Hóc dị vật vào phổi có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm đến tính mạng mà chúng ta không lường trước. Bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý hô hấp do việc nhiễm trùng do dị vật lây lan. Chính vì thế, cần hết sức cảnh giác với những tình huống hóc dị vật, đặc biệt là nguy cơ dị vật mắc ở phổi.
Menu xem nhanh:
1. Cẩn trọng với những nguy hiểm từ tình huống hóc
1.1. Hóc dị vật phổ biến với nhiều đối tượng
Hóc dị vật là một trong những hiện tượng khá điển hình trong cuộc sống. Hầu hết các tình huống hóc không nhiều nguy hiểm, và có thể được xử lý tại chỗ. Tuy nhiên, việc xử lý hóc dị vật cũng là cấp cứu quen thuộc tại các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng, cho thấy hóc dị vật có tỷ lệ khá lớn và ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống hiện nay.
Hóc dị vật có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, nhưng quen thuộc nhất vẫn là ở đối tượng trẻ em. Bên cạnh đó, bất cứ đồ vật, chất liệu nào cũng có thể trở thành dị vật bị hóc trong cổ họng. Các loại đồ chơi (viên bi, miếng ghép hình,…), đồ dùng trong nhà (cúc áo, nam châm, pin cúc, hạt nở,…), thức ăn (mảnh xương động vật, các loại hạt của trái cây,…), răng giả, hay các đồ vật khác (nhẫn, mảnh giấy, mảnh nilon,…) đều có thể trở thành dị vật trong hầu họng và vào phổi.
1.2. Những nguy hiểm xung quanh tình huống hóc dị vật
Hóc dị vật thường được nhận biết bằng cảm giác nghẹn nơi cổ họng, khó nuốt, đau nơi vị trí hóc. Một số trường hợp có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, ho hoặc nước bọt lẫn máu,… Tình trạng khẩn cấp, dị vật rơi vào đường thở có thể gây cảm giác khó thở, tức ngực và thậm chí là ngưng thở.
Ngoài ra, khi dị vật bị mắc hóc có khả năng sẽ làm trầy xước, tổn thương niêm mạc họng và các khu vực xung quanh. Điều này có thể gây tình trạng viêm nhiễm, hoại tử, thậm chí áp xe xung quanh khu vực dị vật. Viêm nhiễm lan rộng cũng là nguyên nhân hình thành nên các bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm thanh – khí – phế quản, viêm phổi,… Ngoài ra, hiện tượng áp xe cũng là nguyên nhân khiến hô hấp và lưu thông ăn uống bị cản trở. Tình huống bít tắc đường thở cũng có thể bắt nguồn từ đây.
2. Hóc dị vật vào phổi – Đặc biệt nguy hiểm cho người bệnh
2.1. Nguy hiểm của tình trạng dị vật hóc ở phổi
Trong trường hợp hóc dị vật vào phổi, người bệnh đối mặt với nguy cơ về bệnh viêm nhiễm khu vực phổi như viêm phổi, giãn phế quản, xẹp phổi,… và tình huống bít tắc đường thở cao hơn. Do đó, cần cẩn trọng để không xảy ra tình trạng này.
Dị vật rơi vào phổi thông thường là tình huống được hình thành sau một khoảng thời gian không cố định xảy ra tình trạng nuốt dị vật. Với nhiều tình huống nuốt dị vật, nạn nhân có thể không nhận ra việc dị vật còn mắc ở khu vực nào đó, mà chỉ thấy rằng, không còn cảm giác dị vật chặn ngang họng là không còn bị hóc, và dị vật sẽ được đưa xuống khoang tiêu hóa theo quy trình tiêu hóa, bài tiết thông thường.Tuy nhiên, trong thực tế, có những người phải mất đến nhiều năm mới phát hiện ra dị vật ở khu vực phổi từ một tình huống hóc không được gắp vật hóc ra ngoài.
2.2. Nhận biết tình trạng hóc dị vật ở phổi
Tình trạng hóc dị vật vào phổi có thể được nhận biết như sau:
– Tình trạng ho nhiều, ho dai dẳng không rõ nguyên nhân, không bệnh lý nền. Hầu hết các trường hợp dị vật trong phổi lâu ngày đều được phát hiện khi đi điều trị vấn đề này.
– Ho ra máu bất thường. Điều này thường do vấn đề dị vật gây viêm nhiễm khu vực phế quản.
– Cảm giác khó thở, bí thở. Thường bắt nguồn từ việc dị vật nằm chắn ngang đường thở. Hoặc, trong tình huống khác, dị vật gây nên tình trạng áp xe, phù nề. Điều này cũng khiến đường thở của người bệnh bị chèn ép, gây khó thở, thậm chí là tắc thở. Ở tình huống dị vật rơi trực tiếp vào khu vực phổi ngay khi bị nuốt vào, người bệnh có thể đối mặt với tình huống khó thở, ngưng thở, thậm chí cần cấp cứu và xử lý sơ cứu. Trong tình huống này, những người xung quanh cần nhanh chóng nhận định tình hình và hỗ trợ khai thông đường thở để bệnh nhân bảo toàn tính mạng.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp và ảnh hưởng của dị vật với cơ thể mà sẽ có những biểu hiện khác nhau liên quan đến vấn đề dị vật trong phổi. Tuy nhiên, tình trạng này kèm nhiều nguy hiểm. Do đó, không nên chủ quan và lần lữa trong việc khám bệnh khi nghi ngờ có dị vật phổi. Đặc biệt, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra nhằm đảm bảo tình huống hóc dị vật được xử lý đúng cách, phù hợp, không để lại hậu quả và biến chứng.
3. Xử trí tình trạng hóc dị vật ở trong phổi
Thăm khám tại các cơ sở Tai Mũi Họng uy tín và điều trị sớm, gắp dị vật, xử lý viêm nhiễm cũng như hậu quả dị vật để lại là điều rất cần thiết khi phát hiện ra tình trạng dị vật vùng phổi.
3.1. Xử trí khi dị vật trong phổi gây tắc thở, bí thở, ngất
Trong trường hợp người bệnh gặp tình trạng khó thở, bí thở hoặc tắc thở bất thường, những người xung quanh cần liên hệ ngay cấp cứu và thực hiện sơ cứu đúng cách. Các nhân viên y tế sẽ hỗ trợ hướng dẫn sơ cứu người bệnh trong trường hợp những người xung quanh không biết về phương pháp sơ cứu đẩy dị vật phổi. Thông thường, nghiệm pháp Heimlich với cơ chế tác động lực vào thượng vị và đẩy dị vật ra ngoài sẽ được áp dụng trong trường hợp này. Nếu người bệnh có dấu hiệu tắc thở, cần kết hợp hô hấp nhân tạo để bảo đảm sự sống cho người bệnh.
3.2. Phát hiện ra dị vật trong phổi điều trị như thế nào?
Với tình huống thăm khám và phát hiện ra dị vật trong phổi, cần tiến hành điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ. Trong nhiều tình huống, việc phẫu thuật ngoại khoa có thể là chỉ định duy nhất giúp người bệnh được gắp dị vật ra ngoài, giải quyết các mô hoại tử, loại bỏ vấn đề viêm nhiễm. Do đó, người bệnh cần lựa chọn đúng cơ sở y khoa Tai Mũi Họng chuyên nghiệp để được điều trị an toàn và hiệu quả, tránh để lại những biến chứng sau việc điều trị.
Có thể nói, hóc dị vật vào phổi là tình huống nhiều nguy hiểm, nhưng lại ít được phát hiện sớm. Chính vì vậy, tự bản thân mỗi người chúng ta nên nâng cao việc cảnh giác, phát hiện và điều trị bệnh sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh.