Dị vật tai mũi họng – Xử lý nhanh, tránh biến chứng

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Nguyễn Chí Trung

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Dị vật tai mũi họng dễ xảy ra nhưng dường như lại không được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, việc xử lý dị vật tai mũi họng nếu để chậm trễ hoặc không kịp thời có thể để lại nhiều hệ lụy như viêm nhiễm hô hấp trên, đặc biệt là vấn đề tổn thương nội sọ, phổi, phế quản cùng những nguy hiểm đến tính mạng khi tắc nghẽn đường thở. Chính vì thế, đây là những tai nạn không thể không đề phòng.

1. Nhận biết nhanh các triệu chứng dị vật ở tai mũi họng

1.1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng dị vật họng

Dị vật họng có tỷ lệ mắc phải lớn nhất trong hệ thống dị vật tai mũi họng và có những dấu hiệu khá điển hình. Tùy từng trường hợp, mà những dấu hiệu này có thể rõ ràng hoặc khó nhận biết, nhưng thông thường, người bệnh sẽ xuất hiện các biểu hiện như:

– Cảm giác nghẹn, khó nuốt, nuốt vướng vì dị vật mắc trong họng của người bệnh. Điều này khiến người bệnh khi cố nuốt thường có biểu hiện sắp nôn. Biểu hiện nôn trớ khi bị hóc dễ xảy ra ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn.

– Tình trạng đau họng, đau tại vị trí bị mắc hóc. Đây là biểu hiện khá quen thuộc và dễ nhận thấy ngầm biểu thị vấn đề dị vật mắc lại trong cổ họng. Trong trường hợp dị vật đi sâu vào đường thở, tình trạng đau này có thể giảm đi. Do đó, việc giảm đau họng không phải là dấu hiệu cho biết dị vật họng đã được giải quyết.

dị vật tai mũi họng

Dị vật họng gây nhiều triệu chứng phiền toái

– Ho nhiều, ho khan khi dị vật mắc ở họng hoặc rơi xuống đường thở. Ho là hành động phản ứng lại khi bị dị vật kịch thích trong hô hấp. Do đó, khi bị hóc, người bệnh thường ho nhiều. Tình trạng đặc biệt: dị vật rơi xuống đường thở, đâm vào đường thở có thể khiến người bệnh không thể ho, nói mà tắc thở, ngất.

– Chảy máu khi dị vật đâm vào niêm mạc hầu họng. Điều này khiến nước bọt thường có màu hồng nhạt. Tình trạng này cũng dễ nhận biết ở trẻ vì trẻ nhỏ khi hóc thường kèm theo hiện tượng chảy nước dãi. Nước dãi có màu hồng khi đó báo hiệu dị vật đâm vào niêm mạc hầu họng gây chảy máu.

– Tình trạng khó thở do dị vật, thường là vì dị vật to choán hết đường thở gây khó thở hoặc dị vật đâm vào đường thở. Ngoài ra, trong trường hợp dị vật mắc trong đường thở lâu ngày, chúng có thể làm sưng, phù nề đường thở gây khó thở, thậm chí là tắc thở rất nguy hiểm đến tính mạng.

1.2. Những triệu chứng của người bị dị vật mũi

Dị vật mũi nhỏ có thể không gây cảm giác khó chịu hay thể hiện những triệu chứng rõ ràng với người bệnh. Những dị vật như vậy cũng thường khá dễ xử lý. Trong khi đó, dị vât mũi điển hình thường mang đến cảm giác cộm, khó chịu trong mũi. Trẻ em khi này thường hay dụi mũi vì cảm giác ngứa ngáy khi có dị vật ở mũi. Ngoài ra, tình trạng dị vật mũi cũng thường kèm theo dịch mũi chảy bên cánh mũi có dị vật. Nếu dị vật sắc nhọn đâm vào mũi, mũi sẽ có hiện tượng chảy máu. Do đó, chúng ta nên để ý đến những vấn đề này.

Ngoài ra, dị vật mũi có thể trở thành dị vật đường thở khi dị vật rơi từ mũi xuống khu vực này. Khi đó, những dấu hiệu dị vật đường thở như: ho, đau họng, khó thở, … ở  họng sẽ dễ dàng xảy ra với người bệnh.

1.3. Nhận biết khi bị dị vật ở tai

Dị vật tai có khả năng xuất hiện ít hơn so với dị vật mũi họng, thường xảy ra trong tai nạn dị vật sống chui vào tai khi ngủ hoặc khi bơi lội. Dạng chủ yếu của tai nạn dị vật tai là trẻ em nghịch và nhét đồ vật vào trong tai. Một số trường hợp phổ biến gây dị vật tai là tai nạn các hạt bắn vào tai hoặc dị vật sót lại do ngoáy tai bằng tăm bông.

