Các phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vacxin. Những phản ứng này có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút cho đến vài giờ sau khi tiêm chủng. Thông thường chúng có biểu hiện nhẹ và thường tự biến mất sau vài giờ, không yêu cầu điều trị đặc hiệu tuy nhiên trong một vài trường hợp hiếm gặp, những phản ứng phụ này có thể diễn biến nặng và gây tổn hại đến sức khỏe nếu không được xử lý y tế kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Những phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin thường gặp
Dưới đây là những phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm phòng một số loại vacxin phổ biến. Lưu ý một số phản ứng hiếm gặp có thể không được liệt kê.
1.1. Vacxin lao
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau và có cảm giác nóng.
Phản ứng toàn thân: Sốt nhẹ, trẻ em quấy khóc, ăn kém, tuy nhiên thường tự hết sau vài ngày.
Thông thường sau khi tiêm vacxin BCG sẽ xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau nửa tiếng. Khoảng 2 tuần sau đó xuất hiện một vết loét đỏ kích thước nhỏ, sau nửa tháng vết loét tự lành và để lại sẹo tầm 5mm.
Nếu trong thời gian trên cơ thể xuất hiện hạch cổ, nách, hạch dưới xương đòn bên trái, nốt mủ đường kính trên 1cm tại vị trí tiêm thì cần tái khám ngay.
1.2. Vacxin viêm gan B
Phản ứng tại chỗ: Đau, sưng nhẹ.
Phản ứng toàn thân: Sốt nhẹ, trẻ em quấy khóc.
Các triệu chứng thường tự biến mất sau 1-2 ngày.
1.3. Vacxin 6 trong 1
Phản ứng tại chỗ: Sưng đỏ, đau từ 1-3 ngày, có thể nổi cục cứng và tự khỏi sau 1-3 tuần.
Phản ứng toàn thân: Trẻ sốt, quấy khóc, tiêu chảy, nôn mửa và bú kém.
1.4. Vacxin 5 trong 1
Phản ứng tại chỗ: Xuất hiện nốt quầng đỏ cứng đường kính hơn 2cm, thường gặp trong 48 giờ sau tiêm và có thể kéo dài đến 72 giờ.
Phản ứng toàn thân: Trẻ sốt, quấy khóc, tiêu chảy, nôn mửa, bú kém, buồn ngủ, mệt mỏi và phát ban.
Ở các mũi tiêm sau, trẻ thường có phản ứng phụ mạnh hơn lần trước do đã có miễn dịch như sốt lâu hơn, vị trí tiêm sưng đỏ nhiều hơn hoặc lan ra toàn bộ chi bên tiêm và thường tự khỏi sau 3-5 ngày.
1.5. Vacxin uốn ván, ho gà, bạch hầu
Phản ứng tại chỗ: Sưng đỏ và đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt, đau đầu, mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa.
1.6. Vacxin viêm màng não, viêm phổi và các bệnh khác do Haemophilus influenzae type B
Phản ứng tại chỗ: Sưng đỏ, đau và có thể ngứa.
Phản ứng toàn thân: Sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, nôn mửa và rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng thường nhẹ, tự khỏi sau vài ngày.
1.7. Vacxin Rota virus
Phản ứng toàn thân: Rối loạn tiêu hóa.
1.8. Vacxin phế cầu khuẩn
– Đối với vacxin Synflorix
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt trên 38 độ C, ăn kém, trẻ quấy khóc.
– Đối với vacxin Prevenar 13
Phản ứng tại chỗ: Có ban đỏ, chay cứng, sưng đau, nhạy cảm.
Phản ứng toàn thân: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, tăng cảm giác thèm ăn, nôn mửa và rối loạn tiêu hóa.
1.9. Vacxin cúm
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi kèm đau đầu.
1.10. Vacxin sởi, quai bị, rubella
Phản ứng tại chỗ: Đau trong thời gian ngắn.
Phản ứng toàn thân: Sốt, nổi mề đay, có phát ban nhẹ, buồn nôn, nôn mửa kèm rối loạn tiêu hóa.
1.11. Vacxin thủy đậu
Phản ứng tại chỗ: Phát ban dạng thủy đậu, sưng đỏ đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt.
Tránh dùng chế dược phẩm chứa salicylate (aspirin hoặc các chế phẩm bôi, dán giảm đau) trong ít nhất 6 tuần sau tiêm chủng.
1.12. Vacxin viêm não Nhật Bản B
– Đối với vacxin JEVAX
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi kèm đau đầu.
– Đối với vacxin Imojev
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Sốt kèm đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, cáu kỉnh, chán ăn và nôn mửa.
1.13. Vacxin viêm gan A B
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Khó chịu và đau đầu.
1.14. Vacxin viêm màng não do não mô cầu A, C, Y, W135
Phản ứng tại chỗ: Sưng đau.
Phản ứng toàn thân: Cáu kỉnh, ngủ gà, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn và rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng thường nhẹ, tự khỏi sau vài ngày.
1.15. Vacxin viêm màng não do não mô cầu B C
Phản ứng tại chỗ: Sưng đỏ, đau, có thể thành cục cứng, tự hết sau 3 ngày.
Phản ứng toàn thân: Sốt.
1.16. Vacxin HPV
Phản ứng tại chỗ: Nổi ban đỏ, ngứa, sưng đau.
1.17. Vacxin uốn ván
Phản ứng tại chỗ: Sưng quầng đỏ, đau, nốt cứng xuất hiện sau 48 giờ và kéo dài 1-2 ngày.
Phản ứng toàn thân: Sốt, khó chịu kèm uể oải.
1.18. Vacxin tả
Phản ứng thường gặp: Buồn nôn, nôn sau khi uống vacxin.
Phản ứng hiếm gặp: Đau đầu, bụng, sốt và rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng thường tự khỏi và không cần điều trị.
1.19. Vacxin dại
Phản ứng tại chỗ: Sưng quầng đỏ, đau, ngứa và có nốt cứng.
Phản ứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt.
Lưu ý: Khi bị phơi nhiễm dại (bị động vật cắn, cào,…) phải sơ cứu và rửa sạch, rửa kỹ vết thương với nhiều nước và xà phòng sau đó rửa lại bằng cồn IOD rồi đưa bệnh nhân tới phòng tiêm chủng. Tùy vào mức độ của vết thương mà bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm globulin miễn dịch.
Tất cả các trường hợp phơi nhiễm nên tiêm thêm vacxin uốn ván.
2. Theo dõi và chăm sóc sau tiêm phòng vacxin
2.1. Theo dõi phát hiện những phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin
Tất cả mọi người sau tiêm chủng đều cần ở lại cơ sở tiêm theo dõi sức khỏe tối thiểu 30 phút. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường như nôn mửa, thở khó, ngắt quãng, khò khè, nổi mẩn trên da,… cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc các nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Sau khi đã trở về nhà, mọi người đặc biệt là trẻ em cần được tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 2 ngày sau tiêm. Một số mặt cần lưu ý gồm:
– Thân nhiệt.
– Nhịp thở.
– Sự tỉnh táo.
– Vùng da toàn thân.
– Khu vực tiêm.
Nếu những dấu hiệu dưới đây xuất hiện, cần đưa đối tượng đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và chăm sóc, điều trị:
– Sốt cao trên 39 độ C, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt xuất hiện sau 12 giờ sau tiêm và kéo dài hơn 24 giờ.
– Trẻ em quấy khóc liên tục, li bì, mệt mỏi, hôn mê.
– Co giật.
– Nôn mửa.
– Chán ăn.
– Phát ban.
– Thở nhanh, co rút hõm ức, thở khó, môi và các chi tím tái.
– Các chi lạnh, da nổi vân tím.
– Bất kỳ dấu hiệu nào khiến gia đình thấy lo lắng.
2.2. Hướng dẫn chăm sóc giảm thiểu phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin
Một số lưu ý gồm:
– Mặc quần áo thoải mái, thoáng khí, dễ vận động.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng thông thường và bổ sung nước.
– Có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen với liều phù hợp khi có tình trạng sốt.
– Chườm lạnh tại vết tiêm để giảm đau và sưng đỏ, ngoài ra tránh chạm hay đắp bất kỳ thứ gì vào vết tiêm để tránh gây nhiễm trùng.
– Không dùng thêm aspirin hoặc các loại thuốc khác vì có thể gây tăng liều paracetamol.
Trên đây là những thông tin về các phản ứng phụ sau tiêm chủng và phương pháp chăm sóc giảm thiểu chúng. Nếu bạn còn thắc mắc gì về vấn đề này hãy liên hệ với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhé.