Chụp cộng hưởng từ là gì? Ưu điểm và nhược điểm

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Chụp cộng hưởng từ (MRI) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong y học. Tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc chụp cộng hưởng từ là gì? Ưu điểm và nhược điểm của MRI ra sao? Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp chụp cộng hưởng từ trong bài viết dưới đây. 

1. Phương pháp chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI – Magnetic Resonance Imaging) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép tái hiện hình ảnh giải phẫu cơ thể nhờ từ trường và sóng radio.

2. Nguyên lý hoạt động của máy chụp cộng hưởng từ

Máy chụp cộng hưởng từ sử dụng một từ trường mạnh và một hệ thống phát xung có tần số sóng radio. 

Khi các nguyên tử hydrogen trong cơ thể người gặp môi trường từ trường và sóng radio sẽ hấp thụ và phóng thích năng lượng RF. Quá trình này sẽ được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thành hình ảnh. Những hình ảnh này giúp cung cấp các thông tin về cấu trúc, hoạt động của bộ phận, cơ quan được chụp. Từ đó giúp các bác sĩ quan sát và phát hiện được những bất thường trong cơ thể người bệnh.

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp thu nhận hình ảnh giải phẫu cơ thể nhờ từ trường và sóng radio

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp thu nhận hình ảnh giải phẫu cơ thể nhờ từ trường và sóng radio

3. Ưu, nhược điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ

3.1 Ưu điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ là gì?

Chính xác

Hình ảnh mà máy chụp cộng hưởng từ MRI ghi nhận có độ tương phản cao, nhờ vậy mang đến độ sắc nét, rõ ràng và chi tiết vượt trội. Bộ xử lý có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cao đối với bệnh lý của bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, hiệu quả chẩn đoán của MRI tốt hơn rất nhiều so với các phương pháp khác như siêu âm, chụp X-quang hay chụp cắt lớp CT,…

Khảo sát được nhiều vùng khó

Chụp MRI có khả năng quan sát được cả các mô mềm và các khối u rất nhỏ, điều mà các phương pháp khác không làm được hoặc tiếp cận còn hạn chế.

Các vùng chụp MRI cơ bản và khả năng phát hiện bệnh lý tương ứng:

– Chụp MRI sọ não:

Giúp phát hiện các bệnh u não, u dây thần kinh sọ não; chẩn đoán các tai biến mạch máu não, dị dạng mạch não, chấn thương sọ não; bệnh động kinh, bệnh lý thoái hóa chất trắng, bệnh lý viêm não, viêm màng não, các dị tật bẩm sinh,…

– Chụp MRI hốc mắt:

Giúp phát hiện các tổn thương dây thần kinh thị giác, nhãn cầu,…

– Chụp MRI vùng cổ:

Để phát hiện các bệnh lý như các khối u, viêm, hạch bạch huyết, các tổn thương ở đám rối thần kinh cánh tay.

– Chụp MRI cột sống:

Giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý cột sống, đĩa đệm, dây chằng và phần mềm cạnh sống. Các bệnh lý tủy sống như viêm, chấn thương, u tủy sống,…cũng có thể được phát hiện dễ dàng nhờ kỹ thuật này.

– Chụp MRI vùng bụng – chậu:

Giúp phát hiện u gan, u đường mật, sỏi mật,…; các bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận; ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, u tử cung, sa âm đạo, u buồng trứng. Đặc biệt đánh giá được các trường hợp ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư tuyến tiền liệt,…

– Chụp MRI cơ xương khớp:

Cho thấy cấu trúc các ổ khớp, sụn khớp, xương, gân cơ và dây chằng, phát hiện sớm và xác định mức độ viêm nhiễm, thoái hóa, chấn thương, tràn dịch khớp…

– MRI tuyến vú:

Có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán sớm và chính xác các loại u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại tuyến vú.

Ngoài ra, MRI là phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán các bất thường của thai nhi, các dị tật bẩm sinh phức tạp. Chụp cộng hưởng từ đối với thai phụ thường được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp khó khăn khi tiếp cận bằng siêu âm. Đặc biệt, MRI còn được xem là công nghệ cao trong chẩn đoán các bệnh lý tim, mạch máu như: nhồi máu cơ tim, tắc hẹp mạch máu, bệnh lý hệ bạch huyết,…

Ưu điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ là gì

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp có độ chính xác cao, an toàn, nhanh chóng

An toàn

Phương pháp chụp cộng hưởng từ không sử dụng tia xạ (tía X) nên rất an toàn, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Bệnh nhân hoàn toàn không bị ảnh hưởng về mặt sinh học. Bởi vậy kể cả trẻ em, người già và phụ nữ mang thai đều có thể sử dụng. 

Ngoài ra, đây là phương pháp chụp mạch không cần tiêm thuốc cản quang. Nếu trường hợp phải tiêm cản quang thì chất tương phản hầu như không có tác dụng phụ. 

Nhanh chóng

Thời gian chụp MRI rất nhanh, khoảng 30 – 45 phút.

Thoải mái

Đây là phương pháp không xâm lấm, ít khi gây khó chịu cho bệnh nhân. Hiện nay, các loại máy công nghệ cao đã có khả năng giảm tiếng ồn tối đa, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng khi chụp chiếu. 

3.2 Nhược điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ là gì?

Tuy có rất nhiều điểm ưu việt trong chẩn đoán nhưng phương pháp chụp cộng hưởng từ vẫn có một số nhược điểm:

– Không thể sử dụng với những người mắc bệnh sợ không gian kín, chật hẹp.

– Hạn chế chụp nếu bệnh nhân có gắn các thiết bị kim loại trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, máy thính giác, răng giả,…

– Không được mang thiết bị hồi sức vào phòng chụp.

– Không nhạy bằng chụp CT khi khảo sát các tổn thương về xương, can-xi, xơ vữa động mạch có đóng vôi…

– Chi phí chụp cộng hưởng từ thường cao hơn so với các kỹ thuật khác.

4. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ?

Chụp cộng hưởng từ thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

– Khi nghi ngờ mắc bệnh về não và mạch máu não như viêm màng não, tai biến mạch máu não, động kinh, ung thư,…

– Khi mắc các bệnh về tai mũi họng, chấn thương mắt, viêm nhiễm giác mạc hoặc u,…

– Khi cần chẩn đoán các bệnh liên quan tới cột sống như ung thư tủy, thoái vị đĩa đệm, chấn thương cột sống.

– Khi mắc các bệnh về khớp như viêm khớp vai, khớp gối, cổ chân , cổ tay,…

– Khi nghi ngờ bị ung thư hay u phần mềm.

– Muốn theo dõi và kiểm tra khả năng hoạt động của gan, thận, dạ dày,… hoặc cơ quan sinh sản ở phụ nữ.

Tại các cơ sở y tế uy tính, người bệnh thường được chỉ định chụp MRI khi nghi ngờ các khối u, các bệnh lý về thần kinh, tổn thương khớp, dây chằng...

Tại các cơ sở y tế uy tính, người bệnh thường được chỉ định chụp MRI khi nghi ngờ các khối u, các bệnh lý về thần kinh, tổn thương khớp, dây chằng…

Qua những thông tin trên đây, hi vọng các bạn đã hiểu chụp cộng hưởng từ là gì và nắm được những ưu, nhược điểm của phương pháp này trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, các bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ phù hợp. Như vậy vừa có thể đạt hiệu quả tối ưu vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital