Người lớn hay trẻ em bị thoát vị bẹn đều nên điều trị sớm, để tránh các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh lý thoát vị bẹn và phương pháp điều trị căn bệnh này hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Thoát vị bẹn và yếu tố nguy cơ
Nhiều bé trai hoặc nam giới bị thoát vị bẹn, đây thực chất là một phần của ruột hoặc mô mềm chui qua một điểm yếu trong cơ bụng vào khu vực bẹn, gây ra một khối phồng hoặc sưng ở vùng bẹn.
Các yếu tố nguy cơ gây tình trạng thoát vị bẹn được kể đến như:
Yếu tố di truyền: Một số người có khuynh hướng di truyền dễ bị thoát vị bẹn do yếu điểm trong cấu trúc cơ thể.
Căng thẳng và áp lực: Hoạt động nặng nhọc, mang vác vật nặng hoặc các hoạt động gây áp lực lên vùng bụng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn.
Thai kỳ: Phụ nữ mang thai có thể gặp thoát vị bẹn do sự gia tăng áp lực trong ổ bụng.
Táo bón mạn tính: Táo bón kéo dài có thể dẫn đến việc phải rặn mạnh khi đi vệ sinh, làm tăng áp lực lên vùng bụng và bẹn.
Ho kéo dài: Ho mạn tính có thể làm tăng áp lực lên thành bụng và dẫn đến thoát vị bẹn.
2. Những biểu hiện khi bị thoát vị bẹn
2.1 Khối phồng hoặc sưng ở vùng bẹn
Đây là triệu chứng phổ biến nhất và có thể biến mất khi nằm xuống. Khối phồng có thể xuất hiện ở một bên (thoát vị bẹn một bên) hoặc cả 2 bên (thoát vị bẹn 2 bên).
2.2 Đau hoặc khó chịu
Người bệnh có thể cảm thấy đau, khó chịu hoặc không. Đau, khó chịu thường xảy xa khi người bệnh nâng vật nặng, chạy nhảy, ho, cúi người, đứng lâu hoặc khi khối thoát vị quá to, nghẹt. Một số trường hợp bị thoát vị bẹn không cảm thấy đau hay khó chịu nào, chỉ thấy xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn, bìu (đối với bé trai) hoặc vùng gần âm môi (đối với bé gái).
3. Vì sao nên điều trị thoát vị bẹn sớm?
Việc điều trị sớm thoát vị bẹn là rất quan trọng để tránh những biến chứng nghiêm trọng (có thể nguy hiểm đến tính mạng) có thể xảy ra. Cụ thể như là:
3.1 Tránh tình trạng thoát vị bẹn nghẹt
Nếu một phần của ruột bị kẹt trong lỗ thoát vị và không thể trở lại vào ổ bụng, nó có thể bị nghẹt. Điều này gây ra tình trạng tắc nghẽn ruột và mất máu cung cấp cho vùng nội tạng này và dẫn tới hoại tử ruột. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm và người bệnh cần phải được can thiệp phẫu thuật khẩn cấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
3.2 Tránh tổn thương thêm cho vùng bẹn
Nếu thoát vị bẹn không được điều trị, nó có thể tiếp tục tái phát và thậm chí khối thoát vị sa xuống ở những lần sau có thể to hơn. Điều này có thể gây thêm tổn thương cho vùng bẹn và các cơ quan lân cận.
3.3 Giảm đau và khó chịu khi bị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể gây ra đau đớn và khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Điều trị sớm giúp giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
3.4 Ngăn ngừa các biến chứng khác
Nếu khối thoát vị bẹn nghẹt có thể gây viêm nhiễm và hoại tử mô, tạng. Có thể gây hoại tử tinh hoàn dẫn tới vô sinh, do khối thoát vị chèn ép làm gián đoạn mạch máu nuôi tinh hoàn.
4. Phương pháp điều trị thoát vị bẹn
Điều trị nội khoa (dùng thuốc) không mấy có hiệu quả, chỉ kéo dài thời gian trì hoãn khiến khối thoát vị dễ biến chứng nghẹt. Các chuyên gia đều khuyến cáo rằng, một khi được chẩn đoán bị thoát vị bẹn thì nên điều trị càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị thoát vị bẹn hiện nay là phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn gồm 2 phương pháp là: mổ mở (phẫu thuật mở) và mổ nội soi (phẫu thuật nội soi).
4.1 Phẫu thuật mở
Bác sĩ sẽ rạch một đường vùng bẹn và sau đó thực hiện các thao tác phẫu thuật giúp đẩy phần ruột hoặc mô mềm trở lại vào ổ bụng, sau đó khâu lại lỗ thoát vị.
4.2 Phẫu thuật nội soi khi bị thoát vị bẹn
Sử dụng các dụng cụ nội soi và camera nhỏ, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật qua các lỗ nhỏ, giúp giảm đau và thời gian hồi phục. Phẫu thuật nội soi gồm có nội soi 1 lỗ, 2 lỗ, 3 lỗ.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị bẹn được ưu tiên bởi phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với mổ mở như:
– Ít xâm lấn
– Có thể tầm soát được lỗ bẹn bên kia (nếu có khối thoát vị có thể thực hiện trong cùng một cuộc mổ). Giúp hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót khối thoát vị bẹn bên đối diện.
– An toàn, ít chảy máu
– Người bệnh hồi phục nhanh
– Sẹo thẩm mỹ, có thể không để lại sẹo (nội soi 1 lỗ qua lỗ rốn khi đó sẹo trùng với sẹo rốn).
– Giảm tỷ lệ tái phát thoát vị bẹn
5. Chăm sóc sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn, việc chăm sóc hậu phẫu rất quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ và giảm nguy cơ tái phát. Dưới đây là một số lời khuyên chăm sóc sau phẫu thuật:
Cần nghỉ ngơi và tránh hoạt động mạnh: Trong vài tuần đầu sau phẫu thuật, cần tránh các hoạt động nặng nhọc và nghỉ ngơi nhiều.
Theo dõi vết mổ: Kiểm tra vết mổ hàng ngày để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như sưng, đỏ, đau hoặc sốt.
Sử dụng thuốc theo chỉ định: Dùng thuốc giảm đau và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn uống lành mạnh và tránh táo bón bằng cách bổ sung chất xơ và uống đủ nước.
Thực hiện các bài tập nhẹ: Sau khi vết mổ lành, bác sĩ có thể khuyến khích thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường cơ bắp.
Tránh nâng vật nặng: Hạn chế nâng vật nặng và sử dụng kỹ thuật đúng khi nâng đồ.
Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân có thể tăng áp lực lên vùng bụng và bẹn.
Điều trị ho và táo bón mạn tính: Điều trị các nguyên nhân gây áp lực lên vùng bụng.