Điều chỉnh và thay đổi lối sống lành mạnh là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ hiệu quả mà mỗi người đều cần lưu ý và áp dụng.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ (stroke) hay còn được gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra một cách đột ngột khi nguồn máu cung cấp tới não bị tắc nghẽn, suy giảm hoặc gián đoạn. Khi đó, não bị thiếu hụt oxy, mất dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong rất cao nếu như không được phát hiện và tiến hành cấp cứu kịp thời.
Không chỉ vậy, sau đột quỵ người bệnh còn có thể gặp phải rất nhiều di chứng nặng nề khác. Trong các di chứng của đột quỵ, phổ biến nhất là gặp các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại hoặc đi lại khó khăn; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, ăn uống,… Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ còn có thể gặp rối loạn tâm lý, cảm xúc và cả chức năng tình dục,…
Vì vậy, việc phòng ngừa đột quỵ nên được quan tâm và thực hiện ở mọi người nhất là những đối tượng có nguy cơ cao.
2. Gợi ý 8 cách phòng ngừa tai biến đột quỵ
2.1 Ăn uống lành mạnh là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ
Ăn uống lành mạnh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giữ thân hình cân đối, kiểm soát cân nặng, tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.
Ví dụ, thực hiện và duy trì tốt chế độ ăn uống nhiều chất xơ và đồ tươi sạch, hạn chế muối, đường, chất béo không tốt,.. có thể giúp ngăn ngừa phòng đột quỵ.
2.2. Vận động chăm chỉ
Tập thể dục, vận động đều đặn giúp giải tỏa stress, căng thẳng, giúp giảm lượng cholesterol xấu, tăng cường tuần hoàn máu, giúp cải thiện giấc ngủ, làm giảm các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, béo phì, xơ vữa động mạch,… Nhờ vậy, chăm chỉ vận động giúp giảm nguy cơ đột quỵ não và bạn sẽ cảm thấy khỏe và đẹp hơn.
Hãy chọn bất kỳ hoạt động thể chất yêu thích và luyện tập đều đặn. Tuy nhiên, cần lưu ý tập với cường độ phù hợp, tập đúng cách và không nên luyện tập quá sức.
2.3. Không hút thuốc lá
Nguy cơ bị đột quỵ não gây tử vong sẽ tăng lên nếu bạn là người hút nhiều thuốc lá. Hút thuốc lá còn làm tăng khả năng xơ vữa động mạch. Đặc biệt, với những người bệnh đã có xơ vữa động mạch thì thuốc lá là một điều cấm kỵ. Hút thuốc lá sẽ làm thúc đẩy quá trình xơ vữa thêm mạnh mẽ và kéo theo nguy cơ cao đột quỵ xảy ra.
2.4. Duy trì kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao có thể là nguyên nhân làm hỏng động mạch. Điều này được giải thích là do áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch khi tăng cao trong thời gian dài có thể gây ra tổn thương tim, làm hỏng thành mạch máu, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và tạo điều kiện hình thành nên cục máu đông trong mạch máu não. Sự có mặt của cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ.
Do đó, cần chủ động kiểm soát huyết áp bằng cách như:
– Kiểm tra chỉ số huyết áp đúng cách một cách thường xuyên;
– Duy trì mức cân nặng hợp lý;
– Thể dục thường xuyên;
– Có chế độ ăn ít chất béo, ăn nhiều chất xơ, ăn giảm muối và đường, hạn chế uống rượu bia, các chất kích thích,…
– Người có chỉ định dùng thuốc huyết áp cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
2.5. Hạn chế uống rượu là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ
Bạn nên tiết chế hoặc dừng ngay việc sử dụng rượu bia và các chất có cồn. Vì rượu làm tăng huyết áp lên ngưỡng cao, làm suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tới não bộ khiến bạn mất tỉnh táo. Điều này sẽ góp phần đáng kể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2.6. Quản lý tốt bệnh tiểu đường
Lượng đường duy trì ở ngưỡng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ. Những người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng khả năng bị huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, mỡ máu,… Đây đều là những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Do đó, mỗi người cần chủ động kiểm tra theo dõi đường máu đều đặn thường xuyên, đăng ký khám sức khỏe định kỳ và thực hiện lối một sống lành mạnh, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh lý.
2.7. Tránh căng thẳng, stress
Stress hay căng thẳng là phản ứng có lợi nhằm bảo vệ cơ thể khỏi những kích ứng nào đó. Tuy nhiên nếu bị căng thẳng mạn tính, stress kéo dài lại là điều bất lợi và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Stress kéo dài cũng có thể làm nghiêm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ như cholesterol cao, béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh tim,… Không chỉ vậy, stress làm suy giảm hoạt động của các hệ cơ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Vì vậy, hãy tìm cách kiểm soát tốt căng thẳng, stress ở ngưỡng cho phép nếu chúng xảy ra. Đối với trường hợp người bệnh trầm cảm, cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn ứng phó thích hợp.
2.8. Kiểm soát cholesterol
Những người có chỉ số cholesterol cao dễ bị đột quỵ vì cholesterol dư thừa có thể đi đến các động mạch của cơ thể, làm động mạch bị thu hẹp và tăng nguy cơ gây đột quỵ.
Kiểm soát cholesterol phần nhiều đến từ việc kiểm soát chế độ ăn, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn,… Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo và thực hiện các cách phòng ngừa tai biến đột quỵ trên đây, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Đột quỵ ngày một có xu hướng trẻ hóa nên cần phổ biến kiến thức phòng bệnh đúng cách tới đông đảo mọi người nhắm hạn chế những hậu quả nặng nề khó lường trước.