Đau tai là một tình trạng thường gặp rất nhiều ở tai, có thể bất ngờ hoặc kéo dài. Tuy nhiên hầu hết chúng ta lại thường không để ý cho đến khi cơn đau trở nên rõ ràng hơn. Vậy nhận biết đúng về tình trạng đau tai như thế nào? Và khi bị đau tai phải làm sao?
Menu xem nhanh:
1. Vì sao chúng ta bị đau tai
Có rất nhiều dạng đau tai ở những mức độ và tình trạng khác nhau. Một số cơn đau thình lình, bất chợt, bạn sẽ cảm thấy nhói rồi biến mất thuộc vào dạng cơn đau tai do nguyên nhân từ bên ngoài tai, phổ biến như do chợt nghe âm thanh phóng đại quá lớn làm màng nhĩ đau bất ngờ, áp lực gió khi di chuyển hoặc áp lực nước khi bơi. Ở trong ngưỡng chịu đựng của màng nhĩ (không làm rách màng nhĩ), cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất khi các nguyên nhân tác động biến mất.
Một số tình trạng đau tai xuất phát từ bệnh lý tai, thường tạo nên cơn đau từ từ, điển hình là các bệnh về ống tai ngoài và tai giữa. Đối với tình trạng đau tai này, cơn đau sẽ xuất hiện kèm theo các dấu hiệu khác.
Ngoài ra, đau tai còn là hệ quả của nhiều bệnh lý không xuất phát từ tai khác như: các chấn thương mô cùng đầu, mặt và cổ; tình trạng thoái hóa đốt sống cổ; đau tai do đau răng; đau tai do khớp thái xương hàm bị viêm; đau tai do các bệnh viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, lưỡi, họng,…
2. Triệu chứng khi bị đau tai
Đối với mỗi nguyên nhân gây nên tình trạng đau tai, các triệu chứng thường sẽ khác nhau, cụ thể:
2.1. Đau tai do viêm tai ngoài
Viêm ống tai ngoài thường liên quan trực tiếp tới việc vệ sinh tai chưa được tốt dẫn đến tạo điều kiện cho các tác nhân có hại xâm nhập và gây bệnh ở ống tai. Một số tác nhân phổ biến nhất là bụi bẩn, chất độc, bào tử nấm, vi khuẩn,…. Khi các tác nhân này xâm nhập và tích tụ trong tai quá nhiều, lớp da ống tai sẽ bị sưng viêm và tấy đỏ.
– Đau tai: Triệu chứng đau tai thường tăng dần theo mức độ viêm nhiễm, khi người bệnh cảm nhận được cơn đau rõ ràng nhất thường là thời điểm ống tai viêm nặng và đã có mùi.
-Ngứa tai: Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa tai, đối với trẻ em có thể quan sát bằng hành động kéo vành tai ngoài. Tuy nhiên hành động này không làm giảm sự ngứa mà còn vô tình làm tăng độ viêm của ống tai.
– Có mùi và chảy mủ: Viêm nặng sẽ làm ống tai có dịch nhày mùi khó chịu.
– Cảm giác đầy tai, ù và bít tắc: Khi viêm ống tai ngoài, người bệnh sẽ luôn cảm thấy ù tai và bị bít tắc, âm thanh nghe được đôi lúc như gió thôi, nghe không rõ và có tiếng vang.
2.2. Đau tai do viêm tai giữa
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng đau tai. Khi bị viêm tai giữa, ngoài cảm giác đau tai rõ rệt với những cơn đau âm ỉ éo sâu lên tận đầu thì sẽ có một số dấu hiệu như: khả năng nghe giảm sút rõ rệt; vừa đau vừa ngứa bên trong tai; luôn nghe thấy tiếng ù ù, lọc cọc; tai có mùi. Một số trường hợp viêm tai giữa sẽ gây sốt. Ở trẻ em bị viêm tai giữa sẽ thường quấy khóc và trở nên khó tính.
Nếu viêm tai giữa tiến triển nặng, và hình thành dịch mủ ở tai giữa, màng nhĩ không chịu được áp lực sẽ dẫn đến tình trạng thủng màng nhĩ và dịch mủ được tháo ra ngoài. Tuy nhiên lúc này tình trạng không phải đang thuyên giảm mà nếu không điều trị kịp thời, viêm sẽ lan sâu tới xương chũm, dây thần kinh và mạch máu vô cùng nguy hiểm tới tính mạng
2.3. Đau tai do hệ quả của các bệnh lý khác
Đối với nguyên nhân từ các bệnh lý khác cũng thường xuyên dẫn đến viêm tai giữa với các triệu chứng tương tự như đã đề cập bên trên
3. Bị đau tai phải làm sao?
Tai là bộ phận vô cùng quan trọng, giúp con người có thể cảm nhận âm thanh. Khi nhận ra mình bị đau tai kèm theo sốt, hoặc kéo dài đến 3 ngày mà không giảm thì cần đi khám ngay lập tức vì bạn thực sự đã gặp vấn đề rắc rối về sức khỏe và có thể khiến bạn điếc vĩnh viễn.
Bạn tuyệt đối không được làm những việc sau đây:
– Nếu nghi ngờ có dị vật trong tai, không dùng bông ngoáy tai hoặc các vật dụng khác đưa vào trong tai để lấy ra vì hành động này có thể làm tổn thương nghiêm trọng tới tai.
– Không dùng oxy già, cồn hay các thuốc nhỏ vào trong tai để tự điều trị khi chưa rõ nguyên nhân.
– Tuyệt đối không vỗ mạnh vào tai, day vành tai để làm giảm ù, ngứa.
Hãy tới chuyên khoa thăm khám và bác sĩ sẽ thực hiện nội soi và các kiểm tra chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân gây đau tai. Đối với viêm tai giữa mưng mủ, có thể cần dẫn lưu mủ ra ngoài để điều trị viêm.
4. Bảo vệ tai đúng cách như thế nào?
Để có một đôi tai khỏe thì việc chăm sóc đôi tai đúng cách là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số tip giúp bạn chăm sóc tai hiệu quả:
– Luôn giữ cho tai khô ráo: sau khi tắm, bơi lội hay không may nước vào trong tai, bạn cần nghiêng tai để nước có thể chảy ra ngoài và nhẹ nhàng dùng tăm bông thấm khô nước.
– Tránh áp lực quá lớn đối với tai: Áp lực quá lớn khi lặn, bơi lội hoặc di chuyển nơi quá nhiều gió, đeo tai nghe lâu với âm lượng lớn đều làm giảm thính lực và thủng màng nhĩ. Hãy chú ý bảo vệ đôi tai trong những trường hợp trên.
– Lấy ráy tai: Không cần thiết và không nên lấy ráy tai vì chúng hoàn toàn có thể tự đẩy ra ngoài. Nếu bạn có cảm giác đầy tai, ù tai hãy tới nhờ bác sĩ khám và lấy ráy tai nếu cần thiết.
– Đi khám ngay nếu ngứa tai kéo dài, tai có mùi, đau tai hoặc cảm giác nghe kém, không được để lâu vì rất nhiều trường hợp sau khi khắc phục được hoàn toàn bệnh lý vẫn không thể hồi phục thính lực như ban đầu.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng đau tai. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn biết khi bị đau tai phải làm sao để xử lý đúng cách, tránh những thương tổn đáng tiếc và những lưu ý khi chăm sóc tai.