Bệnh viêm mũi họng gây nhiều triệu chứng dai dẳng và khó chịu như chảy mũi, đau họng, ho, mệt mỏi,… Đây cũng là bệnh lý dễ thấy ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nhiều biến động và chất lượng môi trường kém. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh, để phòng tránh viêm mũi họng đúng cách, đồng thời, tìm cách điều trị phù hợp với bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân hình thành viêm mũi họng
Viêm mũi họng là bệnh lý viêm cấp tính đường hô hấp trên tại hệ thống mũi, hầu họng, có thể xuất hiện đơn thuần, hoặc là giai đoạn đầu của nhiều bệnh nhiễm trùng. Viêm mũi họng thường gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, trong đó, thời tiết lạnh và các đối tượng trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh hơn cả. Bệnh lý này cũng gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh với loạt triệu chứng khó chịu và nhiều nguy cơ lây lan viêm nhiễm đến các bộ phận liền kề. Chính vì thế, nhận biết nguyên nhân để phòng bệnh là điều cần thiết với mỗi chúng ta.
1.1. Nguyên nhân bệnh viêm mũi họng do nhiễm trùng
Viêm mũi họng thường khởi đầu do viêm nhiễm virus, phổ biến nhất là nhóm rhinovirus. Độc tố virus tác động, khiến sức đề kháng giảm sút, là điều kiện gây thể bội nhiễm vi khuẩn khiến bệnh nặng hơn, buộc phải điều trị với kháng sinh. Trong đó, liên cầu nhóm A là tác nhân nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng xấu. Số ít trường hợp viêm mũi họng bắt nguồn do nấm.
Viêm mũi họng có thể lây lan qua nước bọt khi ôm hôn, hắt hơi, ho, trò chuyện,… Tình huống sử dụng đồ vật chung cũng có thể làm lây lan virus, vi khuẩn gây bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến viêm mũi họng thường lây lan nhanh chóng, nhất là ở các địa điểm công cộng như: lớp học, xe buýt,…
1.2. Một số nguyên nhân khác
Bệnh viêm mũi họng cũng có thể do một số nguyên nhân như:
– Giao mùa và những sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
– Thế dị ứng và bệnh dị ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên
– Vấn đề ô nhiễm hoặc tiếp xúc với chất độc hại như bụi, khói thuốc, hơi nhựa,…
– Bệnh về máu: Tình trạng viêm mũi họng loét khó thấy trong đời sống, nhưng vẫn có thể xảy ra với các bệnh nhân có bệnh về máu như bệnh bạch cầu, mất bạch cầu hạt,…
2. Điều trị viêm mũi họng
2.1. Chẩn đoán bệnh viêm mũi họng
Viêm mũi họng thường xảy ra bất ngờ với các triệu chứng như sau:
– Sốt: sốt vừa/sốt cao
– Nuốt đau, có thể đau nhói lên tai
– Ho khan, ho có đờm
– Ngạt mũi, chảy mũi
– Khàn tiếng
– Ớn lạnh
– Nhức đầu
– Đau mình
– Mệt mỏi
Soi họng, có thể thấy: niêm mạc họng đỏ, xuất tiết. Một số trường hợp sưng amidan, có chấm mủ/bựa trắng trên amidan. Mũi sung huyết niêm mạc, xuất tiết. Có thể sưng và đau hạch góc hàm,…
Trong tình trạng viêm mũi họng nặng với nguy cơ biến chứng, cần xét nghiệm vi trùng, làm kháng sinh đồ. Với các trường hợp nghi lây nhiễm nguy hiểm, cần xét nghiệm phòng dịch để lên phác đồ điều trị phù hợp. Chính vì thế, không nên chủ quan trước bệnh lý này.
2.2. Tiên lượng biến chứng
Với viêm mũi họng do virus được điều trị nhanh, các triệu chứng bệnh có thể giảm dần và khỏi sau thời gian ngắn. Trong khi đó, tình trạng bội nhiễm, đặc biệt là bội nhiễm liên cầu, điều trị viêm mũi họng thường kéo dài hơn. Nhiều trường hợp điều trị chậm trễ có thể để lại nhiều biến chứng như:
– Biến chứng tại chỗ: viêm, áp xe amidan; viêm mũi xoang, các viêm nhiễm vùng cổ họng;…
– Biến chứng gần: nguy cơ lây nhiễm và hình thành các bệnh như: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản,..
– Biến chứng xa: viêm khớp, viêm màng tim, viêm cầu thận,…
Các bác sĩ tai mũi họng cũng cho biết, nhiều trường hợp viêm mũi họng không sớm điều trị, để bệnh kéo dài, thành viêm mạn tính. Điều này khiến việc điều trị sau này khó khăn hơn, đồng thời, công tác phòng ngừa biến chứng cũng dễ mất kiểm soát. Chính vì thế, với viêm mũi họng, người bệnh không nên chủ quan, mà cần thăm khám phù hợp và điều trị theo đúng nguyên nhân và tình trạng bệnh của bản thân.
2.3. Điều trị
Tùy theo nguyên nhân, tình trạng triệu chứng, các biến chứng liên quan mà việc điều trị viêm mũi họng sẽ được các bác sĩ đánh giá và chỉ định phù hợp:
– Kháng sinh: Thường dùng với trường hợp viêm nhiễm do vi trùng với các thuốc như Penicillin, Cephalosporin,… tùy theo cân nặng, độ tuổi và triệu chứng. Kháng sinh được nhắc nhở cần điều trị theo kháng sinh đồ khi có kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, cần lưu ý không tự ý dùng hoặc ngắt kháng sinh trong điều trị bởi điều này có thể ảnh hưởng lớn đến công tác phòng và chữa bệnh sau này.
– Hạ sốt, giảm đau, kháng viêm: các loại thuốc như Paracetamol, Aspirine, Alphachymotrypsine,… được kê cân nhắc độ tuổi, tiền sử viêm dạ dày tá tràng hay bệnh đường tiêu hóa,…
– Chế độ ăn uống, nâng cao thể trạng: cần ăn dinh dưỡng, giàu chất bổ và năng lượng, dễ tiêu hóa. Người bệnh nên ăn nhiều trái cây mát, giàu vitamin để tăng cường đề kháng.
3. Phòng viêm mũi họng
Viêm mũi họng rất phổ biến và dễ bắt gặp. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thể phòng tránh bệnh lý này. Để ngăn ngừa và phòng bệnh viêm mũi họng, cần chú ý:
– Tăng cường sức khỏe và hệ đề kháng hằng ngày với các hoạt động trong sinh hoạt, ăn uống, thể dục thể thao.
– Nâng cấp môi trường sống, mức sống với việc đảm bảo sự trong lành trong không gian sống và làm việc.
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường công cộng dễ lây nhiễm.
– Giữ ấm trong mùa lạnh, phòng hộ lao động cẩn thận.
– Có thói quen sinh hoạt tốt: bỏ rượu, bỏ thuốc lá, đảm bảo vệ sinh răng miệng,…
– Tiêm chủng phòng bệnh
– Điều trị các bệnh mũi họng đúng cách, theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng.
Bệnh viêm mũi họng rất dễ bắt gặp và lây nhiễm, nhất là với khí hậu bất ổn, tình trạng ô nhiễm và mật độ dân số cao ở nước ta. Chính vì thế, cần tăng cường các hoạt động phòng bệnh. Bên cạnh đó, khi phát hiện các dấu hiệu viêm mũi họng, cần sớm đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám, xác định đúng nguyên nhân và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là cách cần thiết để tránh tình trạng bệnh tái phát liên tục và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho chúng ta.