Vết thương hở luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Sử dụng thuốc bôi vết thương hở kịp thời không chỉ giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn mà còn thúc đẩy quá trình liền sẹo hiệu quả, đem lại sự an toàn và thẩm mỹ cho vết thương. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách lựa chọn và bôi thuốc đúng kỹ thuật, khiến vết thương kéo dài thời gian lành hoặc để lại sẹo xấu.
Menu xem nhanh:
1. Lựa chọn thuốc bôi vết thương hở phù hợp
Việc lựa chọn thuốc bôi vết thương hở phù hợp sẽ giúp:
– Thúc đẩy quá trình lành da: Các thành phần trong thuốc có thể giúp kích thích sản sinh tế bào mới, tăng cường lưu thông máu và thúc đẩy quá trình tái tạo da.
– Ngăn ngừa nhiễm trùng: Thuốc thường chứa các chất sát khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sự phát triển của nhiễm trùng.
– Giảm nguy cơ hình thành sẹo: Một số loại thuốc có thể giúp giảm thiểu sự hình thành sẹo bằng cách giữ cho độ ẩm của da và ngăn ngừa sự phát triển của mô sẹo.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bôi vết thương khác nhau về thành phần, dạng bào chế, công dụng. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn cần lựa chọn sao cho phù hợp với:
– Nguyên nhân, vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết thương.
– Độ tuổi, tình trạng da và tiền sử dị ứng của người dùng.
Dưới đây là một vài loại thuốc mà bạn có thể tham khảo trong trường hợp bôi vết thương hở:
– Thuốc mỡ kháng sinh chứa Bacitracin, Mupirocin, Polymyxin và Neomycin.
– Thuốc bôi vết thương hở có chứa Hyaluronic Acid.
– Thuốc bôi có chứa sulfadiazine bạc
Như đã nói ở trên, mỗi loại thuốc sẽ chỉ định cho một trường hợp, đối tượng và mức độ vết thương khác nhau. Do đó bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn hoặc dược sĩ để biết được đâu là loại thuốc phù hợp và an toàn với mình.
2.. Hướng dẫn sử dụng đúng cách cho vết thương mau lành
2.1. Bước 1: Vệ sinh vết thương
Sau khi mua thuốc, nhiều người hay bôi thuốc lên vết thương ngay mà không có vệ sinh trước. Điều này vô tình khiến vết thương nặng thêm và không có dấu hiệu lành lại. Vì vậy, vệ sinh vết thương trước khi bôi thuốc là việc rất quan trọng. Bạn cần:
– Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước ấm trước khi vệ sinh vết thương.
– Sử dụng dung dịch sát khuẩn phù hợp để làm sạch vết thương. Bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn phổ biến như dung dịch NaCl 0.9%, dung dịch Betadine, dung dịch Povidine,…
– Dùng bông gòn hoặc gạc vô trùng để nhẹ nhàng lau sạch vết thương. Tránh dùng bông gòn hoặc gạc có xơ vì có thể làm xước da và gây kích ứng vết thương.
– Lau khô vết thương bằng khăn mềm hoặc để khô tự nhiên.
2.2. Bước 2: Thoa thuốc
Khi vết thương đã được vệ sinh sạch sẽ, tiếp đến bạn bắt đầu thoa thuốc. Hãy lấy một lượng thuốc vừa đủ để thoa lên vết thương. Lượng thuốc sử dụng phụ thuộc vào kích thước và độ sâu của vết thương. Lưu ý:
– Cần thoa thuốc đều khắp bề mặt vết thương, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chỗ nào.
– Tránh thoa thuốc quá nhiều hoặc quá ít. Thoa thuốc quá nhiều có thể gây bí da và cản trở quá trình lành da. Thoa thuốc quá ít có thể không đạt được hiệu quả điều trị.
– Massage nhẹ nhàng vùng da xung quanh vết thương để thuốc thẩm thấu vào da.
– Không thoa thuốc lên mắt, mũi, miệng hoặc các vùng da nhạy cảm.
2.3. Bước 3: Chăm sóc vết thương sau khi thoa thuốc
Sau khi đã thoa thuốc bôi vết thương hở xong, bạn vẫn cần theo dõi và chăm sóc cẩn thận để vết thương nhanh lành và không để lại sẹo xấu.
– Giữ cho vết thương luôn khô thoáng, sạch sẽ, không bụi bẩn bám vào. Nếu cần, có thể băng lại bằng gạc sạch sau khi bôi thuốc.
– Thay băng gạc đúng định kỳ như hướng dẫn trên toa thuốc. Nên rửa lại vết thương bằng nước muối trước khi bôi thuốc lần tiếp theo.
– Theo dõi, quan sát xem vết thương có dấu hiệu sưng đỏ, chảy mủ hay đau nhức hay không. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hãy báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
– Tiếp tục bôi thuốc hàng ngày cho đến khi vết thương liền da hoàn toàn. Tránh để vết thương hở quá lâu, có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và sẹo xấu.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc
3.1. Trường hợp không được sử dụng thuốc bôi vết thương hở
Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc được chống chỉ định. Nếu không đọc kỹ thành phần của thuốc mà dùng thuốc luôn thì sẽ rất nguy hiểm nếu bản thân từng có phản ứng với một trong những thành phần đó. Hãy cẩn trọng trước khi dùng thuốc bằng cách đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, nắm rõ các thành phần của thuốc để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn.
Bên cạnh đó, thuốc bôi vết thương hở tránh sử dụng cho trường hợp bị nhiễm trùng nặng. Vì thuốc chỉ có tác dụng sát khuẩn, chống viêm và thúc đẩy quá trình lành da nên ở các trường hợp nặng cần có sự can thiệp của bác sĩ để điều trị bằng các biện pháp khác.
3.2. Liên hệ với bác sĩ nếu dùng thuốc bôi vết thương hở không cải thiện
Nếu sau liệu trình dùng thuốc mà không thấy hiệu quả, bạn cần thông báo ngay lập tức tới bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá lại tình trạng vết thương để tìm ra nguyên nhân dùng thuốc không hiệu quả. Từ đó điều chỉnh phương pháp điều trị khác phù hợp.
3.3. Kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc vết thương khác như:
– Giữ vệ sinh vết thương
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
– Tránh gãi hoặc chà xát vết thương,…
Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình lành da và ngăn ngừa biến chứng tại vết thương.
Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn đang gặp tình trạng vết thương hở thì hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn chọn thuốc phù hợp và an toàn. Khi sử dụng thuốc bôi vết thương hở cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và chỉ định của bác sĩ.