Dị vật tai cũng gây cảm giác cộm ngứa bất thường ở tai. Kèm theo đó, người bị dị vật tai dễ nghe kém do dị vật chắn đường âm thanh đi vào tai. Sự xuất hiện bất thường của dị vật là nguyên nhân lớn gây tình trạng ù tai cho người bệnh. Ngoài ra, dị vật lâu trong tai hoặc dị vật sắc nhọn có thể làm xước tai, gây viêm nhiễm ống tai. Thậm chí, dị vật cũng có thể đâm thủng màng nhĩ, gây cảm giác đau và nghe kém và nguy cơ điếc tai nếu không được điều kịp thời.

dị vật họng

Dị vật tai có thể gây viêm nhiễm, thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực

2. Xử lý nhanh, đề phòng các biến chứng dị vật ở tai mũi họng

2.1. Cẩn trọng trước các biến chứng gây ra từ vấn đề dị vật tai mũi họng

Dị vật xuất hiện trong tai mũi họng có thể để lại nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được xử lý nhanh chóng. Tình trạng dị vật ở các bộ phận này đều có thể là nguyên nhân hình thành nên vấn đề viêm nhiễm xung quanh tai mũi họng như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai ngoài, viêm tai giữa,… Những vấn đề về viêm nhiễm hệ hô hấp trên khi không giải quyết nhanh sẽ để lại biến chứng viêm nhiễm lan rộng là điều mà mọi người cần chú ý.

Dị vật ở tai khi xuất hiện viêm nhiễm có thể gây ảnh hưởng xương chũm và nội sọ cũng như các dây thần kinh quanh tai. Trong khi đó, dị vật mũi họng có thể trở thành dị vật đường thở với nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, phù nề đường thở, bít tắc đường thở gây ngạt thở, tắc thở và dẫn đến tử vong. Do đó, các hiện tượng dị vật ở tai mũi họng đều cần hết sức đề phòng.

2.2. Xử trí đúng cách khi gặp vấn đề dị vật xuất hiện trong tai mũi họng

Có một số thao tác nên làm để kiểm tra và lấy dị vật tai mũi họng ra. Ví dụ, với dị vật tai, thử nghiêng đầu theo hướng dị vật có thể lăn ra ngoài khỏi ống tai không hoặc thử đến nơi tối và bật đèn pin qua ống tai để dị vật sống ra ngoài tai. Với người lớn có dị vật mũi nhỏ, không sâu, vị trí ngay bên ngoài cánh mũi, hãy thử hít vào bằng đường miệng và xì ra theo ống mũi có chứa dị. Còn với dị vật họng, hãy thử kiểm tra bằng việc quan sát xem dị vật có ở vùng thành miệng không. Nếu có, hãy nhờ người có chuyên môn sử dụng kẹp y tế để gắp ra đúng cách mà không gây ảnh hưởng đến các niêm mạc và bộ phận khác.

Hầu hết các trường hợp dị vật ở tai mũi họng đều có thể xử lý nhanh mà không cần thời gian lưu viện điều trị. Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc điều trị có thể trì hoãn với người bệnh. Bên cạnh đó, việc tự lấy dị vật sai cách có thể để lại những hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe và làm việc điều trị sau này càng khó khăn hơn. Do đó, để an tâm vấn đề sức khỏe củng mình, nên sớm đến các cơ sở y tế để được lấy dị vật đúng cách.

2.2.1. Điều trị khi gặp vấn đề dị vật họng

Dị vật họng hoặc dị vật đường thở trước khi xử lý thường được các bác sĩ xác định hình dạng, kích thước, vị trí để gắp dị vật. Trong những trường hợp đặc biệt, việc nội soi hoặc phẫu thuật có thể là cách duy nhất để lấy dị vật hầu họng.

Ngoài ra, một số kỹ thuật sơ cứu dị vật họng và dị vật đường thở thường được áp dụng nhằm đẩy dị vật ra bên ngoài như phương pháp vỗ lưng – ấn ngực với trẻ em dưới 2 tuổi hay nghiệm pháp Heimlich với người lớn hơn,… Đây là những cách cơ bản trong sơ cứu dị vật đường thở, được các bác sĩ hướng dẫn thực hiện tại chỗ khi dị vật đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

2.2.2. Xử lý các vấn đề dị vật mũi

Dị vật mũi đơn giản có thể lấy nhanh bằng thao tác xì cánh mũi có dị vật. Tuy nhiên, với trẻ em, điều này khá khó thực hiện. Thêm nữa, dị vật mũi xử lý không khéo lại dễ bị hút sâu vào trong mũi hơn, khó lấy và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Do đó, nên sớm đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị đúng cách với tình trạng dị vật mũi này.

Với tình trạng dị vật sống, dị vật gây thương tổn, dị vật lớn,… cần sớm đến các cơ sở Y khoa Tai Mũi Họng sớm để giải quyết vấn đề dị vật và tránh những biến chứng mà dị vật gây ra.

dị vật ở trong tai mũi họng

Đến các cơ sở Tai Mũi Họng uy tín để được thăm khám, điều trị lấy dị vật

2.2.3. Gắp dị vật tai đúng cách

Dị vật sống trong tai cần được làm bất hoạt trước khi gắp ra khỏi tai. Bên cạnh đó, các trường hợp nghi thủng màng nhĩ, viêm nhiễm,… cần được xác định trước khi sử dụng cách bơm nước đẩy dị vật. Một số tình huống dị vật tai có thể cần đến kỹ thuật tạo đường mổ từ sau tai để phẫu thuật lấy dị vật. Những điều này sẽ được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và chỉ định phương pháp trước khi thực hiện thao tác lấy dị vật.

Các trường hợp dị vật tai mũi họng không nên để lâu bởi biến chứng của chúng có thể rất phức tạp. Thêm vào đó, việc xử lý không đúng cách khi gặp tình trạng dị vật sẽ khiến việc điều trị khó khăn hơn. Do đó, bệnh nhân nên nhờ đến các bác sĩ Tai Mũi Họng để khám và thực hiện gắp dị vật cho mình đúng cách, tránh những tổn thương không cần thiết do dị vật gây nên.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital