Bệnh trĩ và ung thư trực tràng khác nhau như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Vũ Văn Hải

Bác sĩ Ngoại Khoa

Bệnh trĩ và ung thư trực tràng là hai căn bệnh tiêu biểu trong danh sách các bệnh lý của hậu môn – trực tràng. Bài viết hôm nay, Thu Cúc TCI gửi đến quý độc giả thông tin về hai căn bệnh này cũng như cách phân biệt chúng.

Menu xem nhanh:

1. Lý giải: Bệnh trĩ và bệnh ung thư trực tràng có đặc điểm như thế nào?

1.1. Giải thích hiện tượng bệnh trĩ là gì?

Là căn bệnh cực kỳ phổ biến với tỷ lệ mắc rất cao, ắt hẳn tên gọi bệnh trĩ và các khái niệm “búi trĩ”, “lòi trĩ” ai cũng từng nghe qua. Bệnh có đặc trưng  hình thành do đám rối tĩnh mạch hậu môn giãn nở, căng phồng trong thời gian dài. Búi trĩ lớn lên có thể sẽ sa ra ngoài hậu môn hoặc gây tắc nghẽn hậu môn do kích thước quá lớn và mọc ở lỗ hậu, gây cản trở và phiền toái cho việc đại tiện cũng như sinh hoạt.

Bệnh trĩ được các chuyên gia phân chia thành hai loại: trĩ nội và trĩ ngoại, ngoài ra sự kết hợp của cả hai loại trĩ này được gọi là trĩ hỗn hợp. Phân loại theo cấp độ bệnh, trĩ nói chung được phân ra với 4 cấp độ, tương ứng với độ nặng tăng dần. Trĩ độ 1 là giai đoạn bắt đầu, độ 2,3 là giai đoạn tiến triển nặng dần và độ 4 là giai đoạn nặng bắt buộc phải được điều trị ngay.

Bệnh trĩ có thể chữa được hoàn toàn do là căn bệnh lành tính, tuy nhiên người bệnh cần được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị hợp lý và chú trọng tính kịp thời. Bệnh trĩ rất dễ điều trị ở giai đoạn bệnh nhẹ, có thể chỉ cần dùng thuốc. Với mức độ nặng hơn hoặc người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa thì người bệnh sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa.

Bệnh trĩ và ung thư trực tràng

Bệnh trĩ là căn bệnh lành tính có thể điều trị khỏi

1.2. Ung thư trực tràng – bạn đã biết?

Ung thư là tình trạng bệnh liên quan trực tiếp đến tế bào. Sự phát triển bất thường của tế bào lớp trong niêm mạc trực tràng, sau đó xâm lấn sang các tế bào lân cận khác, rồi theo đường máu hoặc đường bạch huyết di căn tới các cơ quan khác trên cơ thể.

Bởi ung thư trực tràng mang tính chất của bệnh ung thư nên đây là căn bệnh nguy hiểm, khó điều trị. Nếu không phát hiện và chữa trị sớm, căn bệnh này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

2. Tại sao bệnh trĩ và bệnh ung thư trực tràng có thể bị nhầm lẫn?

Do vị trí ở khu vực hậu môn – trực tràng, bệnh trĩ và bệnh ung thư trực tràng thường bị nhầm lẫn với nhau. Cả hai bệnh đều ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng chung của hậu môn, trực tràng. Ngoài ra, dấu hiệu của trĩ và ung thư trực tràng cũng khá giống nhau. Cả hai bệnh đều gây ra tình trạng đi ngoài ra máu, khiến bệnh nhân dễ bị hoang mang và nhầm lẫn do điều này.

Thăm khám bác sĩ vẫn là cách tốt nhất để biết bạn bị bệnh gì nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ. Tuy vậy, bạn có thể tham khảo một số điểm khác biệt giữa hai loại bệnh này dưới đây.

3. Bệnh trĩ khác ung thư trực tràng ở điểm gì?

3.1. Bệnh trĩ và ung thư trực tràng: Phân biệt qua máu khi đại tiện

Mặc dù có điểm chung là đều xuất hiện máu khi đại tiện, vẫn có thể phân biệt được hai loại bệnh qua những đặc điểm sau:

Ở người bệnh ung thư trực tràng: Người bệnh sẽ chảy máu nhưng màu đỏ thẫm, có dịch và mủ nhớt. Ngoài ra, máu chảy không thường xuyên, không theo quy luật nào, có lúc ít có lúc nhiều.

Đối với bệnh trĩ, máu kèm khi đại tiện là loại máu màu đỏ tươi, giàu oxy và hiếm khi lẫn vào phân. Tình trạng chảy máu thường tăng dần theo cấp độ của bệnh. Ở giai đoạn đầu, máu thường ít hơn. Tuy nhiên khi bệnh trở nên nặng nề, đặc biệt là với trĩ nội, lượng máu nhiều bất thường và đôi khi có thể chảy máu nhỏ giọt hoặc thành tia.

Máu khi đại tiện là tiêu chí phân biệt hai loại bệnh

Máu khi đại tiện là tiêu chí phân biệt hai loại bệnh

3.2. Bệnh trĩ và ung thư trực tràng: Phân biệt qua các triệu chứng khác

Hai loại bệnh này cũng có những triệu chứng khác nhau ngoài chảy máu:

Ở bệnh ung thư trực tràng:

– Người bệnh sẽ đi ngoài nhiều hơn so với bình thường, với phân mỏng và hẹp. Ngoài ra, chất nhầy ở phân sẽ nhiều hơn.

– Thường xuyên mót rặn, nhưng bệnh nhân gặp khó khăn khi rặn hoặc đi vệ sinh

– Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi táo bón và tiêu chảy đan xen nhau.

– Tình trạng đau bụng quặn thắt –  khác với bệnh trĩ vì bệnh trĩ không gây đau bụng.

– Người bệnh thường gặp phải tình trạng mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân, đôi khi khó thở, chóng mặt.

Ở bệnh trĩ:

– Sưng, ngứa ngáy và phù nề ở hậu môn, khiến người bệnh khó ngồi hoặc thậm chí đi lại.

– Các biểu hiện của búi trĩ trở nên rõ ràng và khó nhầm lẫn với ung thư trực tràng khi nặng lên. Búi trĩ sẽ sa ra ngoài (búi trĩ nội) hoặc phát triển tăng kích thước gây tắc nghẽn hậu môn (búi trĩ ngoại)

3.3. Những đối tượng dễ mắc trĩ và ung thư trực tràng

Ngoài sự khác nhau về triệu chứng và tính chất bệnh, đối tượng mắc hai loại bệnh này cũng có điểm khác nhau.

Bệnh trĩ: Đối tượng mắc bệnh có thể là bất cứ ai, mọi độ tuổi, mọi giới tính. Ngoài ra, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn là người già, người bị táo bón thường xuyên kéo dài, người ngồi nhiều như làm văn phòng, shipper, phụ nữ sau sinh,…

Bệnh ung thư trực tràng: Đây là căn bệnh khá phổ biến ở độ tuổi trung niên: 40-55 tuổi. Ngoài ra, nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn là bệnh nhân viêm đại tràng, loét đại tràng, người tiền sử gia đình bị ung thư,..

Phụ nữ có thai rất dễ bị bệnh trĩ

Phụ nữ có thai rất dễ bị bệnh trĩ

3.4. Thăm khám là cách chính xác hơn cả để phân biệt bệnh

Khi có các triệu chứng lạ ở hậu môn, trực tràng, bệnh nhân cần đến thăm khám chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ dựa trên biểu hiện trực quan để đánh giá sơ bộ. Với các biểu hiện bệnh trĩ, bệnh nhân sẽ được nội soi xác định cấp độ bệnh, chỉ định phương pháp điều trị.

Đối với trường hợp nghi ngờ ung thư trực tràng, cần thăm khám chuyên khoa. Các chỉ định thăm khám có thể bao gồm: nội soi đại trực tràng, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm, sinh thiết và chụp PET CT.

Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về bệnh trĩ và ung thư trực tràng, cũng như các phân biệt hai loại bệnh này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital