Bệnh glocom cườm nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta cũng như trên thế giới bên cạnh đục thủy tinh thể và các bệnh đáy mắt. Vậy bệnh có những triệu chứng gì và những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh? Cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh glocom
1.1. Định nghĩa
Bệnh glocom hay còn gọi là cườm nước, glaucoma, thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực trong mắt tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương.
Thông thường mắt của chúng ta có dạng một quả cầu với đường kính khoảng 2cm, chứa một loại nước gọi là thủy dịch được lưu thông thường xuyên để nuôi dưỡng nhiều bộ phận bên trong. Sự lưu thông này luôn được giữ ở trạng thái cân bằng, khi thủy dịch được sản xuất và thoát ra khỏi mắt qua những lỗ nhỏ ở phía trước để vào cơ thể. Nếu những lỗ thông này bị hẹp hay bít kín thì thủy dịch sẽ ứ lại làm tăng nhãn áp, làm tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
1.2. Nguyên nhân
Đối với hầu hết trường hợp, nguyên nhân của bệnh glocom không được chỉ ra rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng nhãn áp hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh. Đây gọi là glocom nguyên phát. Khi xác định được nguyên nhân gọi là glocom thứ phát và một vài nguyên nhân thứ phát có thể kể đến như:
– Nhiễm trùng.
– Viêm.
– Khối u.
– Đục thủy tinh thể lớn.
– Người phẫu thuật điều trị bệnh đục thủy tinh thể.
Bên cạnh đó một vài yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
– Tính di truyền.
– Tuổi tác và sắc tộc.
– Cận thị nặng.
– Tăng huyết áp.
– Hút thuốc lá nhiều.
– Giác mạc mỏng.
1.3. Triệu chứng
Triệu chứng biểu hiện với mỗi thể glocom sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:
Glocom góc đóng cơn cấp
Các triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột, dữ dội bao gồm
– Đau nhức mắt lan đến đỉnh đầu.
– Nhãn cầu căng cứng.
– Chảy nước mắt, mắt đỏ và có hiện tượng sợ ánh sáng.
– Thị lực giảm thậm chí mất hẳn, nhìn mờ như nhìn qua sương, nhìn các vật phát sáng có quầng xanh đỏ.
– Đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy và vã mồ hôi,…
Glocom góc đóng bán cấp
Các triệu chứng tương tự như trên nhưng ít dữ dội hơn, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn đau nhức mắt, nhức đầu kèm nhìn mờ. Sau đó thị lực trở lại bình thường nhưng tần suất và mức độ các cơn đau tăng dần, đồng thời giảm thị lực.
Glocom góc đóng mạn tính
Thể glocom này khá ít gặp và thường không có triệu chứng. Đa số người bệnh khi thăm khám thị lực đã giảm mạnh hoặc mất hoàn toàn.
Glocom góc mở
Thể glocom này có tiến triển khá âm thầm, lần lượt qua từng giai đoạn và bệnh nhân không nhận thấy sự giảm sút thị lực. Đa số người bệnh không cảm thấy đau nhức mắt hay đầu, một số có cảm giác căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ mịt, nhìn vật sáng có quầng xanh đỏ nhưng các biểu hiện chỉ xuất hiện thoáng qua rồi tự hết khiến người bệnh chủ quan không thăm khám. Do đó bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, rất khó khăn trong điều trị.
1.4. Biến chứng
Biến chứng phổ biến nhất của glocom là mất thị lực vĩnh viễn. Tuy nhiên tùy vào tình trạng và giai đoạn bệnh khi người bệnh đến khám và điều trị, nếu được theo dõi và kiểm soát thường xuyên, người bệnh có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mù lòa cũng như kiểm soát diễn biến bệnh và tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.
2. Bệnh glocom cườm nước: Đối tượng nguy cơ cao và cách chẩn đoán
2.1. Các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh glocom cườm nước
Một số đối tượng nguy cơ cao cao có thể kể đến:
– Người trên 40 tuổi nhưng phổ biến nhất là độ 70 – 80 tuổi. Ở người lớn tuổi, những triệu chứng của glocom dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão thị. Do đó bệnh thường được phát hiện muộn khi mắt đã mờ hẳn và các tổn thương thần kinh thị giác không thể phục hồi.
– Người có bệnh sử gia đình mắc glocom. Bệnh không lây từ người sang người nhưng có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình đã có người mắc glocom cườm nước thì tỉ lệ mắc bệnh của người thân cao cấp 5 – 6 lần bình thường.
– Phụ nữ hay lo nghĩ và căng thẳng.
– Người cận hoặc viễn thị.
– Người mắc bệnh đái tháo đường hoặc huyết áp cao.
– Người có tiền sử sử dụng thuốc nhóm steroid trong thời gian dài.
– Người từng có chấn thương tại mắt và phẫu thuật.
2.2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh glocom cườm nước
Tùy vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp chẩn đoán phù hợp. Một vài phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh glocom cườm nước bao gồm:
– Đo thị lực: Đo lường mức độ nhìn thấy vật ở những khoảng cách khác nhau.
– Đo thị trường: Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi, từ đó hỗ trợ bác sĩ xác nhận triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi. Đây cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.
– Soi đáy mắt: Sử dụng ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra võng mạc và thần kinh thị giác, từ đó phát hiện các vấn đề về mắt.
– Đo nhãn áp: Đây là phương pháp đo áp lực bên trong mắt bằng cách sử dụng những dụng cụ đặc biệt, từ đó phát hiện bệnh tăng nhãn áp.
– Kiểm gia giác mạc: Đo độ dày của giác mạc người bệnh.
– Chụp cắt lớp dây thần kinh: Phương pháp kiểm tra, phát hiện tổn thương đầu dây thần kinh thị giác và các lớp sợi thần kinh tại võng mạc.
Nhìn chung để có thể phát hiện sớm bệnh glocom cườm nước, khi mắt có dấu hiệu mờ và đau nhức, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa, thực hiện các chẩn đoán phù hợp để xác định bệnh và lên phác đồ điều trị hiệu quả. Với các đối tượng trên 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính và làm việc trong môi trường căng thẳng cần thực hiện khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường, nguy cơ tiềm ẩn.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh glocom cườm nước như nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh, các đối tượng có nguy cơ cao và phương pháp chẩn đoán bệnh. Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bạn giải đáp được thắc mắc của bản thân. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp nhanh nhất.