Bóc tách động mạch vành là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm ở phụ nữ và trẻ em, là nguyên nhân gây ra các cơn đau tim, bất thường nhịp tim hoặc tử vong đột ngột. Vậy bóc tách mạch vành là gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Bóc tách động mạch vành là gì?
Bóc tách động mạch vành (SCAD) là tình trạng động mạch vành đột ngột bị rách vì nguyên nhân nào đó khiến lưu lượng máu đến tim giảm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, ngừng tim, đột quỵ.
Bóc tách mạch vành là một bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các bệnh tim mạch nói chung. Tuy nhiên đây lại là nguyên nhân gây ra 40% các cơn đột quỵ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi.
2. Những ai có nguy cơ mắc bệnh?
Những người mắc bệnh này thường là người khỏe mạnh, không bị mắc bất cứ bệnh tim nào trước đó và hầu như không có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như hút thuốc lá, thừa cân, tiểu đường….
Có một số yếu tố nguy cơ khiến một số người mắc căn bệnh này hơn, bao gồm:
2.1 Giới tính
Bệnh có thể xảy ra ở cả 2 giới, nhưng thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.
2.2 Tuổi tác
Bệnh có thể xảy ra trong độ tuổi từ 15 đến 80 nhưng thường gặp nhất ở các phụ nữ trẻ dưới 50 tuổi, độ tuổi trung bình là 42. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc căn bệnh này, với tỷ lệ khoảng 10-15%.
2.3 Mang thai và sinh nở
SCAD tự phát có thể xảy ra ở những phụ nữ mới sinh con, thường trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh.
2.4 Bệnh mạch máu tiềm ẩn
Một số bất thường của mạch máu, đặc biệt là tình trạng sợi cơ loạn sản (FMD) có thể gây ra sự phát triển bất thường của các tế bào trong thành động mạch. Điều này dẫn tới suy yếu thành mạch, gây tắc nghẽn, rách hoặc phình mạch. Bên cạnh đó, hiện tượng loạn sản cơ cũng có thể gây huyết áp cao, đột quỵ, dẫn tới vết rách trong các mạch máu.
2.5 Huyết áp rất cao gây bóc tách động mạch vành
Huyết áp nghiêm trọng không được điều trị có thể khiến thành mạch suy yếu. Do đó tăng nguy cơ vỡ, rách mạch máu.
2.6 Tập thể dục quá sức
Thường xuyên tập thể dục với cường độ cao làm huyết áp tăng cao, gây bệnh mạch vành bóc tách.
2.7 Căng thẳng, thay đổi cảm xúc đột ngột
Một người phải trải qua những trạng thái căng thẳng cảm xúc nghiêm trọng (như cái chết đột ngột của người thân, cú sốc trong chuyện tình cảm, công việc…) sẽ rất dễ bị bóc tách mạch vành.
2.8 Bệnh tự miễn
Các bệnh tự miễn hệ thống như lupus có thể gây viêm các mạch máu, viêm nút quanh động mạch. Đây có thể là nguyên nhân gây bóc tách mạch vành tự phát.
2.9 Bệnh mô liên kết di truyền
Hội chứng mạch máu Ehlers-Danlos, Marfan có thể làm tăng nguy cơ rách động mạch vành đột ngột.
2.10 Sử dụng các chất gây nghiện
Những người thường xuyên sử dụng cocaine hoặc các loại thuốc bất hợp pháp có nguy cơ cao bị bóc tách mạch vành.
3. Bị bóc tách động mạch vành sống được bao lâu?
Bệnh thường tiến triển âm thầm, có thể không gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào nên việc nhận biết, phát hiện và điều trị bệnh khá khó khăn. Bệnh thường chỉ được tìm ra khi sau khi bệnh nhân gặp phải một cơn đau tim.
Tỷ lệ tử vong của bệnh mạch vành bóc tách rất thấp, chỉ khoảng 1- 5%. Tuy nhiên với những người bị bóc tách mạch vành tái phát thì cơ hội sống chỉ còn 20%.
4. Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng bóc tách mạch vành
Bệnh bóc tách mạch vành thường ít biểu hiện ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sau thường gồm:
– Đau hoặc khó chịu ở ngực
– Đau lưng, mặt trong cánh tay, vai hoặc hàm
– Khó thở, hơi thở ngắn, gấp
– Nhịp tim bất thường, cảm giác rung trong lồng ngực
– Mệt mỏi bất thường và cực độ
– Buồn nôn, chóng mặt, đau đầu
5. Chẩn đoán bệnh bóc tách động mạch vành
Như đã nói ở trên, SCAD thường xảy ra ở nhóm phụ nữ trẻ khỏe mạnh bình thường, lại không có các yếu tố nguy cơ vì thế bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm và phát hiện muộn.
Các chuyên gia tim mạch khuyên bạn nên duy trì thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và dự phòng các yếu tố làm tăng nguy cơ bóc tách mạch vành. Đặc biệt, với những bệnh nhân từng mắc SCAD, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhất là các vấn đề về động mạch (phình mạch não, tắc nghẽn, bóc tách hoặc rách động mạch…) tại các chuyên khoa tim mạch là rất cần thiết.
Để chẩn đoán chính xác bệnh bóc tách động mạch vành, bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, sau đó yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm, chụp chiếu. Trong đó, điện tâm đồ và xét nghiệm máu là những chẩn đoán cận lâm sàng thường dùng giúp phát hiện tổn thương này. Nếu nghi ngờ một cơn đau tim, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp động mạch, siêu âm nội mạch, chụp CT tim… để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.
6. Điều trị và phòng ngừa mạch vành bóc tách
6.1 Điều trị bệnh bóc tách động mạch vành
Việc điều trị SCAD phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với các trường hợp vết rách nhỏ, có thể để bóc tách tự lành theo cơ chế riêng của cơ thể.
Để giảm nguy cơ cục máu đông, các bác sĩ có thể chỉ định dùng chất làm loãng máu. Trong một số trường hợp, đặc biệt các bệnh nhân có loạn sản cơ, có thể sử dụng các thuốc chẹn beta. Nếu các vết rách nghiêm trọng, dẫn tới tắc nghẽn hoặc thiếu máu nghiêm trọng, các phương pháp can thiệp, phẫu thuật có thể được cân nhắc sử dụng.
6.2 Phòng ngừa bóc tác mạch vành như thế nào?
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc hoặc tái phát bệnh bóc tách mạch vành, bạn cần chăm sóc tốt cho bản thân bằng các biện pháp:
– Ngủ đủ giấc để bạn có cảm giác thoải mái khi thức dậy
– Chọn một chế độ ăn uống khỏe mạnh đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các loại trái cây và rau quả
– Tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, tránh quá sức
– Bỏ hút thuốc lá, không sử dụng các chất gây nghiện
Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh bóc tách động mạch vành. Các kiến thức chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế các chẩn đoán chuyên khoa. Việc thăm khám tim mạch thường xuyên là vô cùng cần thiết giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh này.