– Nhìn đôi (song thị)

– Giảm hoặc không vận động được khớp xương

– Liệt mặt

– Thất điều

– Chóng mặt (hiếm khi xuất hiện đơn lẻ)

– Thất ngôn

– Rối loạn ý thức đột ngột

chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não bằng cách nào?

Để chẩn đoán chính xác đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ xuất huyết não và loại trừ với các bệnh lý khác, bác sĩ cần làm thêm một số xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), điện não đồ,….

3.2 Khám cận lâm sàng đột quỵ nhồi máu não

Xét nghiệm máu

Làm xét nghiệm cấp các thông số như đường máu, đông máu cơ bản (nếu bệnh nhân đang dùng heparin, warfarin, hoặc các thuốc chống đông trực tiếp), công thức máu, sinh hóa máu cơ bản. Các chỉ định xét nghiệm khác tùy thuộc vào lâm sàng của từng ngƣời bệnh.

Nếu thấy bệnh nhân bị suy hô hấp cần làm thêm xét nghiệm khí máu động mạch và đánh giá rối loạn toan kiềm.

Chụp cắt lớp vi tính sọ não

Giúp phân biệt tổn thương thiếu máu và chảy máu, xác định mức độ tổn thương, vị trí mạch tắc từ đó quyết định phương pháp điều trị.

Chụp cộng hưởng từ não

– Giúp phát hiện tổn thương thiếu máu hay chảy máu não ở giai đoạn rất sớm sau đột quỵ (ưu việt hơn chụp cắt lớp vi tính CT sọ não).

– Đánh giá chi tiết các cấu trúc giải phẫu của não nhờ độ phân giải không gian tốt.

– Hình ảnh khuếch tán trên phim chụp MRI có độ nhạy cao trong phát hiện tổn thương thiếu máu não sớm.

– Giúp xác định vị trí mạch tắc (xung TOF 3D), đánh giá tình trạng tưới máu não tương tự các chức năng của chụp cắt lớp vi tính.

– Được sử dụng trong cả trường hợp không xác định được chính xác thời điểm khởi phát đột quỵ.

Các phương pháp chẩn đoán khác

Siêu âm Doppler xuyên sọ: giúp đánh giá các mạch máu đoạn gần động mạch não giữa, động mạch cảnh đoạn trong sọ, động mạch sống nền.

Siêu âm tim: khi nghi ngờ huyết khối từ tim gây tắc mạch.

Chụp X quang ngực.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital