Việc tiêm phòng vắc xin trong thời gian qua đã góp phần tích cực phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong một số tình huống hi hữu, đã xảy ra một số trường hợp sốc phản vệ, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy, chúng ta cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin và cách xử trí để đảm bảo quá trình tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ về tình trạng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin
1.1. Thế nào là sốc phản vệ?
Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng cấp tính, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, vắc xin, nọc độc,… Đây là một phản ứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Khi bị sốc phản vệ, hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, bít hẹp đường thở, gây khó thở, huyết áp giảm đột ngột.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng sốc phản vệ cụ thể bao gồm:
– Mày đay, phù mạch nhanh.
– Khó thở, tức ngực, thở rít.
– Đau bụng hoặc nôn.
– Tụt huyết áp hoặc ngất.
– Cảm giác chóng mặt, xây xẩm hay đứng không vững do hạ huyết áp.
– Rối loạn ý thức (biểu hiện là quấy khóc kéo dài, kích thích, khóc thét, li bì…)
– Tay chân lạnh, vã mồ hôi.
Nếu phát hiện cơ thể có những dấu hiệu trên, cần được cấp cứu khẩn cấp để tránh nguy cơ có thể gây tử vong.
1.2. Phân loại mức độ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin
Phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin có thể chia thành các mức độ như sau:
– Mức độ 1: Đây là các phản ứng nhẹ như xuất hiện các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
– Mức độ 2: Các triệu chứng dần ảnh hưởng toàn thân như xuất hiện mề đay, phù mạch nhanh, cảm thấy khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi hay đau bụng, nôn, ỉa chảy, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
– Mức độ 3: Ở mức độ này, các phản ứng trở nên nặng nề hơn hẳn. Phản ứng phản vệ thậm chí ảnh hưởng hô hấp, tuần hoàn và ý thức như xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản, thở nhanh, khò khè, da dẻ tím tái, rối loạn ý thức vật vã, rối loạn nhịp thở, hôn mê, co giật, sốc, tụt huyết áp, mạch nhanh nhỏ.
– Mức độ 4: Đây là mức độ nguy hiểm nhất và nặng nhất, có nguy cơ làm ngưng tuần hoàn và hô hấp.
2. Cách thức phòng ngừa và xử trí khi bị sốc phản vệ
2.1. Cách thức phòng ngừa nguy cơ bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin
Sử dụng vắc xin được bảo quản đúng quy định
Vắc xin có thể được bào chế từ vi khuẩn, virus hay độc tố của chúng hoặc được tái tổ hợp từ các kháng nguyên đặc hiệu. Do đó, việc bảo quản vắc xin là vấn đề vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng vắc xin cũng như độ an toàn, tránh các phản ứng sốc phản vệ nguy hiểm sau khi tiêm vắc xin.
Theo dõi sau tiêm chủng để phát hiện nguy cơ sốc phản vệ
Việc theo dõi sau tiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp phòng ngừa nguy cơ sốc phản vệ. Người tiêm vắc xin phải ở lại ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các biến chứng sau tiêm vắc xin sớm và nặng như phản ứng sốc phản vệ.
Trong trường hợp đã về nhà, người nhà và người tiêm sẽ được hướng dẫn theo dõi các phản ứng tại nhà từ 24 đến 48 giờ. Nếu có các triệu chứng bất thường phải báo ngay cho bác sĩ và đưa đi cấp cứu kịp thời. Thực tế, đã có những trường hợp xuất hiện tình trạng sốc phản vệ sau khi về nhà, được gia đình phát hiện sớm và đưa vào viện cấp cứu kịp thời.
2.2. Xử trí khi bị sốc phản vệ như thế nào?
Tất cả trường hợp sốc phản vệ cần được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất 24 giờ. Trong những trường hợp này, adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng đầu tiên giúp cứu sống người bệnh bị sốc phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.
Phản ứng phản vệ sau tiêm phòng vắc xin mặc dù hiếm gặp nhưng diễn tiến nhanh và có thể ảnh hưởng tính mạng. Vì vậy, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau tiêm cần được đưa ngay đến cơ sở ý tế gần nhất để cấp cứu và điều trị. Nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng sau này.
3. Lưu ý khi tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng nguy cơ cao
Dưới đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao sốc phản vệ và các phản ứng nguy hiểm khác sau khi tiêm vắc xin cần được lưu ý:
3.1. Người đã có phản ứng mạnh với lần tiêm vắc xin trước
Cần phải hết sức thận trọng khi tiêm vắc xin cho người đã từng có phản ứng mạnh sau khi tiêm vắc xin. Khi tiêm cho những đối tượng này cần được thực hiện tiêm trong các bệnh viện để theo dõi tốt hơn và dễ dàng xử trí kịp thời khi gặp phản ứng nặng xảy ra.
3.2. Người có nguy cơ nhiễm khuẩn đặc biệt
Với những trường hợp mắc các bệnh như sau rất dễ có nguy cơ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Cần cân nhắc, xem xét và chỉ định tiêm vắc xin một cách thận trọng với những đối tượng này. Cụ thể bao gồm:
– Hen phế quản.
– Bệnh tim hoặc phổi mạn tính.
– Hội chứng Down.
– Nhiễm HIV.
– Trẻ sinh thiếu tháng.
3.3. Phụ nữ có thai
Không dùng các loại vắc xin sống cho phụ nữ có thai vì các loại vắc xin này có thể gây hại cho thai nhi. Tuy vậy, trong tình hình thai phụ có nguy cơ bị phơi nhiễm nghiêm trọng với bệnh sởi hoặc sốt vàng thì có thể vẫn được tiêm phòng nhưng cần theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế.
Ngoài ra với vắc xin phòng rubella, các bác sĩ đều khuyên phụ nữ chỉ nên có thai sau khi đã tiêm vắc xin này được ít nhất 3 tháng.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin và cách xử trí để đảm bảo quá trình tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến việc tiêm vắc xin, quý khách có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.