Chụp cộng hưởng từ có hại không và cần lưu ý gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại được sử dụng trong hầu hết các bệnh lý như xương khớp, thần kinh, ổ bụng, cột sống thắt lưng… Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngại không biết chụp cộng hưởng từ có hại không? Cùng tìm hiểu ngay nhé.

1. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ là gì và ưu điểm ra sao?

1.1 Chụp cộng hưởng từ MRI là như thế nào?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán y khoa sử dụng từ trường và sóng radio tạo thành hình ảnh giải phẫu cơ thể. Khác với chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính (CT), phương pháp này không sử dụng tia X nhưng vẫn có thể cho phép phát hiện các vấn đề bất thường bên trong cơ thể, kể cả những bất thường ẩn sau lớp xương.

Điểm đặc biệt đó chính là hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ  có độ phân giải cao và chi tiết về những hiện trạng của các bộ phận trên cơ thể. Chính vì thế, có thể áp dụng chẩn đoán với hầu hết các bệnh lý, đặc biệt là những bệnh lý như:

– Tổn thương các cấu trúc mô mềm như dây chằng, tủy sống

– Các bệnh lý về gan, mật, tụy…

– Các tổn thương tại những vùng xương khớp như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống cổ…

– Các bệnh lý về tim mạch vành, thần kinh

– Bệnh ung thư

1.2 Chụp cộng hưởng từ có ưu điểm gì?

Có thể nói, đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất tại thời điểm hiện nay, đem lại rất nhiều tác dụng trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh của bác sĩ, có thể kể đến các ưu điểm như:

– Nhiều chỉ định khảo sát hơn so với kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hoặc X-quang

– Không sử dụng tia bức xạ X

– Hình ảnh có độ sắc nét cao, có khả năng tái tạo 3D chi tiết

– Đánh giá tốt các tổn thương và hệ thống thần kinh

– Đánh giá tốt các cơ quan rất nhỏ bên trong hệ thần kinh hay mạch máu.

– Thời gian chụp nhanh chóng, không mất nhiều thời gian như phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Thế nào là chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ giúp xác định các vấn đề bên trong cơ thể chính xác

2. Vậy việc chụp cộng hưởng từ có hại không?

Chụp cộng hưởng từ đang ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chụp cộng hưởng từ có hại hay không?. Đến nay, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ tác hại nào của kỹ thuật này đối với cơ thể, thậm chí nó còn tương đối an toàn, chính xác và không xâm lấn.

Hiện nay, đây cũng là phương pháp đang được áp dụng để thay thế cho những phương pháp sử dụng thiết bị xâm lấn gây đau đớn và nguy hại cho sức khỏe người bệnh. Thông qua chụp cộng hưởng từ MRI có thể phát hiện ra các vấn đề bất thường ở sau lớp xương mà không cần sử dụng đến tia X từ chụp X-quang hay cắt lớp vi tính do đó không lo tác dụng phụ. Không chỉ vậy, kỹ thuật này còn được thực hiện khá nhanh chóng và chuẩn xác hơn rất nhiều so với tia X trong chẩn đoán bệnh tim mạch.

Chụp cộng hưởng từ MRI cũng đã được chứng minh là vô hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, đối với phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ vẫn nên hết sức thận trọng, chỉ chụp cộng hưởng từ MRI khi thật cần thiết và phải có sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý yêu cầu sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ.

Mặc dù không gây hại đến cơ thể, thế nhưng từ trường của máy MRI có thể gây hại đến các thiết bị cấy ghép bằng kim loại ở bên trong cơ thể đối với người đã từng điều trị cấy ghép. Đối với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản, trước khi chụp nhân viên y tế sẽ hỏi rõ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh và ký giấy cam kết bởi bệnh nhân có thể bị dị ứng từ thuốc tương phản.

việc chụp cộng hưởng từ có hại không

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh chụp cộng hưởng từ gây hại cho sức khỏe

3. Phải làm gì để đảm bảo an toàn khi chụp cộng hưởng từ

Như đã đề cập phía trên, mặc dù chụp cộng hưởng từ MRI không gây hại đến sức khỏe người bệnh, thế nhưng từ trường của nó lại gây ảnh hưởng tới các thiết bị kim loại trong cơ thể nếu có. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn khi chụp cộng hưởng từ, người bệnh cần lưu ý:

– Tháo các vật dụng bằng kim loại đeo trên cơ thể như: Đồng hồ, trang sức, răng giả, chìa khóa, thẻ từ…

– Để nhân viên y tế kiểm tra các vật dụng và thiết bị bên trong cơ thể. Đối với những người có các dị vật nhỏ bằng kim loại nằm trong cơ quan  có mô lỏng lẻo như mắt, não, tim… Thì không nên chụp MRI. Nếu chúng ở những vị trí khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem có nên chụp hay không.

– Nếu cần tiêm thuốc tương phản, hãy bảo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng thuốc của bạn bởi thuốc có thể gây ra những dị ứng nguy hiểm khó lường.

– Nhịn đói 4 – 6 tiếng trước khi chụp MRI ở gan mật.

Đảm bảo an toàn khi chụp cộng hưởng tử

người bệnh nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên để có hình ảnh chụp rõ nét nhất

Thông qua bài viết trên, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm về việc chụp cộng hưởng từ có hại không nhưng cũng không nên tùy tiện yêu cầu sử dụng phương pháp này. Tốt nhất chỉ nên chụp khi có sự chỉ định của bác sĩ và cần tuân thủ đúng các vấn đề an toàn đã nêu ở trên để đảm bảo hiệu quả khi chụp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital