Dấu hiệu của bệnh trĩ và những cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Vũ Văn Hải

Bác sĩ Ngoại Khoa

Bệnh trĩ có những dấu hiệu đặc trưng gây ra nhiều phiền toái và khó chịu cho người bệnh. Vậy dấu hiệu của bệnh trĩ ra sao, có thể điều trị như thế nào để chấm dứt nỗi ám ảnh thầm kín này cho người bệnh một cách triệt để.

1. Bệnh trĩ là gì, tại sao lại mắc bệnh trĩ?

1.1. Khái niệm bệnh trĩ

Trĩ là bệnh lý hậu môn – trực tràng phổ biến đến mức dân gian thường cho rằng “Thập nhân cửu trĩ” – cứ 10 người thì 9 người bị trĩ. Vậy có thể hiểu bệnh trĩ như thế nào?

Theo các chuyên gia, bệnh trĩ có đặc trưng là các búi trĩ nằm ở khu vực hậu môn, hình thành do sự giãn nở quá mức của các tĩnh mạch hậu môn trực tràng. Sự giãn nở này được giải thích theo hai cơ chế: do ứ huyết tại các mạch máu hậu môn và do áp lực quá lớn từ ổ bụng xuống trực tràng – hậu môn, dẫn đến hình thành bệnh trĩ.

Bệnh trĩ thường được chia ra thành trĩ nội (nằm trong ống hậu môn – trên đường lược) và trĩ ngoại (ngoài ống hậu môn – dưới đường lược). Sự kết hợp của hai loại trĩ này được gọi là trĩ hỗn hợp.

Trĩ nói chung được phân ra 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 – giai đoạn bệnh mới chớm, cấp độ 2,3 – giai đoạn bệnh tiến triển và nặng dần, và cấp độ 4 – khi bệnh hoàn toàn trở nặng. Các dấu hiệu của bệnh trĩ cũng có sự thay đổi và tiến triển nhất định qua các giai đoạn.

Dấu hiệu của bệnh trĩ

Bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái và vướng víu cho người mắc

1.2. Tại sao lại mắc bệnh trĩ – những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh trĩ, trong đó, các chuyên gia đưa ra các nhóm nguyên nhân như sau:

Người bị táo bón kéo dài và không có biện pháp điều trị

Tình trạng táo bón thường là hệ quả của tình trạng thiếu hụt chất xơ do ăn quá ít rau xanh, quả chín, hoặc thực đơn có nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn chiên rán dầu mỡ,… Ngoài ra, việc lạm dụng thực phẩm quá nhiều đạm và thói quen uống ít nước cũng là những tác nhân chính gây ra táo bón.

Táo bón thường dẫn đến hiện tượng phân bị cứng lại. Bệnh nhân sẽ phải rặn mạnh mới có thể đẩy phân ra bên ngoài, việc rặn mạnh làm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn tăng cao và giãn nở. Ngoài ra, khi rặn mạnh, tình trạng ứ trệ máu trong các đám rối tĩnh mạch trĩ xuất hiện, kèm theo tổn thương dây chằng cố định hậu môn dẫn đến tình trạng trĩ.

Ổ bụng bị tăng áp lực do nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ

Ổ bụng tăng áp lực có thể do một số nguyên nhân sau đây:

– Bệnh lý khác có liên quan như ho nhiều, ho mạn tính, bệnh nhân bị bí đái do u xơ tiền liệt tuyến.. Các bệnh lý này đều có thể gây tăng áp lực lên ổ bụng và gây ra bệnh trĩ.

– Nguyên nhân khác làm việc nặng nhọc, công việc có đặc thù cần đứng lâu, ngồi nhiều…gây áp lực trong ổ bụng tăng, cản trở sự hồi lưu tĩnh mạch, bệnh trĩ sẽ dần xuất hiện. Những đối tượng mắc trĩ trong nhóm nguyên nhân này là người làm công việc văn phòng, tài xế, hay những người làm công việc vận chuyển đồ nặng,..

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở những người thường xuyên bê vác vật nặng

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở những người thường xuyên bê vác vật nặng

Yếu tố tăng nguy cơ bệnh trĩ: Thai kỳ và quá trình sinh nở ở phụ nữ

Các dấu hiệu của bệnh trĩ có thể xuất hiện trong thai kỳ, điều này được giải thích theo nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thai phụ dễ bị táo bón do hơn bổ sung nhiều vi chất vào cơ thể, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ táo bón. Thứ hai, do thai nhi tăng kích thước nên dẫn đến tình trạng cản trở dòng máu tĩnh mạch, tiếp đó gây ứ máu ở các đệm hậu môn.

