Nếu bạn thấy mặt căng phù, mí mắt nặng khi ngủ dậy, bàn chân phù mềm, trắng, ấn vào thấy lõm và không trở về hình dạng ban đầu ngay khi bỏ tay ra, phù vào thời điểm nhất định trong ngày, thường là về chiều, đi giày dép chật, tăng cân…, thì đừng chủ quan bởi rất có thể đây là dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch.
Phù là dấu hiệu suy tim thường gặp. Cơ chế phù trong suy tim như sau: Khi tim suy yếu, giảm sức co bóp, kéo theo giảm khả năng tống máu khỏi tim, và hút máu trở về tim. Máu ứ lại ở tĩnh mạch, khiến dịch tích tụ tại các mô gây phù.
Ngoài ra thận không nhận đủ lượng máu cần thiết cũng gây giảm khả năng đào thải muối và nước khiến dịch bị giữ lại trong các mô. Bên cạnh triệu chứng phù, người bệnh suy tim còn có thể bị khó thở khi nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ nổi, mệt mỏi thường xuyên, ho khan…
Ngoài bệnh tim, còn rất nhiều nguyên nhân có thể gây phù như bệnh về thận, suy dinh dưỡng, nhiễm độc, xơ gan, mang thai,… Người bệnh có thể phù toàn thân hoặc cục bộ ở bàn chân, mắt cá, cẳng chân. Thông thường, triệu chứng phù xuất hiện kín đáo và từ từ, tăng dần theo mức độ của bệnh. Nhưng đôi khi, triệu chứng này cũng có thể xuất hiện đột ngột.
Các chuyên gia Tim mạch TCI khuyến cáo: Khi thấy sưng phù các vị trí trên cơ thể, bạn cần thăm khám sớm và thực hiện các chẩn đoán như siêu âm tim, chụp CT mạch vành, chụp MRI tim,… để xác định chính xác nguyên nhân gây phù có phải do suy tim hay do các bệnh lý nào khác, từ đó điều trị đúng hướng.
Cùng theo dõi video để tìm hiểu thêm về triệu chứng này nhé!