Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng không chỉ với sức khỏe tổng thể mà còn với thẩm mỹ cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc răng miệng để răng không chỉ đẹp mà còn khỏe. Bài viết này của Thu Cúc TCI cung cấp cho bạn cách chăm sóc răng miệng đúng cách, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh răng miệng đúng cách tại nhà
1.1. Cách chăm sóc răng miệng đúng cách bằng bàn chải và kem đánh răng
Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng là bước cơ bản nhất trong chăm sóc răng miệng. Để vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng hiệu quả, bạn cần thực hiện quy trình sau đây một cách cẩn thận và đều đặn mỗi ngày:
– Thoa kem đánh răng: Lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ thoa lên bàn chải.
– Vệ sinh răng miệng theo phương pháp chuẩn: Giữ bàn chải nghiêng 45 độ so với nướu để lông bàn chải chải vào kẽ răng và nướu, làm sạch mảng bám tại đó hiệu quả. Sử dụng chuyển động tròn hoặc dọc để chải nhẹ nhàng; tránh chải ngang, mạnh để không làm tổn thương nướu. Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng trong ít nhất hai phút, chia đều thời gian cho cả hai hàm và bốn góc của miệng (trên bên trái, trên bên phải, dưới bên trái và dưới bên phải). Đảm bảo vệ sinh cả mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của các răng. Đừng quên vệ sinh cả lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và cải thiện hơi thở.
– Súc miệng: Sau khi vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng, súc miệng cẩn thận với nước để loại bỏ các hạt thức ăn và mảng bám còn sót lại.
– Vệ sinh bàn chải sau khi sử dụng: Rửa sạch bàn chải dưới vòi nước chảy để loại bỏ kem đánh răng và mảng bám. Để bàn chải ở vị trí thoáng khí, tránh ẩm mốc.
Lưu ý, bạn nên chọn bàn chải lông mềm, có kích thước vừa phải và kem đánh răng chứa fluor. Thay bàn chải mới sau khoảng 3 – 4 tháng sử dụng hoặc khi lông bàn chải bắt đầu mòn cũng rất quan trọng.
1.2. Cách chăm sóc răng miệng đúng cách bằng chỉ nha khoa
Sử dụng chỉ nha khoa là một bước quan trọng trong chăm sóc răng miệng mỗi ngày. Nó giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa giữa các kẽ răng, nơi mà bàn chải và kem đánh răng khó hoặc không thể tiếp cận. Dưới đây là hướng dẫn cách sử dụng chỉ nha khoa hiệu quả:
– Chuẩn bị chỉ nha khoa: Cắt một đoạn chỉ khoảng 45 – 50 cm. Quấn phần lớn chỉ quanh ngón tay giữa của một bàn tay và quấn một đoạn nhỏ hơn vào ngón tay giữa của bàn tay còn lại. Giữ một đoạn chỉ khoảng 2 – 3 cm giữa hai ngón tay để sử dụng.
– Sử dụng chỉ nha khoa: Đưa đoạn chỉ giữa hai ngón tay vào kẽ răng, hãy cẩn thận để không chà xát chỉ vào nướu. Giữ chỉ thành hình chữ C quanh một răng và di chuyển nhẹ nhàng lên xuống vài lần, đảm bảo chỉ đi sâu vào dưới viền nướu. Sử dụng đoạn chỉ sạch và lặp lại quá trình cho mỗi kẽ răng, bao gồm cả kẽ răng trong cùng. Sau khi dùng chỉ nha khoa, sử dụng nước súc miệng để loại bỏ bất kỳ mảng bám hoặc thức ăn thừa nào còn sót lại.
Lưu ý, có nhiều loại chỉ nha khoa khác nhau trên thị trường, bao gồm chỉ dạng sợi, chỉ dạng băng (flat floss) và chỉ dạng tơ. Chọn loại chỉ phù hợp với kích thước kẽ răng của bạn: Chỉ dạng sợi tốt cho những người có kẽ răng chật; chỉ dạng băng thường dày hơn và tốt cho những người có kẽ răng rộng. Nếu bạn mới sử dụng chỉ nha khoa, bạn có thể sẽ chảy máu một chút ở nướu. Điều này là bình thường và thường sẽ giảm dần sau vài ngày sử dụng thường xuyên. Nếu chảy máu tiếp tục hoặc bạn cảm thấy đau, hãy thăm khám với nha sĩ.
1.3. Cách chăm sóc răng miệng đúng cách bằng nước súc miệng
Sử dụng nước súc miệng cũng là một bước không nên thiếu trong quy trình vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nước súc miệng nên được sử dụng sau khi vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng, chỉ nha khoa. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách sử dụng nước súc miệng hiệu quả:
– Sử dụng nước súc miệng: Đổ lượng nước súc miệng khuyến cáo vào nắp đậy hoặc vào một cốc nhỏ. Ngậm nước súc miệng trong miệng, súc kỹ khoảng 30 giây đến 1 phút. Dùng lưỡi và má để đảm bảo nước súc miệng tiếp xúc với tất cả các phần của khoang miệng, bao gồm cả răng, nướu, lưỡi và má. Gạn và nhổ nước súc miệng sau khi súc. Tránh nuốt nước súc miệng vì nó chứa các thành phần không dành cho tiêu hóa.
– Sau khi sử dụng nước súc miệng: Sau khi sử dụng nước súc miệng, không cần súc lại bằng nước lã, để duy trì lớp bảo vệ mà nước súc miệng tạo ra trong khoang miệng. Tránh ăn uống hoặc hút thuốc lá ngay sau khi sử dụng nước súc miệng để không làm giảm hiệu quả của nó.
Lưu ý, nước súc miệng có cồn thường có khả năng kháng khuẩn mạnh nhưng có thể gây khô miệng ở một số người; nước súc miệng không cồn thân thiện hơn với những người có nướu nhạy cảm hoặc có vấn đề về khô miệng; hãy lựa chọn nước súc miệng cẩn thận. Mỗi sản phẩm có thể có hướng dẫn sử dụng khác nhau nên bạn hãy kiểm tra nhãn dán để biết liều lượng nước súc miệng khuyên dùng và thời gian súc miệng khuyến cáo. Nếu bạn cảm thấy cay hoặc kích ứng khi sử dụng nước súc miệng, hãy chuyển sang loại không cồn hoặc có thành phần dịu nhẹ hơn.
2. Thăm khám định kỳ với nha sĩ
Thăm khám định kỳ là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Dù bạn vệ sinh răng miệng bằng bàn chải – kem đánh răng, chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên, vẫn có thể có mảng bám và vôi răng tích tụ trên bề mặt răng và dưới viền nướu, gây viêm nướu và bệnh nha chu. Khi thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ vệ sinh mảng bám và vôi răng chuyên sâu, giúp ngăn ngừa các vấn đề đó.
Thăm khám định kỳ cũng giúp bác sĩ nha khoa phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng, từ đơn giản đến phức tạp, như sâu răng, bệnh nha chu, ung thư… Phát hiện sớm giúp điều trị chúng hiệu quả, tránh việc phải thực hiện các biện pháp điều trị phức tạp hơn sau này.
Thăm khám định kỳ còn là cơ hội để bạn nhận được lời khuyên chuyên nghiệp về cách chăm sóc răng miệng hàng ngày và thảo luận về bất kỳ mối quan tâm hoặc thắc mắc nào bạn có thể có.
Phía trên là cách chăm sóc răng miệng đúng cách. Bằng cách áp dụng chúng, bạn sẽ gìn giữ được một hàm răng khỏe và đẹp.