Khi sinh nở, những sản phụ bị trĩ cần chú ý vì việc rặn sinh có thể kích thích búi trĩ sa ra ngoài.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ bị trĩ

Một số nghiên cứu đã chứng minh được tỷ lệ bệnh nhân trĩ là nữ giới cao hơn so với nam giới, chiếm khoảng 60% các ca bệnh. Ngoài ra, tuổi tác cũng là yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc bệnh, người trung niên trở lên có nguy cơ mắc cao hơn so với người trẻ.

Bên cạnh đó, một số tình trạng có thể gây bệnh trĩ như: việc quan hệ tình dục bằng “cửa sau” – xâm nhập hậu môn, một số người bị tăng trương cơ lực thắt hay hệ quả của dùng chất kích thích, rượu bia,. quá độ.

2. Dấu hiệu của bệnh trĩ: các triệu chứng biểu hiện thế nào?

2.1. Nhận biết các dấu hiệu của bệnh trĩ nội như thế nào?

Bệnh trĩ nội có dấu hiệu cực kỳ đặc trưng là chảy máu khi đại tiện. Máu có đặc điểm là màu đỏ tươi do giàu oxy, không lẫn vào trong phân và sẽ tăng dần về lượng khi các cấp độ tăng dần. Người bị trĩ nội nặng có thể chảy máu nhỏ giọt hoặc thậm chí là cả tia.

Ngoài dấu hiệu chảy máu, người bệnh có thể nhận biết trĩ qua biểu hiện như ngứa ngáy hậu môn, tình trạng cộm rát, vướng víu, hậu môn nhớp nháp chảy dịch. Đặc biệt, búi trĩ sẽ sa ra dần theo thời gian, khi này người bệnh có thể dễ dàng nhận biết bệnh.

2.2. Nhận biết dấu hiệu của bệnh trĩ ngoại ra sao?

Bệnh trĩ ngoại có đặc trưng là gây đau đớn dữ dội hơn so với trĩ nội. Nguyên nhân là vì các búi trĩ nằm bên ngoài rất dễ cọ xát với trang phục, bề mặt cứng khi ngồi,… Bởi vậy, trĩ ngoại có thể gây đau đớn ngay từ thời điểm bệnh mới chớm. Ngoài ra, trĩ ngoại cũng có các đặc điểm chung của bệnh trĩ như: búi trĩ sa, hậu môn nhớp nháp chảy dịch, khó chịu vướng víu,..

Đối với bệnh trĩ hỗn hợp, chúng hình thành khi búi trĩ nội đã sa ra ngoài và kết hợp với các búi trĩ ngoại bên ngoài, mang đầy đủ đặc điểm của hai loại trĩ và thường gây khó khăn trong điều trị hơn.

Bệnh trĩ ngoại thường gây đau đớn dữ dội cho bệnh nhân

Bệnh trĩ ngoại thường gây đau đớn dữ dội cho bệnh nhân

3. Có thể điều trị bệnh trĩ như thế nào?

Bệnh trĩ khi còn nhẹ điều trị khá đơn giản và nhanh chóng bằng cách sử dụng thuốc phù hợp được bác sĩ chỉ định. Các loại thuốc này thường được chia thành nhóm thuốc sau:

– Các loại thuốc giảm triệu chứng, giảm cảm giác đau do bệnh trĩ đem lại

– Các loại thuốc hỗ trợ nhuận tràng, giúp bệnh nhân giảm nguy cơ đau đớn khi rặn đại tiện

– Các loại thuốc tăng độ bền tĩnh mạch hậu môn, từ đó sẽ giảm tình trạng sa búi trĩ.

Giai đoạn này, bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà bằng các bài thuốc truyền miệng để rồi bỏ qua giai đoạn điều trị lý tưởng này.

Khi bệnh trĩ bước sang giai đoạn tiến triển hoặc khi bệnh đã nặng, bác sĩ có thể can thiệp bằng các biện pháp ngoại khoa nhằm loại bỏ búi trĩ triệt để. Có thể kể đến như: Mổ trĩ không dao kéo bằng công nghệ Laser Diode, mổ trĩ Longo ít xâm lấn, mổ trĩ Milligan Morgan – Ferguson,.. một số thủ thuật khác như khâu treo, thắt mạch trĩ,.. cũng được áp dụng để loại bỏ trĩ.

Nhìn chung, bệnh trĩ lành tính và có thể khỏi hoàn toàn nếu điều trị bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Bệnh nhân cần đến thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh trĩ dù còn nhẹ, để không bỏ lỡ những thời điểm vàng trong điều trị bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital