Mắt là bộ phận nhạy cảm nếu không giữ gìn vệ sinh tốt thì rất dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến các bệnh lý về mắt như: mọc lẹo, viêm mí mắt,… Trong đó, viêm mí mắt dưới là bệnh lý thường gặp và gây ra nhiều khó chịu cho người mắc. Bạn cũng dễ nhầm lẫn bệnh này với các bệnh lý khác thường gặp về mắt. Dưới đây là các thông tin cần biết về bệnh và cách điều trị bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tác nhân gây viêm mí mắt dưới
Đây là bệnh lý về mắt thường gặp ở mọi lứa tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mi mắt bị vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm mi nhưng dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu thường gặp:
– Rối loạn tuyến nhờn mi mắt: Tuyến nhờn này nằm ngay chân lông mi, rối loạn tuyến nhờn khiến lỗ chân lông bị bít tắc, vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng viêm
– Không giữ gìn vệ sinh mi mắt khiến vi khuẩn dễ tấn công hơn. Đặc biệt dễ mắc hơn khi bạn vệ sinh vùng mí mắt không kỹ khi trang điểm hoặc sử dụng các biện pháp làm đẹp như nối mi
– Dị ứng mỹ phẩm: Các loại phấn, kem, chuốt mi tiếp xúc gần mi mắt có thể trở thành tác nhân gây tổn thương dẫn đến viêm
– Đã có tiền sử mắc các bệnh lý viêm bờ mi
– Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi có khả năng cao mắc nếu không có các biện pháp bảo vệ
2. Dấu hiệu nhận biết dễ dàng
Bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về mắt khác như: viêm kết mạc hay mắt mọc lẹo. Bởi các bệnh lý này có biểu hiện bệnh tương đồng.
Có nhiều hình thái bệnh biểu thị mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thông thường có 3 hình thái biểu hiện bệnh nhẹ tới nặng như sau:
– Mi mắt dưới sưng đỏ, nổi cục, có vảy, cảm giác vướng mí nhẹ. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở bên trong hoặc bên ngoài mí mắt dưới
– Các nốt nổi gây ngứa, sưng đỏ, tiết nhiều tiết tố khiến mi bị bám dính. Lúc này bờ mi chưa bị loét
– Mí mắt tấy đỏ, ngứa, đau rát, bắt đầu có các vết loét
Bệnh không gây giảm, mất thị lực hay các hậu quả nghiêm trọng nhưng lại dễ tái phát gây khó chịu. Cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để có phương án điều trị phù hợp và nhanh chóng. Nếu để bệnh dai dẳng dễ trở thành tiền đề, tạo điều kiện cho các bệnh lý khác tấn công đôi mắt bạn.
3. Điều trị viêm mí mắt khoa học
3.1. Biện pháp vệ sinh, hạn chế tình trạng viêm mí mắt dưới nặng hơn
Như đã đề cập, cần phát hiện sớm các dấu hiệu để có các biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế các tác động tiêu cực lên mắt. Tùy vào chuyển biến của bệnh mà bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp, đồng thời thực hiện các biện pháp dưới đây:
– Dùng kính bảo hộ tránh tác động của khói bụi. Dừng sử dụng kính áp tròng với mục đích làm đẹp và sử dụng kính gọng thông thường thay thế trong trường hợp mắc cận thị, viễn thị, loạn thị,…
– Vệ sinh mi mắt bằng các vật dụng y tế như gạc, bông,… tránh sử dụng các loại khăn chà sát. Chú ý rửa bằng nước muối sinh lý, nước ấm giúp bong lớp vảy và giảm tiết nhờn
– Dùng khăn ấm chườm lên vùng mí mắt bị sưng viêm
Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng đảm bảo giữ mi mắt sạch sẽ mà tình trạng viêm mí mắt dưới vẫn có chiều hướng nặng hơn thì hãy gặp các bác sĩ chuyên khoa
3.2. Điều trị bệnh viêm mí mắt dưới an toàn hơn khi gặp bác sĩ
Các bác sĩ sẽ tư vấn và có hướng điều trị tốt hơn như:
– Sử dụng các loại kháng sinh dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi. Các loại thuốc này giúp kháng viêm, giảm sưng đỏ. Bạn cần đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tra thuốc
– Trường hợp viêm nặng, sưng tấy quá lớn, gây ngứa đau rát cần can thiệp sâu hơn bằng cách chích lấy mủ. Phương pháp này chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn. Bạn cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín tránh các biến chứng nguy hiểm
– Với trường hợp viêm mạn tính có thể được chỉ định dùng nước mắt nhân tạo
4. Phòng tránh bệnh như thế nào
Bệnh gây nên bởi vi khuẩn và nấm sinh sôi do thói quen vệ sinh vùng mắt không khoa học. Do đó, để phòng bệnh, bạn hãy đảm bảo làm tốt việc giữ gìn vệ sinh tay và mắt:
– Luôn vệ sinh tay sạch sẽ mỗi khi tiếp xúc với mắt
– Với trẻ em cần đảm bảo các em không dụi tay lên mắt khi thấy ngứa mi. Điều này đúng với cả người lớn bởi dụi mắt có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn
– Cuối ngày nên tẩy trang sạch sẽ dù có trang điểm hay không để loại bỏ bụi bẩn tích tụ. Bạn có thể sử dụng nước tẩy trang hoặc dầu tẩy trang chuyên dụng. Hãy đảm bảo rửa sạch lớp dầu tẩy trang bằng nước ấm để mi mắt luôn thoáng sạch
– Dùng các sản phẩm trang điểm chất lượng tốt và dừng sử dụng khi có dấu hiệu bị viêm
– Sử dụng tách biệt khăn lau mặt với khăn tắm và khăn lau tóc để đảm bảo giữ gìn vệ sinh tốt nhất
– Tập thói quen dùng kính bảo hộ giảm thiểu tác hại của khói bụi
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng tác động không nhỏ. Hãy chú ý bổ sung các thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết như omega 3 có lợi cho tuyến Meibomius. Tuyến này ổn định thì bờ mi mắt của bạn mới luôn khỏe mạnh và tránh tình trạng khô mắt.
Phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh, môi trường sống hiện nay ô nhiễm, khói bụi gây hại lớn tới đôi mắt. Để giữ đôi mắt luôn sáng và khỏe mạnh, bạn đừng quên giữ gìn vệ sinh và cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho đôi mắt. Nếu bạn vô tình mắc phải bệnh lý về mắt hay cụ thể là viêm mí mắt dưới thì hãy tiến hành gặp bác sĩ kịp thời. Đặc biệt, bạn hãy chọn các cơ sở y tế uy tín để gửi gắm niềm tin và chữa bệnh như Hệ thống y tế Thu Cúc TCI. Chúng tôi rất vui khi được đồng hành cùng bạn trong quá trình khám chữa các bệnh về mắt và giữ gìn đôi mắt sáng ngắm nhìn thế giới.